Đầu tư cho tàu sân bay có thực sự là khôn ngoan?

VOV.VN - Một số nước tự hào vì có tàu sân bay. Nhưng việc đầu tư cho tàu sân bay có phải là điều khôn ngoan? Và thế giới sẽ ra sao nếu thiếu tàu sân bay?

Các tàu sân bay đều là những khối tài sản khổng lồ, có thể lên tới khoảng 12 tỷ USD như đối với trường hợp hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford của Mỹ. Đã vậy phải mất nhiều năm để đóng được một con tàu như vậy, như trong trường hợp tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp là mất tới 12 năm. 

Tàu sân bay USS Reagan của Mỹ. Ảnh: National Interest.

Khi sửa tàu sân bay, cũng mất khá nhiều thời gian – như chiếc hàng không mẫu hạm USS Eisenhower vừa mới phải đi “điều trị nội trú” tới 2 năm ở xưởng đóng tàu Norfolk của hải quân Mỹ. Không chỉ có vậy, theo hải quân Mỹ, việc đào tạo nhân viên làm việc trên tàu cũng rất khó khăn và tốn kém. Các tàu sân bay thực sự đặt ra những thách thức lớn về mặt tổ chức cho bất cứ lực lượng hải quân nào.

Những khó khăn này sẽ ra sao trong bối cảnh của thập niên 1920? Thế giới sẽ ra sao nếu chưa từng có tàu sân bay? Lịch sử có thể sẽ khác đi.

Không phải ai cũng duy trì được tàu sân bay

Hàng không mẫu hạm thực sự là một thách thức trên nhiều phương diện – chính vì thế mà hiện nay trên thế giới chỉ có Mỹ, Pháp, Nga, Italy, Tây Ban Nha, Brazil và Trung Quốc là sở hữu tàu sân bay chở phi cơ cánh cố định.

Tư cách thành viên của Brazil trong “câu lạc bộ” này khá mờ nhạt vì chiếc tàu sân bay São Paolo của họ là “hàng thùng” mua lại của Pháp và hiện đã ở độ tuổi 55. Chiếc tàu sân bay này liên tục phải sửa chữa trong suốt 15 năm qua.

Anh Quốc sẽ sớm vận hành trở lại chiếc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Còn hiện tại, Anh "ngồi cùng chiếu" với Nhật Bản, Hàn Quốc, và Thái Lan ở chỗ tất cả các nước này đều sở hữu tàu sân bay, nhưng là loại chở máy bay trực thăng (chứ không phải máy bay cánh cố định). Tất nhiên việc vận hành tàu chở trực thăng cũng đầy gian nan, nhưng các thao tác ở khoang đậu và nhà chứa máy bay không thể sánh được về độ phức tạp với loại tàu chở máy bay cánh cố định.

Một số quốc gia đã thử vận hành tàu sân bay rồi lại thôi. Canada cho “nghỉ hưu” tàu sân bay HMCS Bonaventure  vào năm 1970. Hà Lan mua chiếc tàu sân bay HMS Venerable vào năm 1948 rồi sau đó bán lại cho Argentina vào năm 1969. Trong cuộc chiến “Falklands” năm 1982, các tàu ngầm của Anh đã đuổi tàu sân bay trên về tận cảng. Sau đó Argentina không còn vận hành chiếc tàu sân bay này nữa và năm 1999 thì vứt bỏ nó. Năm 1985 Australia cũng gửi tàu sân bay cũ kỹ HMAS Melbourne của mình tới một xưởng tàu của Trung Quốc để làm sắt vụn. Chính trong thời kỳ này, hải quân Trung Quốc được dịp xem cấu trúc tàu sân bay đó khi nó được tháo rời thành từng lớp.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.

Trong chiến tranh quy mô lớn, một số tàu sân bay sẽ phải sửa chữa. Tác giả Andrew Krepinevich có viết vào năm 2014 rằng, lực lượng hải quân mặt nước mà hoạt động ở các khu vực biển hẹp thì rất dễ bị tấn công và đánh chìm. Chính vì thế mà ở Địa Trung Hải, hải quân mỗi nước như là Italy, Tây Ban Nha và Pháp đều vận hành không quá một hoặc hai chiếc tàu sân bay. Đã thế ngày nay tầm bắn vươn xa của tên lửa càng làm cho các đại dương trở nên hẹp hơn (và làm tăng mức độ yếu thế của tàu sân bay).

Tấn công tầm xa thế nào?

