Tiếp “Chuyện ngũ lạ ở Quỳnh Lưu”

Án tuyên chứa cả tả tơi sai lầm

(VOV) - Khi quan tòa không phải là “đạo luật biết nói”, dĩ nhiên, pháp luật không thể cất lời...

Sai nghiêm trọng về tố tụng, sai cả áp dụng điều luật

Khẳng định quá trình giải quyết vụ án và bản án của TAND huyện Quỳnh Lưu có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và nội dung, Bản kháng nghị số  1063/QĐ/VKS-P5, ngày 27/6/2013 của Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An chỉ rõ một loạt vi phạm pháp luật trong Bản án sơ thẩm số 11/2013/DSST ngày 31/5/2013 của TAND huyện Quỳnh Lưu:

Vi phạm quy định về người tiến hành tố tụng: Vụ án được thụ lí lần đầu vào năm 2010, sau đó do chuyển thẩm quyền giữa cấp tỉnh và cấp huyện, vụ án được thụ lý lần thứ hai vào năm 2011. Tháng 12/2011, TAND Quỳnh Lưu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án và quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án này. Quyết định của TAND Quỳnh Lưu bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm và TAND tỉnh đã xử hủy Quyết định sơ thẩm của TAND Quỳnh Lưu. TAND Quỳnh Lưu tiếp tục thụ lí vụ án lần thứ 3.

Trong 2 lần thụ lí trước, Thư ký toà án (TKTA) trực tiếp ghi lời khai của các đương sự (bl 173), ghi lời khai của những công nhân trồng rừng đã tham gia góp vốn và trồng rừng trên đất tranh chấp (bl 125 – 160), làm thư ký ghi biên bản hòa giải ngày 23/11/2011 (bl 294-295). Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 31/5/2013, Hồ Diên Tuấn lại tiến hành tố tụng với tư cách là TKTA ghi biên bản phiên tòa. Như vậy, việc TKTA Quỳnh Lưu Hồ Diên Tuấn đã từng tiến hành tố tụng với tư cách là TKTA trong vụ án này trước đây, nay lại tiến hành tố tụng với tư cách là TKTA ghi biên bản phiên tòa là trái với quy định tại khoản 2 điều 49 BLTTDS”.

Tại phiên toà ngày 31/5/2013 của TAND huyện Quỳnh Lưu, ông Lê Duy Nguyên (đứng) đã thừa nhận tự làm và ký vào biên bản cam kết giao đất, sổ lâm bạ, giao nhận thực địa mang tên người khác. Nhiều văn bản giả mạo trên đều có xác nhận, kèm con dấu, chữ ký của nhiều cán bộ chủ chốt của xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu và Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu.

 “Xác định bị đơn chưa thống nhất: Tại bản án sơ thẩm thể hiện bị đơn trong vụ án là ông Lê Duy Nguyên, nhưng tại biên bản phiên tòa thể hiện bị đơn trong vụ án tham gia phiên tòa sơ thẩm là DN tư nhân trồng rừng Lê Duy Nguyên do ông Lê Duy Nguyên làm đại diện.

Xác nhận không đúng điều luật áp dụng: Tại biên bản nghị án ở phần biểu quyết áp dụng điều luật và phần quyết định của bản án có ghi điều luật áp dụng là Mục II, III Quyết định số 02 ngày 10/1/1993 của UBND huyện Quỳnh Lưu là không đúng. Quyết định của UBND huyện Quỳnh Lưu về việc cấp đất rừng cho ông Lập chỉ là 1 văn bản hành chính, không phải là văn bản pháp luật làm căn cứ để TA áp dụng giải quyết vụ án dân sự.

Không đưa người có quyền và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng: Hồ sơ vụ án thể hiện diện tích đất tranh chấp do DN tư nhân trồng rừng Lê Duy Nguyên quản lý và sử dụng, không phải do cá nhân ông Lê Duy Nguyên sử dụng. DN tư nhân trồng rừng này được thành lập có Ban giám đốc và quyền lợi của hơn 30 công nhân trồng rừng. Trên đất tranh chấp lại còn có tài sản là cây cối có giá trị không nhỏ do các công nhân gây trồng và 80% lợi nhuận từ trồng rừng là của những người công nhân. DN tư nhân không có tư cách pháp nhân nhưng TA không đưa những cá nhân trong DN tư nhân trồng rừng Lê Duy Nguyên vào tham gia tố tụng là thiếu sót, dẫn đến giải quyết vụ án không triệt để.

UBND huyện Quỳnh Lưu là đơn vị trực tiếp cấp lâm bạ cho ông Trần Xuân Lập. TA nhận định rằng quy trình cấp lâm bạ không phù hợp nên bác đơn khởi kiện của ông Lập nhưng không đưa UBND huyện Quỳnh Lưu vào tham gia tố tụng để xác minh làm rõ về quy trình cấp lâm bạ là vi phạm quy định tại khoản 4 điều 56 BLTTDS.

Vi phạm trong việc giải quyết về án phí: Buộc những  người có quyền và nghĩa vụ liên quan phải nộp tạm ứng án phí trong khi họ không có yêu cầu độc lập: Những người con ông Lập bà Vạn là anh Bắc, anh Quang, chị Quyên và anh Thành được TA đưa vào tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có đơn yêu cầu độc lập. Việc TA cấp sơ thẩm buộc họ phải nộp tiền tạm ứng án phí 400.000đ/người là trái với quy định tại khoản 1 điều 130 BLTTDS về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí.

Bản án tuyên về án phí không rõ ràng: "Buộc ông Trần Xuân Lập phải nộp 53.610.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm. Miễn giảm cho ông Lập và bà Vạn 23.610.000đ tiền án phí. Ông Trần Xuân Lập và bà Lê Thị Vạn còn phải nộp 30.000.000đ...". Như vậy, nếu hiểu theo bản án này thì ông Lập phải chịu hai khoản án phí, một khoản 53.610.000 đồng một mình ông phải chịu; một khoản 30.000.000đ thì cả ông Lập và bà Vạn cùng phải chịu.

Giải quyết về án phí không đúng quy định tại điểm a khoản 2 điều 17 Nghị quyết 01/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC: Trong dự án này, ông Lập khởi kiện yêu cầu ông Nguyên trả lại quyền sử dụng đất rừng cho ông. TA xử bác đơn khởi kiện của ông Lập nhưng lại buộc ông phải chịu án phí đối với vụ án có giá ngạch là không đúng với quy định trên. Trường hợp này, vợ chồng ông Lập chỉ phải chịu án phí không có giá ngạch.

Vi phạm trong việc tuyên quyền kháng cáo: Tại phần quyết định của bản án về kháng cáo có ghi: "Người được nguyên đơn ủy quyền, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Xuân Lập, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án". Việc TA tuyên người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lập cũng được quyền  kháng cáo là trái quy định tại điều 243 BLTTDS.”

Không căn cứ vào tình tiết khách quan

Kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An chỉ rõ: TAND huyện Quỳnh Lưu giải quyết vụ án không căn cứ vào những tình tiết khách quan có trong vụ án và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại bản án sơ thẩm ở phần “Xét thấy”, HĐXX nhận định: "Về đơn xin cấp đất hiện nay chưa xác định được là do ông Lập hay ông Nguyên viết, nhưng có sơ sở xác định là tên ông Lập trong đơn theo ghi nhận tại quyết định số 02 ngày 10/1/1993 của UBND huyện Quỳnh Lưu". Tại các lời khai của ông Nguyên có trong hồ sơ vụ án đều thể hiện thời điểm 1992 do ông chưa nghỉ hưu nên không thể được cấp đất trồng rừng, ông phải nhờ ông Lập đứng tên xin cấp đất.

Tại bút lục 108 có trong hồ sơ vụ án, ông Nguyên tự khai như sau: Năm 1992 sau khi quan sát thấy ở vùng Minh - Thanh xã Quỳnh Lập có nhiều đất trồng đồi trọc, ông nảy ra ý định trồng rừng. Ông bàn với ông Lập và ông Ngoạn nhận đất chung để trồng rừng. Hai người đồng ý. Ông tìm hiểu thủ tục xin đất và về thảo đơn xin đất. Đơn mang tên ông Lập và ông Ngoạn (hai người trong nhóm đã bàn cùng nhận đất để trồng rừng chung) và anh Nam (trường hợp ông nhờ đứng tên)...

Điều này chứng tỏ, chỉ có anh Nam là người ông nhờ đứng tên, còn lại trường hợp ông Lập là người "cùng nhận đất để trồng rừng chung" chứ không phải là ông nhờ ông Lập đứng tên hộ. Lâm bạ số 02 ngày 10/1/1993 là cấp cho ông Lập do ông Lập là người đủ tiêu chuẩn và điều kiện được cấp đất lâm nghiệp. Bản án chỉ dựa vào việc ông Nguyên đi nhận lâm bạ và ký tên ông Lập vào lâm bạ trong khi không thu thập được hồ sơ xin cấp đất của ông Lập để xác định Quyết định số 02 ngày 10/1/1993 của UBND huyện Quỳnh Lưu giao đất rừng cho hộ gia đình ông Trần Xuân Lập đã vi phạm về trình tự thủ tục giao đất, cấp giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 30-HĐBT ngày 23/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng là chưa phù hợp.

Tại điều 8, Nghị định 30/1989 quy định về việc giao đất như sau: "Người xin đất trồng, đồi núi trọc để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải làm đơn nộp UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc nơi có đất trống, đồi trọc; trong thời hạn 1 tháng, cơ quan có thẩm quyền ghi trong điều 13 Luật Đất đai phải trả lời". Việc giao lâm bạ, ký tên vào lâm bạ và giao nhận đất không phải là điều kiện để được cấp lâm bạ và quy trình để được cấp lâm bạ mà chỉ là quy trình sau khi cấp lâm bạ, do đó không thể là những căn cứ để cho rằng quy trình cấp lâm bạ của UBND huyện Quỳnh Lưu cho ông Trần Xuân Lập là không đúng theo quy định tại Nghị định nêu trên”.

Nghiêm trọng tới mức cấp phúc thẩm không thể khắc phục

Đánh giá về những vi phạm của bản án sơ thẩm của TAND huyện Quỳnh Lưu, Kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An nhận định: “Bản án dân sự sơ thẩm nên trên đã vi phạm pháp luật dân sự cả về nội dung và thủ tục tố tụng. Những vi phạm này là nghiêm trọng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần áp dụng khoản 3 Điều 275, Điều 277 BLTTDS để hủy bản án sơ thẩm theo hướng đã phân tích trên”.

Với kháng nghị nêu trên, có thể nói, bản án sơ thẩm nêu trên của TAND huyện Quỳnh Lưu  chứa đựng quá nhiều vi phạm khó hiểu trong áp dụng pháp luật. Có những vi phạm lặp đi lặp lại trong quá trình giải quyết vụ án như vi phạm qui định về người tiến hành tố tụng; giải quyết vụ án không căn cứ vào những tình tiết khách quan có trong vụ án và không phù hợp với quy định của pháp luật... Đặc biệt, còn áp dụng điều luật sai một cách kỳ lạ: “Nâng cấp” văn bản hành chính về cấp đất rừng của UBND huyện Quỳnh Lưu thành văn bản pháp luật để làm căn cứ áp dụng giải quyết vụ án dân sự.

Cùng với quyết định đình chỉ vụ án sai luật trước đây và bản án sơ thẩm bác quyền khởi kiện của nguyên đơn đầy vi phạm mới đây, TAND huyện Quỳnh Lưu đang buộc dư luận phải đặt dấu hỏi về sự  không khách quan khi các nội dung phán quyết đều nhằm xóa đi vụ kiện mà ẩn chứa bên trong nó là hành vi giả mạo chữ ký, giả mạo giấy tờ của ông Lê Duy Nguyên với sự tiếp tay của nhiều cán bộ chủ chốt ở xã Quỳnh Lập và huyện Quỳnh Lưu.

Cần nhắc lại rằng, cùng với việc khởi kiện ông Nguyên ra Tòa dân sự, gia đình ông Lập cũng làm đơn tố cáo hành vi giả mạo và hành vi thông đồng của nhiều cán bộ xã Quỳnh Lập và huyện Quỳnh Lưu tới cơ quan công an. Nhưng Công an huyện Quỳnh Lưu lại không giải quyết đơn tố cáo, mà vận dụng sai pháp luật để cho rằng, do TAND huyện Quỳnh Lưu thụ lý đơn khởi kiện của gia đình ông Lập trước nên việc giải quyết thuộc TAND huyện Quỳnh Lưu. Trong khi đó, tại các phiên tòa xét xử dân sự, trước những chứng cứ rõ ràng về hành vi giả mạo của ông Nguyên, LS Lương Quang Tuấn đã nhiều lần đề nghị HĐXX xem xét có kiến nghị đến Cơ quan điều tra khởi tố và điều tra hành vi giả mạo giấy tờ chiếm đoạt tài sản theo Điều 141 Bộ luật Hình sự của ông Nguyên và sự tiếp tay của một số cán bộ xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, nhưng không được HĐXX quan tâm.

Phải chăng, chính vì muốn “dìm đi” nội dung tố cáo nguyên Đại biểu Quốc hội, Giám đốc doanh nghiệp Lê Duy Nguyên cùng nhiều cán bộ xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu đã có dấu hiệu về hành vi thông đồng làm giả nhiều giấy tờ, tài liệu, chữ ký (với chứng cứ giả mạo rõ ràng), nên TAND huyện Quỳnh Lưu phải ra cho bằng được phán quyết “đình chỉ vụ án” hoặc “bác đơn khởi kiện”? Nếu không, thì tại sao những thẩm phán được Nhà nước đào tạo bài bản, khi “cầm cân nẩy mực” trên công đường lại mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng về pháp luật đến thế? Lại nhớ, Xi-rê-on, luật sư và là nhà hùng biện nổi tiếng La mã cổ đại, từng nói: “Quan toà là đạo luật biết nói, còn đạo luật là vị quan toà câm”. Khi quan tòa không phải là “đạo luật biết nói”, dĩ nhiên, pháp luật không thể cất lời...

“Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu” cũng đang làm nhiều người nhớ lại nội dung trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/3/2013 của Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình: “Báo cáo Quốc hội, đã có một thời các cơ quan tư pháp bị phê bình là hình sự hóa dân sự, bây giờ làm một hồi, thì có vẻ như đang dân sự hóa hình sự...”!?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Viết tiếp chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu
Viết tiếp chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

(VOV) -Luật sư Lương Quang Tuấn: “Tòa tuyên, đình chỉ vụ án của ông Lập, tôi ngớ người ra, không thể tin nổi...”.

Viết tiếp chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

Viết tiếp chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

(VOV) -Luật sư Lương Quang Tuấn: “Tòa tuyên, đình chỉ vụ án của ông Lập, tôi ngớ người ra, không thể tin nổi...”.

Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu
Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

(VOV) -Câu chuyện là mâu thuẫn giữa một bên là nguyên đại biểu Quốc hội khóa X và gia đình nông dân nghèo khó.

Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

(VOV) -Câu chuyện là mâu thuẫn giữa một bên là nguyên đại biểu Quốc hội khóa X và gia đình nông dân nghèo khó.

Tiếp tục “Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu”
Tiếp tục “Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu”

(VOV) -Việc hợp thức hóa quyền sử dụng 36,5ha đất rừng khiến dư luận đặt câu hỏi: Cơ quan pháp luật đã làm gì?

Tiếp tục “Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu”

Tiếp tục “Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu”

(VOV) -Việc hợp thức hóa quyền sử dụng 36,5ha đất rừng khiến dư luận đặt câu hỏi: Cơ quan pháp luật đã làm gì?