“Bóng ma” cực hữu lại lơ lửng trên chính trường Pháp

Những ngày gần đây chính trường Pháp “dậy sóng”gây chú ý của công luận

Lý do là sự trở lại ngoạn mục - ít ra là trên lý thuyết - của Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) trên chính trường nước Pháp. Một sự trở lại không mới mẻ đối với cả Pháp và châu Âu, nhưng đặc biệt gây lo ngại.

Hai cuộc thăm dò gần đây nhất tại Pháp (do hãng Harris Interactive và tờ Le Parisien thực hiện) đều cho kết quả ứng cử viên Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp trước các ứng cử viên của cánh tả và cánh hữu, cho dù họ là ai. Ngay cả người luôn đứng đầu trong các cuộc thăm dò trước đây là Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn cũng đứng sau với 23% số phiếu (so với 24% của bà Marine Le Pen).

Sau kết quả “gây sốc” này là lúc cánh tả và cánh hữu bắt đầu tìm lý do, thậm chí là đổ lỗi cho nhau. Một số nhà chính trị “tấn công” vào các cơ quan tổ chức thăm dò dư luận, cho rằng cần làm rõ nguồn tài chính, cách thức thực hiện cũng như cách thông tin các kết quả.

Chính trường Pháp đang dậy sóng (Ảnh: Getty)

Phía cánh hữu, mà tiêu biểu là Thủ tướng Francois Fillon, thì đỗ lỗi cho Đảng Xã hội (PS) đối lập thường xuyên có những lời lẽ không đẹp dành cho Tổng thống, tạo hình ảnh xấu đối với công luận Pháp.

Trong khi đó, phía cánh tả mà đại diện là Bí thư quốc gia Đảng Xã hội Martine Aubry lại cáo buộc Chính phủ Pháp “nuôi dưỡng” sự thăng tiến của đảng cực hữu bằng các chính sách cực đoan trong các vấn đề nhập cư, an ninh, tôn giáo…

Theo ông Fabio Liberti, chuyên gia nghiên cứu về châu Âu tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), sự gia tăng ảnh hưởng của các đảng cực hữu không chỉ diễn ra ở Pháp mà còn ở nhiều nước châu Âu khác như Áo, Thụy Điển, Bỉ, Hà lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Italy, Bulgaria, Hungari…

Theo ông Fabio Liberti, có nhiều yếu tố giải thích hiện tượng này. Đó là châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất từ năm 1929, dẫn tới nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng nợ công cao và giảm đấu tư, qua đó làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng. Đây là mảnh đất thuận lợi cho sự phát triển của các đảng dân tuý bởi các đảng này đổ lỗi cho người nhập cư gây ra tình trạng thất nghiệp và mất an ninh ở nước sở tại.

Ngoài ra, còn phải kể tới vai trò mờ nhạt của các đảng cánh tả. Theo ông Fabio Liberti, trong tổng số 27 nước thành viên châu Âu, chỉ có 3 quốc gia do các đảng cánh tả lãnh đạo. Tuy nhiên, các đảng này chưa khẳng định được vai trò của mình.

Trước bối cảnh ấy, cử tri không tìm được đảng lãnh đạo tin cậy có đủ khả chăm lo cho những mối quan tâm hàng đầu của họ, nên “trút giận” lên cả hai cánh tả - hữu và bỏ phiếu cho các đảng cực đoan.

Sự nổi lên của các đảng cực hữu tại Pháp và châu Âu là đáng lo ngại bởi vì tư tưởng cực hữu theo hướng bài ngoại, chống chủ nghĩa Hồi giáo, chống toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế… là một sự cản trở đối với sự phát triển của thế giới.

Tư tưởng cực đoan này càng trở nên nguy hiểm hơn trong bối cảnh hiện nay, bởi vì các đảng cực hữu tại nhiều nước đã đủ mạnh để tham gia các Chính phủ và thể hiện quan điểm của mình trong các quyết sách của quốc gia.

Còn nhớ, năm 2002, Chủ tịch Mặt trận quốc gia (FN) Jean-Marie Le Pen đã giành thắng lợi trước ứng cử viên của Đảng Xã hội Lionel Jospin và lọt vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Khi đó, các nhà chính trị Pháp cả cánh hữu và cánh tả đã phải lên tiếng kêu gọi cử tri Pháp bỏ phiếu cho ứng cử viên cánh hữu Jacques Chirac.

Tròn 10 năm sau, trong cuộc bầu cử Tổng thống 2012 sắp tới, con gái ông Jean-Marie Le Pen thay thế cha ở Đảng Mặt trận Quốc gia lại đang gieo nỗi ám ảnh lên đầu người Pháp. Để tránh kịch bản không mong đợi xảy ra, trước hết, các chính đảng ở Pháp phải tự đổi mới để tìm lại vai trò của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên