EU và Mỹ Latin-Caribbean "hoán ngôi"

(VOV) - Hai khu vực này hiện chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu. Hội nghị gần đây của 2 khối đánh dấu sự chuyển mình của Mỹ Latin-Caribbean.

Vừa qua tại thành phố Santiago của Chile đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin – Caribbean (CELAC) và Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù các nước Mỹ Latin – Caribbean đã có 6 lần tổ chức hội nghị cấp cao với Liên minh châu Âu, nhưng đây là cuộc gặp lần đầu tiên Mỹ Latin – Caribbean tham dự với “tiếng nói chung” sau khi chính thức thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin – Caribbean hồi tháng 12/2011 với sự tham gia của toàn bộ 33 quốc gia tại khu vực này.

Đặc biệt, hội nghị lần được tổ chức vào thời điểm kinh tế các nước Mỹ Latin đang phát triển tốt hơn nhiều so với một Liên minh châu Âu đang “vật lộn” với cuộc suy thoái thứ hai kể từ năm 2009, vì vậy giới chuyên gia nhận định, hội nghị này đánh dấu sự thay đổi vị thế giữa Liên minh châu Âu và Mỹ Latin, hướng tới một mối quan hệ đối tác bình đẳng trong quan hệ kinh tế - thương mại.

Diễn biến hội nghị

Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin – Caribbean và Liên minh châu Âu vừa qua có chủ đề “Liên minh vì sự phát triển bền vững thông qua thúc đẩy đầu tư xã hội và môi trường có chất lượng”. Tại Hội nghị, Lãnh đạo các nước đã thống nhất đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa hai khối, hình thành một “liên minh chiến lược mới” nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.

 

Cộng đồng CELAC (ảnh: lithuaniatribune)

Tham dự hội nghị kéo dài 2 ngày tại Santiago có trên 40 người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ của các nước ở hai khu vực, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và trên 1.000 đại biểu. Tại phiên họp, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin – Caribbean đã thông qua một tuyên bố, trong đó tái khẳng định cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức cũng như ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, không phân biệt đối xử dựa trên các quy định. Các nhà lãnh đạo hai khối cũng cam kết tiếp tục hợp tác kinh tế, đồng thời thông qua một kế hoạch mới thúc đẩy hợp tác về luật pháp nhằm đấu tranh chống các tổ chức tội phạm. Tuyên bố nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững, khẳng định tăng trưởng kinh tế không song hành với tình trạng bất bình đẳng hay hủy hoại môi trường. Tuyên bố cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Cuba, đồng thời chỉ trích Đạo luật Helms-Burton mà Mỹ đơn phương áp dụng từ năm 1996 nhằm tăng cường bao vây cấm vận chống Cuba.

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Chile Sebastian Pinera nhấn mạnh: Những cam kết mà chúng ta đưa ra ở đây là thúc đẩy việc thiết lập một liên minh chiến lược mới giữa Liên minh châu Âu và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin – Caribbean. Đó là hai khu vực gồm 60 quốc gia, chiếm 1 phần 3 số nước thành viên Liên Hợp Quốc, 1 phần 3 GDP toàn cầu, và điều đó có nghĩa là chúng ta không chỉ có trách nhiệm giải quyết những vấn đề của chúng ta, mà phải đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt”.

Cũng tại phiên bế mạc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Mỹ Latin và châu Âu đảm bảo môi trường đầu tư bền vững cũng như chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch. Ông Barroso cho rằng đây là những vấn đề mấu chốt, giúp cải thiện chất lượng đầu tư và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả hai khối. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nhận định các cuộc thảo luận trong khuôn khổ hội nghị đã tiếp thêm một nguồn năng lượng mới và tạo đà cho mối quan hệ đối tác chiến lược song phương.

Liên quan đến tiến trình đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner nhấn mạnh các cuộc đàm phán với EU cần được tái khởi động dựa trên "một nền tảng mới" chứ không dựa trên các quyết định thông qua hồi năm 2004. Bà Kirchner đồng thời đề nghị thiết lập một Ủy ban đặc biệt của MERCOSUR nhằm đưa ra các đề xuất mới đối với Liên minh EU vào cuối năm nay. Hiện các cuộc đàm phán về FTA giữa hai khối đang bế tắc do bất đồng về vấn đề nông nghiệp, đặc biệt là chính sách trợ giá của Liên minh châu Âu. Sau hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin – Caribbean đã tổ chức riêng một hội nghị cấp cao, trong đó Chile chuyển giao chức chủ tịch luân phiên  năm 2013 của khối cho Cuba.

Hiện nay, Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư ngoài khối lớn nhất tại khu vực Mỹ Latin – Caribbean. Mối quan hệ ngày càng mật thiết giữa Liên minh châu Âu và các nước Mỹ Latin – Caribbean được xây dựng trên nỗ lực từ cả hai phía. Tuy nhiên, để tiến tới một liên minh chiến lược như đã thỏa thuận tại Hội nghị vừa qua tại Santiago, quan hệ giữa Liên minh châu Âu và các nước Mỹ Latin – Caribbean đã trải qua một chặng đường không bằng phẳng.

