Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn gì từ chuyến thăm của Tổng Bí thư?
VOV.VN - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam hy vọng chuyến thăm sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, giúp môi trường đầu tư giữa hai nước thông thoáng...
Đây là khẳng định của ông Shim Won Hwan – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khi trao đổi với VOV.VN về những việc công ty đã làm và kế hoạch sắp tới tại Việt Nam của Samsung.
- Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam (ảnh Vũ Hạnh)
PV: Thưa ông, Samsung là một trong những DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt nhiều thành công. Ông đánh giá như thế nào về các cơ hội đầu tư, nguồn nhân lực của Việt Nam?
Ông Shim Won Hwan: Trên thực tế, Samsung đã và đang đầu tư rất nhiều ở Việt Nam. Để có được thành công như ngày hôm nay là nhờ tổng hòa nhiều yếu tố, trong đó có hỗ trợ, hợp tác từ phía Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành cũng như người dân Việt Nam.
Nếu xét về tầm nhìn chiến lược trong tương lai dài, tôi nghĩ rằng có 2 mục tiêu trọng tâm.
Thứ nhất, Samsung và Chính phủ Việt Nam có thể hợp tác để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp làm về công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cao nhằm tạo ra nền tảng vững chắc cho cơ cấu công nghiệp của Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam có nguồn nhân lực ưu tú nhưng họ chưa nắm được nhiều về công nghệ cũng như kỹ năng tay nghề. Samsung sẵn sàng hợp tác với Chính phủ cũng như các ban, ngành của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao và có tay nghề cao. Các bạn cũng cần có các chính sách để thu hút nguồn nhân lực ưu tú về làm cho các doanh nghiệp trong nước hoặc các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam cần quan tâm để đảm bảo mục tiêu dài hạn về phát triển kinh tế xã hội.
PV: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói rằng họ muốn trở thành nhà cung cấp phụ kiện cho Samsung nhưng khó quá. Vậy theo ông, các DN Việt Nam phải phấn đấu tới mức nào để trở thành đối tác của Samsung?
Ông Shim Won Hwan: Samsung có một nguyên tắc chung và không thay đổi, đó là, nếu các doanh nghiệp trong nước của nước sở tại có thể đáp ứng được 3 tiêu chí về chất lượng, thời hạn giao hàng và giá cả thì chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng và hợp tác với các doanh nghiệp đó.
Theo tôi, các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam cần quan tâm và nỗ lực hơn trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng ta nên phát triển theo mô hình từ từ chứ không nên nóng vội. Nói cách khác, hãy bắt đầu từ việc sản xuất những linh kiện đơn giản, nằm trong khả năng hiện có, chứ không phải những linh kiện quá khó. Dần dần, các doanh nghiệp này sẽ nắm được công nghệ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất và đáp ứng được nhu cầu của Samsung cũng như các doanh nghiệp nước ngoài khác.
Chính phủ Việt Nam cũng cần có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong nước chuyên về công nghiệp phụ trợ, tạo cho họ một môi trường đầu tư, sản xuất phù hợp, thuận lợi để họ có thể tự mình tham gia vào chuỗi quy trình này.
PV: Với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang có dự định sang Việt Nam đầu tư làm ăn, ông có lời khuyên gì dành cho họ?
Ông Shim Won Hwan: Tôi cho rằng Việt Nam có nguồn nhân lực rất ưu tú và hoàn toàn có thể tin tưởng vào nguồn nhân lực này trong quá trình đầu tư tại Việt Nam. Điều quan trọng là các nhà đầu tư Hàn Quốc khi sang Việt Nam thực hiện các dự án phải làm thế nào để đào tạo và bồi dưỡng tốt hơn nguồn nhân lực địa phương, qua đó biến hoạt động đầu tư của mình trở thành một quá trình đầu tư hấp dẫn.
Bên cạnh đó, nền tảng văn hóa, cách suy nghĩ, tư duy của người Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với người Hàn Quốc. Đây cũng là một thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc bởi khi đến Việt Nam họ sẽ ít bị “sốc” văn hóa.
PV: Sắp tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Hàn Quốc. Các doanh nghiệp như Samsung mong đợi gì ở chuyến thăm này, thưa ông?
Ông Shim Won Hwan: Chúng tôi tin rằng thông qua chuyến thăm, với sự gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước, mối quan hệ hợp tác hiện có giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ trở nên gắn bó hơn, đồng thời hi vọng chuyến thăm sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, giúp môi trường đầu tư giữa hai nước thông thoáng và mang lại hiệu quả nhiều hơn cho các nhà đầu tư hai bên.
Về phần mình, Samsung mong muốn nhận được sự hỗ trợ lớn hơn từ phía Chính phủ và các ban, ngành hữu quan của Việt Nam, đặc biệt là đối với các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng, qua đó chúng ta có thể xây dựng mối quan hệ “đôi bên cùng thắng”.
Ngoài ra, theo tôi được biết, các chế tài của Việt Nam hiện nay chủ yếu được áp dụng cho các doanh nghiệp thông thường chứ không phải các doanh nghiệp mang tính chất toàn cầu như Samsung. Bởi vậy, nếu sau này có các đề án về sửa đổi, điều chỉnh luật thì chúng tôi mong rằng Việt Nam đưa thêm vào đó các tiêu chí toàn cầu áp dụng cho Samsung, đồng thời mở rộng cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp như chúng tôi.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đến nay, Samsung Electronics đã trực tiếp tuyển dụng khoảng 60.000 người lao động tại Việt Nam và nếu tính cả những công ty đối tác của Samsung thì con số này lên tới 130.000 người.
Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Samsung là 23,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Dự kiến trong năm 2014, sẽ tăng lên mức 30 tỷ USD và chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, hiện nay Samsung Electronics đã thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực điện thoại di động và công nghệ thông tin tại Hà Nội với quy mô nhân lực là 1.200 kỹ sư và nhân viên. Đây có thể coi là xuất phát điểm quan trọng để giúp phát triển và nâng cao khả năng nghiên cứu công nghệ thông tin của Việt Nam trong tương lai.