Vì sao “luật ở trên trời"?
VOV.VN - Tình trạng “luật ở trên trời", luật thiếu tính khả thi vẫn tồn tại nhưng chưa được khắc phục một cách tốt nhất.
Tình trạng “luật ở trên trời", luật thiếu tính khả thi vẫn tồn tại nhưng chưa được khắc phục một cách tốt nhất. Câu hỏi đặt ra là tại sao quá trình xây dựng luật đã được thực hiện qua các khâu, các bước, đặc biệt là tham vấn ý kiến nhân dân nhưng thậm chí khi mới được thông qua đã gặp phản ứng của chính đối tượng điều chỉnh? Giải đáp cho câu hỏi này, có ý kiến cho rằng tham vấn công chúng trong xây dựng luật vẫn còn hình thức, đặc biệt quá trình tiếp thu, phản hồi sau tham vấn đang là khâu yếu nhất.
Chỉ có 12,4% đại biểu Quốc hội được hỏi cho rằng việc phản hồi ý kiến cử tri đóng góp vào dự thảo luật, pháp lệnh đã được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Đây là kết quả do nhóm nghiên cứu của Văn phòng Quốc hội và Quỹ châu Á hợp tác vừa công bố mới đây.
Nghe nội dung bài viết:
Con số này nói lên thực tế, cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra khi tiến hành lấy ý kiến đã có ý thức tiếp thu và có phản hồi nhưng việc tiếp thu và phản hồi chưa tạo thành thói quen, chưa thường xuyên và chưa có hệ thống. Phần lớn các phản hồi nếu có thường chung chung, hoặc chưa đủ sức thuyết phục.
Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc người dân, những đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật cũng cảm thấy ít mặn mà khi đóng góp xây dựng dự thảo luật. Ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng đây thực sự là món nợ mà cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần lưu tâm hơn trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của người dân vào dự thảo luật.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13. Ảnh minh họa |
“Trách nhiệm của các cơ quan tổ chức tham vấn chưa đầy đủ toàn diện; tổ chức tham vấn rồi tổng hợp ý kiến nhưng việc tiếp thu giải trình như thế nào chưa rõ ràng, chưa được công khai mình bạch. Đây là vấn đề cần tiếp tục bàn”, ông Luyến nêu vấn đề.
Theo các đại biểu Quốc hội, hiện nay đang thiếu quy định cụ thể của pháp luật về cơ chế tiếp thu, phản hồi của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, có quá nhiều đầu mối cùng tham gia tổ chức lấy ý kiến nhưng không có sự phối hợp hoặc thậm chí không thống nhất trong việc tiếp thu chỉnh lý. Quy trình, thủ tục, cách thức của việc giải trình, tiếp thu chưa được xác định một cách rõ ràng.
Cách lấy ý kiến nhân dân hiện nay nhiều khi nhằm tạo sự thuận tiện cho các cơ quan nhà nước mà ít tạo điều kiện cho công chúng tham gia. Vì thế, cơ quan nhà nước chưa thu hút thành phần đa dạng tham gia góp ý kiến, chưa cung cấp thông tin thuận tiện cho người góp ý, chưa cầu thị…vì đó là những việc đòi hỏi nhiều công sức, khó thực hiện hơn đối với các cơ quan nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nêu thực tế: ngay cả ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu ra trong các phiên thảo luận nhiều khi chưa đi đến cùng và ít nhận được giải trình rõ ràng.
“Có rất nhiều hạn chế. Đối tượng trực tiếp của chúng ta ở đây là ai ví dụ người dân qua các tham luận, qua trang mạng nhưng người trực tiếp xử lý các thông tin đó là ai, người chịu trách nhiệm cuối cùng để thể hiện trả lời trước những ý kiến đó là ai: Văn phòng quốc hội, Chính phủ hay các tổ chức? Do đó, hiệu quả của các hội nghị tham vấn chưa cao”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Đồng tình với nhận định này, đại biểu Nguyễn Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, cho rằng, trong quy trình tham vấn cũng nên lựa chọn cách thức và đối tượng sao cho hiệu quả. Những thông tin đưa ra là các quy định của một dự thảo luật đồ sộ người dân cũng khó nắm bắt được nội dung để góp ý và vì thế việc phản hồi cũng ít có tác dụng.
“Việc chọn thời điểm tham vấn đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản cực kỳ quan trọng. Ở giai đoạn xử lý chính sách có hiệu quả còn nếu mà khi xử lý chính sách xây dựng thành điều luật mà có điều luật dài nhiều trang giấy, thậm chí nhiều nghĩa, hiểu nghĩa nào cũng được, sẽ làm khó người dân và bản thân người thực hiện”, đại biểu Nguyễn Kim Thúy phân tích.
Rõ ràng, việc tiếp thu, phản hồi là một trong những khâu cần được cải thiện nhiều nhất trong quy trình tham vẫn công chúng nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước và khuyến khích sự tham gia của người dân. Vì thế, văn bản pháp luật cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nội dung, cách thức, tiêu chí đánh giá phản hồi của cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, cần coi việc không tiếp thu phản hồi là vi phạm quy trình ban hành văn bản pháp luật, làm căn cứ xác định các mức độ chế tài khác nhau. Có như vậy, hoạt động xây dựng pháp luật mới đảm bảo tính công khai, minh bạch, đảm bảo quy định pháp luật khi được ban hành đáp ứng nhu cầu của cuộc sống./.