Dấu mốc

Sau đây là những dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai khu vực này:

1. Quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Mỹ Latin đã được hình thành từ nửa thế kỷ nay, mặc dù chỉ tới những năm 80 của thế kỷ trước, mối quan hệ này mới được chú trọng. Với sự ra đời của Nhóm Rio gồm 8 nước thành viên ban đầu vào năm 1986, Liên minh châu Âu đã trở thành đối tác quan trọng của khu vực này.

2. Mối quan tâm của Liên minh châu Âu tại Mỹ Latin càng tăng vào những năm 90 của thế kỷ 20. Nhờ những cải cách tiến hành trong thời kỳ này, Mỹ Latin đã mở cửa nền kinh tế và tìm tới những đối tác mới. Thỏa thuận đối thoại Mỹ Latin-châu Âu được ký kết với Tuyên bố Roma vào năm 1990.

3. Vào năm 1994, Liên minh châu Âu đưa ra chính sách tăng cường quan hệ với Mỹ Latin và vào năm 1999, Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ Latin đầu tiên được tổ chức tại Rio de Janeiro. Tại hội nghị này, thỏa thuận về xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Liên minh châu Âu và các nước Mỹ Latin và Caribbean đã được ký kết, mở ra một giai đoạn phát triển lịch sử mới giữa Liên minh châu Âu và Mỹ Latin.

4. Kể từ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tổ chức vào năm 2002 tại Madrid, Tây Ban Nha, Mỹ Latin đã không còn được ưu tiên trong mối quan hệ với EU. Những thương lượng để thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa EU với khối Thị trường chung Nam Mỹ và Trung Mỹ gần như không có tiến triển. Tại hội nghị lần này, EU bắt đầu thay đổi triết lý của mình trong mối quan hệ với Mỹ Latin, bởi lẽ EU sẵn sàng mở cửa thương lượng với từng quốc gia thay vì chỉ tập trung vào những đàm phán giữa EU với từng khối của Mỹ Latin.

5. Quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới được hai bên thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ Latin lần thứ năm tại Viên (Áo) hồi tháng 5/2006. Tại cuộc gặp cấp cao này, các nhà lãnh đạo hai khu vực đã khẳng định lại Chương trình hợp tác chiến lược cho giai đoạn 2007-2013 cũng như các mục tiêu được đề ra trong “Những mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ: Triển vọng cho Mỹ Latin và Caribbean”. Nội dung cốt lõi của những thỏa thuận tại Vienna là 3 ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động nâng tầm quan hệ EU-Mỹ Latin lên “đối tác chiến lược toàn cầu”: hợp tác đa phương; hợp tác xã hội; và hợp tác liên khu vực.

6. Nhằm đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các cơ chế đối thoại EU - Mỹ Latin đa cấp đã được hình thành tại các hội nghị Lima (Peru) năm 2008 và Prague (Czech) tháng 6/2009.

7. Năm 2010, đàm phán về hiệp định thương mại giữa hai khối được khởi động lại, dù vẫn gặp cản trở từ chính sách bảo hộ của Brazil và Argentina, hai nền kinh tế quan trọng nhất ở Nam Mỹ. Nếu thành công, hiệp định mới sẽ tạo ra khu vực tự do thương mại với 750 triệu người cùng giá trị thương mại trao đổi đạt 130 tỉ USD

8. Hội nghị cấp cao năm 2013 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo hai khu vực nhằm thông qua kế hoạch hành động 2013 – 2014 thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ Latin – Caribbean và Liên minh châu Âu, biến mối quan hệ đối tác lâu dài giữa hai khu vực thành mối quan hệ đồng minh chiến lược.

EU cần Mỹ Latin-Carribean

Như bất kỳ một mối quan hệ đối tác chiến lược nào, thỏa thuận mới giữa Liên minh châu Âu và các nước Mỹ Latin – Caribbean hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía. Tuy nhiên, nếu như trước đây, mối quan hệ này thường được nhìn nhận là cơ hội để Liên minh châu Âu đưa ra các cam kết viện trợ, giúp đỡ các nước Mỹ Latin – Caribbean, thì nay, sự nổi lên của các nước Mỹ Latin – Caribbean với sự tăng trưởng ổn định trong khi châu Âu vẫn đang loay hoay trong cơn bão khủng hoảng đã mang lại cho quan hệ EU – các nước Mỹ Latin và Caribbean một cục diện mới – một cục diện bình đẳng hơn.

