Thủ tướng nêu 9 nhiệm vụ trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

VOV.VN - Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh: Cần quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân”,...

Sáng nay (ngày 29/5), sự kiện được mong chờ nhất trong năm của nông dân Việt Nam chính thức diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La chủ tổ chức.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước; cùng hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La.

Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, người đứng đầu Chính phủ và đại diện các Bộ, ngành Trung ương đã lần lượt tiếp thu, giải đáp cặn kẽ từng câu hỏi, băn khoăn của bà con. Những câu hỏi đề xuất, kiến nghị của nông dân tập trung vào 8 nhóm vấn đề bao gồm nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp; vấn đề đất đai và cơ chế chính sách; nhóm câu hỏi về thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp; vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn nông dân; nhóm câu hỏi về vốn, tín dụng; môi trường ở nông thôn; vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương, và các vấn đề, kiến nghị, đề xuất khác như: Tình trạng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc, phát triển và giữ rừng, công tác KHCN với nghiên cứu giống…

Đặc biệt về vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân Nguyễn Thị Trâm đến từ tỉnh Bắc Ninh nêu ý kiến: “Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ sẽ có chính sách gì để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Xác định lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn.

Hiện nay, Bộ KHĐT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung như: Trình tự thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp được rà soát, chỉnh sửa rõ ràng, minh bạch và đồng bộ với các Luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thực hiện chính sách; đồng thời giúp công tác quản lý nhà nước được triển khai thuận lợi hơn".

Làm rõ thêm nội dung hỗ trợ nông dân trong lúc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: “Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ngay trong thời gian phòng chống dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước.

Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế,… đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm, không phải tính cua trong lỗ”.

Về vấn nạn tín dụng đen ở nông thôn, nông dân Trần Thị Thanh Thoan, đến từ huyện Duy Tiên, Hà Nam nêu ý kiến: “Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại. Tôi xin được hỏi, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?".

Về vấn đề này ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Chúng tôi đã đi khảo sát thực tế và thấy được rất nhiều câu chuyện đau lòng về tín dụng đen. Từ đó, ngành ngân hàng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này, nếu như làm tốt cung ứng vốn sẽ hạn chế được tín dụng đen.

Cũng từ năm 2017, chúng tôi có nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tạo điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển, có sự quản lý chặt để tránh biến tướng. Đồng thời, tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân".

Làm rõ thêm về vấn đề nông dân Trần Thị Thanh Thoan nêu ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong chương trình phục hồi và phát triển, chính sách hỗ trợ đã rõ, nhưng trong tổ chức thực hiện, việc tiếp cận vốn tín chấp còn khó khăn. Thủ tướng đề nghị ngân hàng nghiên cứu thêm về vấn đề này; chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp; các hộ nông dân cũng phải có dự án, rõ ràng, khả thi, hiệu quả thì ngân hàng sẽ chia sẻ nhiều hơn.

“Việc chống tín dụng đen phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an phối hợp với NHNN nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn, hạn chế tín dụng đen" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt về vấn đề giá đất đai tại nhiều nơi đã tăng trưởng nóng, dẫn tới hiện tượng nhiều bà con nông dân cũng tham gia buôn bán đất đai. Việc tăng giá đất dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp, cho đảm bảo an ninh, trật tự ở nhiều địa phương.

Nông dân Hoàng Đình Quê tỉnh Bắc Giang đặt câu hỏi: “Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có các giải pháp gì nhằm kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai đúng các quy định của pháp luật?”

Về vấn đề này Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên khẳng định, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng đã kịp thời có văn bảo chỉ đạp các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất và thị trường bất động sản.

Về giải pháp trong thời gian tới ông Kiên cho biết: “Tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản, bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Công bố công khai thông tin về quy hoạch; thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất một mặt để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản.

Quản lý chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định các pháp luật đất đai về việc tách thửa. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án theo quy định của pháp luật; có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Về chính sách đất đai, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang làm việc rất tích cực, Chính phủ đang chuẩn bị trình sửa đổi Luật Đất đai và sắp tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm các sai phạm…

Với vấn đề đất đai, vừa phải có giải pháp xử lý các vấn đề tình thế, vừa phải có giải pháp lâu dài. Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, đời sống người dân, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng”.

Trong vòng gần 4 giờ đồng hồ, cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các thành viên Chính phủ và bà con nông dân trong cả nước diễn ra hết sức sôi nổi, hiệu quả.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tại cuộc đối thoại hôm nay chúng ta đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận, làm rõ, chia sẻ và nhất trí về nhiều vấn đề quan trọng từ định hướng chiến lược, khó khăn, vướng mắc, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Các vấn đề, nội dung thảo luận, trao đổi tại Hội nghị đối thoại góp phần bổ sung căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sông nông dân.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ 9 vấn đề trong đó nhấn mạnh: Cần quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.

“Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn” - Thủ tướng chỉ đạo.

Cùng với đó Thủ tướng yêu cầu, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công tư.

“Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề.

Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm và giảm chi phí. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo nắm bắt thị trường, giúp người nông dân định hướng năm nay trồng cái gì, năm sau trồng cái gì, tránh cung vượt cầu, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.” - Thủ tướng Chính Phủ nói.

Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh; tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của người nông dân, nhất là những vướng mắc về cơ chế chính sách, nhằm hỗ trợ bà con nông dân phát triển chiều sâu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: Phát triển nông nghiệp phải dựa vào nội lực, yếu tố con người là chính
Thủ tướng: Phát triển nông nghiệp phải dựa vào nội lực, yếu tố con người là chính

VOV.VN - Thủ tướng cũng khích lệ việc phải tự chủ vươn lên, dựa vào nội lực, yếu tố con người là chính. Nhưng cũng không thể bỏ qua ngoại lực. Lấy nông nghiệp làm trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó nông dân là chủ thể thì cần có sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả.

Thủ tướng: Phát triển nông nghiệp phải dựa vào nội lực, yếu tố con người là chính

Thủ tướng: Phát triển nông nghiệp phải dựa vào nội lực, yếu tố con người là chính

VOV.VN - Thủ tướng cũng khích lệ việc phải tự chủ vươn lên, dựa vào nội lực, yếu tố con người là chính. Nhưng cũng không thể bỏ qua ngoại lực. Lấy nông nghiệp làm trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó nông dân là chủ thể thì cần có sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp Sơn La
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp Sơn La

VOV.VN - Chiều nay (28/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thăm vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, gặp gỡ bà con nông dân trồng xoài, mận, thanh long; thăm, kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La; khảo sát Cảng hàng không Nà Sản, huyện Mai Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp Sơn La

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp Sơn La

VOV.VN - Chiều nay (28/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thăm vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, gặp gỡ bà con nông dân trồng xoài, mận, thanh long; thăm, kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La; khảo sát Cảng hàng không Nà Sản, huyện Mai Sơn

Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề nóng
Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề nóng

VOV.VN - Nông dân, các Hợp tác xã, các doanh nghiệp, các nhà khoa học rất kỳ vọng trên cơ sở các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của họ.

Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề nóng

Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề nóng

VOV.VN - Nông dân, các Hợp tác xã, các doanh nghiệp, các nhà khoa học rất kỳ vọng trên cơ sở các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của họ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

VOV.VN - Sáng nay (29/5) tại Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại trực tiếp với nông dân tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 năm 2022. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

VOV.VN - Sáng nay (29/5) tại Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại trực tiếp với nông dân tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 năm 2022.