Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ hạ nhiệt?

(VOV) - Các bên liên quan tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 17/4 đã đưa ra các điều kiện để đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ nhằm đáp lại đề nghị đối thoại của hai nước này, trong đó có việc nối lại hoạt động của khu công nghiệp chung Keasong. Tuy nhiên, lập trường khác biệt của hai bên vẫn là trở ngại trong việc tổ chức các cuộc đối thoại giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, các bên liên quan tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình hiện nay.

Trong số các điều kiện mà Triều Tiên đưa ra để tiến hành đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ có việc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt của LHQ và đảm bảo dừng toàn bộ các cuộc tập trận quân sự chung Hàn - Mỹ trong tương lai.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên dẫn tuyên bố của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên nêu rõ để Bình Nhưỡng nối lại đối thoại, Mỹ và Hàn Quốc cần ngừng các hành động khiêu khích, xin lỗi về hành động gây hấn của họ và đảm bảo không tiến hành "trò chơi chiến tranh hạt nhân" để đe dọa Triều Tiên.

Triều Tiên luôn có kế hoạch sẵn sàng đối phó (Ảnh KCNA)

Phát thanh viên Đài truyền hình nhà nước KRT của Triều Tiên hôm nay nhấn mạnh: “Họ cần hiểu rằng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cần bắt đầu từ việc rút các vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi khu vực và điều này sẽ thúc đẩy phi hạt nhân hóa toàn cầu”.

Phía Hàn Quốc đã ngay lập tức đưa ra phản ứng về các yêu cầu trên. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngà 18/4 ở thủ đô Seul, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young cho rằng, Triều Tiên nên rút lại các yêu cầu không phù hợp trên. Ông nhấn mạnh: “Đó là yêu cầu không không phù hợp. Chúng tôi thúc giục Triều Tiên ngừng ngay các yêu cầu khó hiểu đó, đồng thời thúc giục họ có những lựa chọn khôn ngoan”.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae đã bác bỏ tin đồn rằng nước này đã tiến hành một “cuộc gặp bí mật” với Bình Nhưỡng sau khi nước này đưa ra đề xuất hội đàm liên Triều để giải quyết vấn đề liên quan đến khu công nghiệp chung Kaesong.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc, ông Ryoo Kihl-jae cho biết, mặc dù lập trường của Seul là không thay đổi trong việc duy trì sự đáp trả mạnh mẽ trước bất cứ "hành động khiêu khích" nào của Bình Nhưỡng, song nước này vẫn mong muốn giải quyết các vấn đề tồn tại với Triều Tiên thông qua đối thoại.

Trong bối cảnh hiện nay, Liên Hợp Quốc cùng các bên liên quan tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với các giải pháp ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/4 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhắc lại lập trường của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên: “Chúng tôi tin rằng đối thoại và tham vấn là con đường duy nhất giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là thúc đẩy các nỗ lực ngoai giao, kêu gọi các bên sớm quay trở lại bàn đàm phán. Trung Quốc hy vọng và ủng hộ các bên liên quan cải thiện quan hệ thông qua đối thoại”.

Theo kế hoạch, Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên Vũ Đại Vĩ sẽ thăm Mỹ vào tuần tới nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Chuyến thăm Mỹ của ông Vũ Đại Vĩ diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cuối tuần trước, trong đó ông Kerry và các lãnh đạo Trung Quốc nhất trí thảo luận thêm ở cấp cao về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 17/4 cũng đã thúc Triều Tiên xem xét "nghiêm túc" đề xuất đối thoại của Hàn Quốc. Ông cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho một cuộc đối thoại "đầy ý nghĩa" giữa hai miền.

Trong khi đó, Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Koro Besho cho biết, nước này sẵn sàng ký thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo quân sự với Seul “vào bất cứ thời điểm nào”, đồng thời đề nghị Chính phủ Hàn Quốc cần tăng cường quan hệ đối tác quân sự song phương, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên