Xây dựng thương hiệu chè: Người trong cuộc phải chủ động!
VOV.VN-Xây dựng và phát triển thương hiệu chè phải thực hiện trong mọi khâu từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, phân phối sản phẩm.
Chè Thái Nguyên đã nổi tiếng từ lâu. Nhưng nó không đồng nghĩa tất cả sản phẩm chè sản xuất từ Thái Nguyên đều đã có thương hiệu được ghi nhận, giá trị cây chè không thể tự nâng lên. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu chè đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết từ chính người trong cuộc.
Xây dựng thương hiệu là nhu cầu bức thiết
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 19.000 ha chè, trong đó gần 17.000 ha chè kinh doanh. Với năng suất ổn định 109 tạ/ha, sản lượng chè tươi đạt gần 200.000 tấn/năm, tương đương 35.000 tấn chè búp khô... Với giá trung bình 150.000 đồng/kg, cây chè đem lại cho Thái Nguyên số tiền hơn 5.000 tỷ đồng/năm. Hiện rất nhiều hộ dân ở các huyện, xã đều tham gia trồng và chế biến chè.
Thái Nguyên hiện có gần 19.000 ha chè |
Để cây chè thực sự là cây làm giàu cho người nông dân, theo ông Long, tỉnh đã xây dựng đề án về phát triển chè Thái Nguyên. Và Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm vật thể, phi vật thể chè Thái Nguyên. Trong đó, cứ 2 năm sẽ tổ chức Festival trà Thái Nguyên một lần. Năm 2013 là năm thứ 2 Thái Nguyên tổ chức Festival này. Đây là hoạt động để tôn vinh những người trồng chè, quảng bá sản phẩm chè của Thái Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu chè Thái Nguyên ra thị trường quốc tế.
Với những lợi thế nêu trên, việc phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên đang được đặt ra bức thiết. Là người trong cuộc lăn lộn nhiều năm với cây chè, ông Nguyễn Huy Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần ngoại thương Việt Thái, chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm về chè (xã Phúc Thuận, Phổ Yên, Thái Nguyên), trăn trở: Chè Thái Nguyên vốn đã nổi tiếng. Nhưng phát triển thương hiệu sản phẩm cụ thể không thể một sớm một chiều mà bứt phá ngay được. Nhất là đang còn có sự lẫn lộn, nhận biết không rõ ràng, thậm chí có nhiều sản phẩm nhái, đấu trộn chè để phân phối đã gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm chè của Thái Nguyên.
Hơn nữa, theo ông Sơn, ngay trong chính nội tại người dân Thái Nguyên, do nhận thức của một số hộ kinh doanh chưa thực sự tốt, dẫn đến khâu quảng bá sản phẩm chưa đúng với chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường của nhà nước cũng còn hạn chế. Vì thế, “việc khẳng định sản phẩm chè của Thái Nguyên đích thực, nếu người “ngoại đạo” về chè sẽ rất khó khăn. Dù nói rằng người tiêu dùng hãy thông thái, nhưng điều này không dễ”- ông Sơn nhấn mạnh.
Do đó, trong khi thị trường còn nhiều vấn đề, theo ông Sơn, mấu chốt trước hết là phải quyết tâm xây dựng và phát triển thương hiệu. Việc này phải xuất phát từ chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm chè. Tất cả đều phải bắt đầu từ chính người trong cuộc.
Sản xuất theo chuỗi giá trị
Từ kinh nghiệm thực tế phát triển thương hiệu Việt Thái trà của mình, ông Sơn chia sẻ: Ý thức được việc muốn phát triển bền vững, phải đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu trên cơ sở sản xuất theo chuỗi giá trị. Cho nên, các sản phẩm chè của Công ty Việt Thái đều đảm bảo các tiêu chí bắt buộc về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Cách kiểm soát chất lượng từ gốc của Việt Thái là có hợp đồng với nông dân trên vùng nguyên liệu. Theo đó, công ty thu mua nguyên liệu với giá cao hơn thị trường, đổi lại, người dân trồng chè phải làm theo quy trình tiêu chuẩn kỹ thuật mà công ty đặt ra từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản...