Mặc dù quan hệ giữa Liên minh châu Âu và các nước Mỹ Latin – Caribbean đã phát triển mạnh mẽ trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng trong thời gian đầu, Liên minh châu Âu vẫn chỉ coi Mỹ Latin như một thị trường đơn thuần chứ không phải là một tổng thể chiến lược. Ngoài việc Liên minh châu Âu chú trọng nhiều đến các vấn đề nội khối, ví dụ như củng cố các cơ chế của Liên minh, những khó khăn trong mối quan hệ tam giác với Mỹ - Mỹ Latin cũng là một lực cản cho quá trình xích lại gần nhau giữa hai khối. Bên cạnh đó, với tư cách là một khu vực gồm nhiều nước phát triển với tốc độ tăng trưởng ổn định trong một thời gian dài, Liên minh châu Âu cũng chưa đánh giá Mỹ Latin là một đối tác bình đẳng khi cho rằng các nền kinh tế Mỹ Latin vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi vẫn chủ yếu dựa vào các nguồn năng lượng và nguyên liệu thô. Vì vậy, mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Mỹ Latin được mặc định hiểu rằng Mỹ Latin cần Liên minh châu Âu.

Giờ đây, bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi. Trong khi EU đang phải vật lộn với cuộc suy thoái thứ hai kể từ năm 2009 thì các nước Mỹ Latin – Caribbean lại duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng. Dự kiến kinh tế các nước Mỹ Latin sẽ tăng 4% trong năm nay, trong khi Liên minh châu Âu tăng trưởng âm. Khủng hoảng tài chính – kinh tế không chỉ làm chao đảo các nước trong khu vực mà còn đe dọa làm lung lay vị thế quốc tế của khối.

Trong khi đó, khu vực Mỹ Latin không những khởi sắc về mặt kinh tế mà còn ghi nhận những tiến bộ trong các vấn đề xã hội. Liên Hợp Quốc đánh giá, thành công của các nước Mỹ Latin và Caribbean là do đã rút ra nhiều bài học từ quá khứ, như áp dụng kinh tế vĩ mô một cách thận trọng và tăng cường chính sách xã hội tiến bộ - điều trái ngược với các nước thuộc Liên minh châu Âu, nơi người ta đổ lỗi khủng hoảng cho quỹ phúc lợi xã hội. Bởi thế, ở thời điểm hiện tại, chính châu Âu lại cần sự hợp tác, hỗ trợ từ các nước và tổ chức khu vực khác, trong đó có khu vực Mỹ Latin và Caribbean. Trong một tâm thế phải tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã tới Santiago với hy vọng, hội nghị lần này có thể là cầu nối mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại giữa châu Âu với khu vực Mỹ Latin và Caribbean nhiều tiềm năng, giúp giải quyết tình trạng kinh tế trì trệ, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Ông Mariano Rajoy, Thủ tướng Tây Ban Nha – một trong những nước tâm điểm của cơn bão khủng hoảng ở châu Âu – cũng cho rằng “Tây Ban Nha đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Chúng tôi đang phải thực hiện tiến trình hiện đại hóa và điều chỉnh, nên có tác động không nhỏ đến người dân, trong đó có vấn đề việc làm. Tây Ban Nha có thể đóng vai trò quan trọng như là một chiếc cổng để Mỹ Latin tiến vào thị trường châu Âu- một thị trường rộng lớn hơn Mỹ với 490 triệu người tiêu dùng tiềm năng”.

Trong sự thay đổi vị thế đó, các nước Mỹ Latin – Caribbean cũng rất tự tin khi cho rằng có thể hỗ trợ Liên minh châu Âu vượt qua khủng hoảng như khẳng định của Tổng thống nước chủ nhà Chile Sebastian Pinera “cuộc gặp diễn ra đúng lúc và mang tính cấp bách, khu vực Mỹ Latin không chỉ đứng ngoài tâm bão khủng hoảng mà còn có điều kiện đóng góp các giải pháp hữu hiệu cho châu Âu”.

Trong sự thay đổi tương quan cục diện quan hệ giữa hai khu vực, hội nghị cấp cao Cộng đồng các nước Mỹ Latin – Caribbean và Liên minh châu Âu tại Santiago lần này đánh dấu việc hai bên đang bước vào kỷ nguyên hợp tác mới, thúc đẩy mối quan hệ dựa trên nền tảng giảm viện trợ vật chất và tăng hợp tác bình đẳng hơn trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, khu vực Mỹ Latin và Caribbean, với một vị thế mới, có thể sẽ là "một phần giải pháp" cho các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ Latin - Caribbean và EU thành đồng minh chiến lược
Mỹ Latin - Caribbean và EU thành đồng minh chiến lược

(VOV) - Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên của 27 nước thành viên EU với Cộng đồng các nước Mỹ Latin – Caribbean.

Mỹ Latin - Caribbean và EU thành đồng minh chiến lược

Mỹ Latin - Caribbean và EU thành đồng minh chiến lược

(VOV) - Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên của 27 nước thành viên EU với Cộng đồng các nước Mỹ Latin – Caribbean.

Hợp tác ASEM: Vượt khó đi tới ổn định và thịnh vượng
Hợp tác ASEM: Vượt khó đi tới ổn định và thịnh vượng

(VOV) - Hội nghị ASEM năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và thách thức, kinh tế châu Âu ảm đạm.

Hợp tác ASEM: Vượt khó đi tới ổn định và thịnh vượng

Hợp tác ASEM: Vượt khó đi tới ổn định và thịnh vượng

(VOV) - Hội nghị ASEM năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và thách thức, kinh tế châu Âu ảm đạm.