Vậy nếu không có tàu sân bay thì sẽ có gì khác? Rõ ràng là không có trận Trân Châu Cảng. Cuốn tiểu thuyết năm 1925 mang tên “Đại chiến Thái Bình Dương” của tác giả Hector C. Bywater đã đánh giá thấp tương lai của sức mạnh không quân trên biển. Ông cho rằng nếu Nhật Bản mở một cuộc tấn công bất ngờ thì họ sẽ thả một quả bom trôi nổi để tấn công kênh đào Panama, trong lúc lực lượng chủ lực của họ sẽ tấn công Philippines. Còn một cuộc tấn công Hawaii sẽ là một chiến dịch dùng tàu ngầm để thả ngư lôi.

Còn ở Việt Nam thời chiến tranh, nếu Mỹ không có tàu sân bay thì Không quân Mỹ sẽ phải tiến hành không kích Việt Nam từ các căn cứ ở Thái Lan hoặc đảo Guam. Ngoài ra hải quân Mỹ có thể huy động các loại chiến hạm cỡ lớn để tấn công thành phố cảng Hải Phòng bằng đạn pháo cỡ lớn, còn máy bay chiến đấu Mỹ sẽ xuất kích từ Đà Nẵng để yểm trợ cho các tàu chiến đó.

Trong Thế chiến 2, các phi cơ (loại xuất phát từ đất liền) và các tàu ngầm đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra các mối đe dọa trên biển.

Nếu thiếu vắng phi cơ xuất phát từ tàu sân bay, các lực lượng hải quân vẫn có thể đổ tiền vào các loại đạn pháo có dẫn đường và phóng đi bằng rocket, thậm chí họ có thể đầu tư vào loại súng điện từ (có uy lực mạnh và hiệu quả cao).

Tuy nhiên các khẩu pháo Mỹ thường có tầm bắn ngắn hơn so với pháo của đối thủ. Đơn giản là vì Mỹ có dư thừa sức mạnh không quân, nên các đối thủ thường phải bù đắp lại bằng việc phát triển pháo tầm xa.

Trong trường hợp không có tàu sân bay, các tàu mặt nước sẽ phần nào đi lại thoải mái hơn trên đại dương mở do nằm ngoài tầm hoạt động của các oanh tạc cơ xuất kích từ đất liền. Tình trạng này sẽ kéo dài đến thập niên 1960 khi người ta phát triển được các loại tên lửa chống hạm tầm xa do radar dẫn đường.

Phòng không

Khi không có tàu sân bay, cuộc chiến “Falklands” 1982 (giữa Anh và Argentina) cũng sẽ trở nên “khó nhằn” hơn đối với hải quân Anh. Hạm đội của Anh sẽ phải di chuyển xuống phía nam. Đô đốc Woodward thừa nhận trong hồi ký của mình rằng ông và toàn bộ sĩ quan tham mưu hải quân đã đánh giá thấp sức mạnh của không quân Argentina. Nhưng công tác phòng không lại phụ thuộc hoàn toàn vào các tên lửa Sea Dart, và nếu không có yểm trợ của các máy bay Sea Harriers thì toàn bộ công việc bên phía Anh có lẽ đã không suôn sẻ. Trên thực tế, 2 trong số 7 tàu khu trục loại 42 đi về phía nam trong cuộc chiến đó đã bị đánh chìm. Họ chỉ tiêu diệt được 3 máy bay Argentina.

Trận Trân Châu Cảng. Ảnh: Brainshavings.

Tuy nhiên các quả tên lửa đã góp phần khiến cho phi cơ Argentina hạ độ cao, khi đó các pháo cao xạ của hạm đội sẽ phát huy tác dụng.

Như vậy là trong tình huống giả định không có tàu sân bay, hải quân các nước chắc chắn sẽ đầu tư nhiều cho nghiên cứu hệ thống phòng không.

Còn về khả năng ngăn ngừa các máy bay Mirage, người ta có thể thực hiện được việc cảnh báo sớm từ trên không thông qua các trực thăng gắn radar.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể tính tới việc sử dụng phi cơ không người lái. Hải quân một số nước đã thử nghiệm máy bay không người lái vào những năm 1950. Một sự lựa chọn khác là thủy phi cơ. Vào cuối thập niên 1940, thủy quân lục chiến Mỹ đã nghiêm túc xem xét khả năng dùng thủy phi cơ thay cho trực thăng để tăng cự ly của cuộc tấn công đổ bộ.

Vào năm 1986 có thể Không quân Mỹ đã đảm nhiệm toàn bộ chiến dịch ném bom Libya (các phi đội của Hải quân Mỹ sẽ không được tham gia như trong thực tế). Tuy nhiên, vẫn trong tình huống giả định, Hải quân Mỹ có thể sẽ cổ xúy mạnh hơn cho việc thử nghiệm loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất mới toanh của họ, đó là tên lửa Tomahawk.