Cách làm này đã tránh được nhược điểm trước đây. Đó là dù công ty có hợp đồng thuê vùng nguyên liệu của các hộ dân, rồi thuê người dân trồng và chăm sóc theo kỹ thuật của công ty, nhưng vẫn không quản lý được. Người dân vẫn lén bón phân đạm, tự ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tăng sản lượng, tăng sắc xanh cho chè, nhưng chất lượng giảm sút.
Sau đó, Việt Thái áp dụng quản lý theo cơ chế mở, dùng hợp đồng gắn trách nhiệm với người dân. Nếu người dân chăm sóc chè đúng kỹ thuật, nguyên liệu đạt tiêu chuẩn thì mua giá cao hơn (từ 10.000-15.000 đồng/kg). Cách làm này, nông dân yên tâm hợp tác và sẵn sàng lưu kho nguyên liệu cho công ty theo thỏa thuận để ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến trong cả năm.
Nhờ đó, sau 3 năm chính thức lưu thông, nhiều sản phẩm mang thương hiệu của Việt Thái được thị trường tiếp nhận và liên tục tăng nhanh cả về lượng và giá trị. Nếu như năm 2011 lần đầu ra thị trường, công ty mới bán được 20 tấn sản phẩm. Đến 2012 bán được trên 80 tấn. Và, hết quý III/2013 đã bán được 160 tấn. Giá sản phẩm của Việt Thái dao động từ 150.000 – 600.000 đồng/kg. Trong đó, phân khúc sản phẩm chất lượng cao (giá từ 200.000 - 600.000 đồng/kg) tiêu thụ mạnh nhất.
Mặc dù còn nhiều khó khăn vì thị trường còn lộn xộn như hiện nay, nhưng ông Sơn khẳng định nếu sản phẩm có thương hiệu sẽ “sống khỏe” hơn. Bản thân ông Sơn quyết tâm phát triển sản phẩm của mình theo hướng có thương hiệu.
Cần siết lại quản lý thị trường chè
Là người nhiều năm gắn bó với nông dân, cùng nông dân phát triển thương hiệu nông sản, TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) nêu thực trạng: Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp là hàng giả, nhái. Người tiêu dùng rất nhạy cảm với tên sản phẩm nổi tiếng. Chẳng hạn vải thiều Thanh Hà, gạo Tám Xoan Hải Hậu, chè Thái Nguyên… Nhưng đi tìm sản phẩm thật 100% thực sự khó. Vì đi chợ mà hỏi theo tên như thế, người bán nào cũng nói hàng của mình là hàng xịn, nhưng thực chất chưa chắc.
Một số sản phẩm chè của công ty Việt Thái |
Thực trạng này, “do các sản phẩm nông sản ở nước ta chưa quản lý được chặt chẽ nên không dễ phân biệt giả - thật. Chính tình trạng này lại gây mất lòng tin ở người tiêu dùng, người sản xuất cũng mất lòng tin. Như thế hai bên không hợp tác với nhau. Cho nên, cần tăng cường cả năng lực sản xuất và năng lực kinh doanh cho nông dân”.
Đồng ý với quan điểm này, là người trong cuộc đang phải vật lộn đấu tranh với chè nhái, ông Nguyễn Huy Sơn, cho rằng: Muốn có thương hiệu tốt, trước hết phải từ sản phẩm. Đó là cả người dân sản xuất, doanh nghiệp chế biến, phân phối, nhà quản lý chè đều phải tự ý thức và có những biện pháp quản lý đảm bảo đem sản phẩm tốt đến người tiêu dùng.
Ông Sơn đề nghị: Lâu nay, nhà nước khuyến khích tự do buôn bán, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp và đã phát sinh nhiều tiêu cực. Bây giờ cần kiểm tra chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh chè. Cá nhân, đơn vị nào đáp ứng đủ các điều kiện thì cho sản xuất, kinh doanh, còn chưa đủ điều kiện thì cho giới hạn trong khoảng thời gian nhất định phải đảm bảo đủ điều kiện mới cho sản xuất, kinh doanh. Nếu không, dứt khoát không cho phép sản xuất, kinh doanh.
Còn đối với các cơ sở bán sản phẩm, đặc biệt là ở các tỉnh khác, phải chứng minh được xuất xứ nguồn gốc sản phẩm mới cho phép kinh doanh. Như thế mới đáp ứng được quyền lợi người tiêu dùng./.