Thủ tướng: Đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.

Sáng 3/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; kết quả làm việc của các Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Dự phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội. Dự họp trực tuyến tại các điểm cầu các địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KTXH tháng 5 tiến triển tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4, lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng, tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, sản xuất nông nghiệp ổn định; Tính chung 5 tháng, tình hình KTXH có nhiều điểm sáng, lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, xuất siêu 9,8 tỷ USD. Xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Đặc biệt, thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch phục hồi nhanh, có gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ, đạt 57,5% kế hoạch năm.

Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường logistics mới nổi. Trong khuôn khổ Phiên họp của Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc, Việt Nam được đánh giá cao về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững, là một bài học thành công trong việc phối hợp hiệu quả giữa quốc gia và Liên Hợp Quốc.

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ ngành và địa phương cho rằng, mặc dù chịu tác động của diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, tuy nhiên dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhìn chung trong 5 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nêu ý kiến: “Tỉnh Lạng Sơn thấy rằng là trong 5 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do những tác động kéo dài của dịch covid  19, tình hình thế giới thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì và chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, mặc dù trong bối cảnh hết sức khó khăn và cái đó đã truyền cảm hứng cho các địa phương để chúng tôi cũng quyết tâm nỗ lực để phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 cũng như các công việc có liên quan.”

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: "Chúng tôi thấy kinh tế xã hội cả nước, trong đó có Tp. Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến khá tích cực trong những tháng đầu năm, đặc biệt trong tháng 5, và đặc biệt là các địa phương cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất có ấn tượng với Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên trong nỗ lực ban hành các quyết sách để tháo gỡ các vướng mắc về thể chế cũng như sự quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng, các thành viên từ các vấn đề như đầu tư công, sản xuất kinh doanh, tháo gỡ cho thị trường bất động sản, chấn chỉnh và tăng cường kỷ cương kỷ luật, hiệu quả của cơ quan hành chính, những kết quả này đã rất nổi bật, rất ấn tượng và đã lan tỏa trong cả hệ thống."

Chủ tịch UBND tỉnh Bến tre Trần Ngọc Tam: “Bến Tre xin thống nhất với báo cáo của Chính phủ phải nói là trong điều kiện hết sức khó khăn chung của cả nước thì về kinh tế xã hội của chúng ta trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm thì đã kết quả như vậy là tôi cho là rất là đáng mừng, với vai trò lãnh đạo điều hành rất là năng động sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã có những kết quả rất đáng mừng”.

Sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường bất động sản chuyển biến bước đầu. Các lĩnh vực, văn hóa, xã hội, thể thao tiếp tục phát triển. Đời sống nhân dân tiếp tục ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Bên cạnh đó các đại biểu đã thẳng thắn đề xuất những kiến nghị nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách cần xử lý tại địa phương.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và phân tích tình hình quốc tế, trong nước. Trong đó nêu rõ, trong 5 tháng qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, chuyến công tác, ban hành các văn bản đôn đốc, tập trung vào 9 nhóm vấn đề: thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia; giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ, gia hạn thuế; tháo gỡ khó khăn cho các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; xử lý các vấn đề khó như trong mua sắm thuốc, vật tư y tế; triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị phát triển 6 vùng kinh tế-xã hội; tổ chức các hội nghị toàn quốc về quy hoạch, xuất khẩu, ngoại giao kinh tế; xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài…

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, lãi suất, tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường mới; đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan tập trung cho 3 động lực tăng trưởng. Một là tiếp tục nghiên cứu để giảm thuế, miễn thuế, giảm phí, lệ phí hỗ trợ người lao động; khuyến khích, khuyến mãi giảm giá thúc đẩy phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và khuyến mại du lịch, khuyến mại thương mại, giãn nợ khoanh nợ, giảm lãi suất giải pháp.

Thứ hai, về đầu tư giải ngân vốn đầu tư công đẩy mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa, kịp thời hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, phải giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân gồm vốn, thuế phí, lệ phí và là thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến đầu tư tốt và chuẩn bị các dự án tốt, xử lý nhanh các vướng mắc của các nhà đầu tư, các địa phương, các Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo các giải pháp.

Thứ ba là về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường đã có, vừa phải mở rộng thị trường mới, nhanh chóng trong tháng 6 này ký cho bằng được với Israel.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên cho tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên. Cùng với đó tăng cường phân cấp phân quyền.   

Các bộ, ngành và các địa phương phải thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Cùng với đó, tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và khẩn trương hoàn thiện, trình Đề án cơ cấu lại một số tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế, trong đó triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; bảo đảm ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa cao điểm nắng nóng; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh; tăng cường quản lý các dịch vụ du lịch trong mùa cao điểm Hè năm 2023; có giải pháp thu hút hiệu quả khách du lịch quốc tế; triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp; tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương tổng hợp từ báo cáo của 26 Tổ công tác của Chính phủ.

Thủ tướng chỉ đạo những kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương thì giao cho các địa phương chủ động rà soát, xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị thuộc thẩm quyền của bộ, ngành nào, bộ, ngành đó chủ động trả lời, báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới; triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội; rà soát, tháo gỡ các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Đề án 06, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tích cực xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Theo sát và tổ chức phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh; giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 nghiêm túc, an toàn, hiệu quả. Có giải pháp hiệu quả bảo vệ trẻ em trước tình trạng xâm hại, bạo lực, ma túy học đường, tai nạn thương tích, đuối nước trong mùa hè.

Nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Giữ vững an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an toàn xã hội, nhất là trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng của đất nước. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực mới phục vụ phát triển kinh tế số, phát triển xanh, bền vững.

Tăng cường công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng lãng phí tiêu cực. Đẩy mạnh tuyên truyền về các nhiệm vụ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, tổ chức hoạt động hiệu quả Tổ công tác đặc biệt do lãnh đạo Tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh - xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm;

Tập trung xử lý những nhiệm vụ, giải pháp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại địa phương theo thẩm quyền; chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo việc làm và sinh kế cho người dân; Chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai; Thực hiện luân chuyển cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì công việc chung

Thủ tướng yêu cầu, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chủ động định hướng thông tin truyền thông chính sách, giải thích chính sách, phổ biến những mô hình hay, đổi mới sáng tạo để các nơi học tập, nhân rộng mô hình.

Thủ tướng để nghị, lãnh đạo các bộ ngành địa phương, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, xung kích gương mẫu, đề cao trách nhiệm đạo đức công vụ để kết quả quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước. Từng quý phải cố gắng, từng cá nhân phải cố gắng để tạo sung lực chung đưa đất nước phát triển như kỳ vọng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích kỹ những mặt đã làm được, đặc biệt là những hạn chế, khó khăn thách thức, qua đó bàn giải pháp khắc phục.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích kỹ những mặt đã làm được, đặc biệt là những hạn chế, khó khăn thách thức, qua đó bàn giải pháp khắc phục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567

VOV.VN - Sáng nay 2/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới chúc mừng các chức sắc, tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023 và dự lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567

VOV.VN - Sáng nay 2/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới chúc mừng các chức sắc, tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023 và dự lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ nông sản xuất khẩu
Chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ nông sản xuất khẩu

VOV.VN - Tối 31/5, Thủ tướng đã có công điện về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ nông sản xuất khẩu

Chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ nông sản xuất khẩu

VOV.VN - Tối 31/5, Thủ tướng đã có công điện về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.