Bất chấp công nghệ tiến xa thế nào, trong tình huống giả định thiếu tàu sân bay, các cuộc tấn công bằng đường không của Mỹ trong vài thập kỷ qua sẽ là thông qua tên lửa hành trình, như là các cuộc tấn công của Tổng thống Bush và Clinton trong những năm 1990.

Và khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS nổi lên ở Iraq vào năm 2014 mà lục quân Mỹ thì đã rút khỏi đây vào năm 2011, vai trò của tàu sân bay lại nổi lên. Nếu không có các tàu sân bay Mỹ ở ngoài khơi, các đồng minh Arab của Mỹ sẽ phải quyết định chọn lựa giữa 2 khả năng: một mình đối phó với IS hoặc để cho lục quân Mỹ vào lãnh thổ của họ.

Tất nhiên khi ấy các loại tàu mặt nước khác vẫn cần thiết – đây chính là “bộ binh” của hải quân. Các tàu mặt nước này cần yểm trợ bằng không quân và chịu nhiều thương vong, nhưng đây chính là lực lượng chiếm lĩnh vị trí, mà nếu thiếu điều này thì hành động quân sự sẽ chỉ dừng lại ở việc chống tiếp cận chứ không phải là kiểm soát…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất hành tinh thời hiện đại
5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất hành tinh thời hiện đại

VOV.VN - Hiện nay có 5 hải quân được đánh giá là mạnh nhất hành tinh dựa trên cả các sứ mệnh truyền thống và các thách thức phi truyền thống.

5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất hành tinh thời hiện đại

5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất hành tinh thời hiện đại

VOV.VN - Hiện nay có 5 hải quân được đánh giá là mạnh nhất hành tinh dựa trên cả các sứ mệnh truyền thống và các thách thức phi truyền thống.

Báo Mỹ: “Quân đội Trung Quốc chỉ là một con rồng giấy”
Báo Mỹ: “Quân đội Trung Quốc chỉ là một con rồng giấy”

VOV.VN - Dù đã to và mạnh hơn trước nhiều, quân đội và hải quân Trung Quốc vẫn chỉ là lực lượng tầm ngắn và chỉ có ưu thế khi ở gần lãnh thổ nước này.

Báo Mỹ: “Quân đội Trung Quốc chỉ là một con rồng giấy”

Báo Mỹ: “Quân đội Trung Quốc chỉ là một con rồng giấy”

VOV.VN - Dù đã to và mạnh hơn trước nhiều, quân đội và hải quân Trung Quốc vẫn chỉ là lực lượng tầm ngắn và chỉ có ưu thế khi ở gần lãnh thổ nước này.

5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới từ cổ chí kim
5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới từ cổ chí kim

VOV.VN - Hải quân mạnh góp phần bảo vệ cả một nền văn minh và mở rộng ảnh hưởng quốc gia. Dưới đây là 5 hải quân được coi là mạnh nhất từ cổ đại tới hiện đại.

5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới từ cổ chí kim

5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới từ cổ chí kim

VOV.VN - Hải quân mạnh góp phần bảo vệ cả một nền văn minh và mở rộng ảnh hưởng quốc gia. Dưới đây là 5 hải quân được coi là mạnh nhất từ cổ đại tới hiện đại.

Trung Quốc sắp hoàn tất việc tự đóng tàu sân bay đầu tiên
Trung Quốc sắp hoàn tất việc tự đóng tàu sân bay đầu tiên

VOV.VN- Hình ảnh vệ tinh tại cảng đóng tàu Đại Liên hé lộ phần thân một chiếc tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng.

Trung Quốc sắp hoàn tất việc tự đóng tàu sân bay đầu tiên

Trung Quốc sắp hoàn tất việc tự đóng tàu sân bay đầu tiên

VOV.VN- Hình ảnh vệ tinh tại cảng đóng tàu Đại Liên hé lộ phần thân một chiếc tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tới căn cứ mới ở Nhật Bản
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tới căn cứ mới ở Nhật Bản

VOV.VN - Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, USS Ronald Reagan, đã cập cảng hải quân Yokosuka của Nhật Bản vào hôm 1/10.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tới căn cứ mới ở Nhật Bản

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tới căn cứ mới ở Nhật Bản

VOV.VN - Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, USS Ronald Reagan, đã cập cảng hải quân Yokosuka của Nhật Bản vào hôm 1/10.