Mỹ đề nghị Australia hỗ trợ thanh sát phi hạt nhân hóa Triều Tiên
VOV.VN - Chính quyền Mỹ đề nghị Australia cử thanh sát viên tham gia vào phái đoàn quốc tế tới giám sát quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Theo nguồn tin của tờ The Australian, chính quyền Australia đã đồng ý với đề nghị của Mỹ và hiện đã xác định được danh sách các chuyên gia, những người có thể tới Triều Tiên ngay lập tức khi được yêu cầu.
Chính quyền Mỹ đề nghị Australia cử thanh sát viên tham gia vào phái đoàn quốc tế tới giám sát quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Ảnh: DigitalGlobe |
Trước đây, Australia từng cử chuyên gia tham gia đoàn thanh sát vũ khí tại Iraq. Vì không phải là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nên các chuyên gia Australia không thanh sát việc giải giáp vũ khí hạt nhân mà chủ yếu can dự vào việc xác nhận chương trình thanh sát và cả việc đánh giá năng lực tên lửa của Triều Tiên.
Nếu tham gia đoàn thanh sát viên tới Triều Tiên lần này, Australia có thể cung cấp các chuyên gia hỗ trợ quá trình thanh sát như các chuyên gia khảo sát địa chất, địa chấn, phóng xạ hoặc các chuyên gia nhân tích hình ảnh vệ tinh. Tuy nhiên, mức độ tham gia của Australia còn tùy thuộc vào sự chấp thuận của Triều Tiên và sự tin tưởng của nước này đối với Australia với tư cách là một bên trung gian trong quá trình thanh sát.
Vào tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Bình Nhưỡng để thảo luận với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un về việc cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận một số địa điểm thử hạt nhân quan trọng. Theo tờ The Australian, khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhận được sự đồng ý của ông Kim Jong Un về việc cho phép các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử Punggye-ri mà nước này tuyên bố đã phá hủy hồi tháng 5/2018.
Mặc dù phía Mỹ liên tục khẳng định tiến trình đàm phán với Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa đang diễn ra theo kế hoạch song thực tế dư luận lại thấy quá trình này đang bị bế tắc do quan điểm khác biệt cúa các bên.
Triều Tiên đang thất vọng trước việc Mỹ cho biết sẽ chỉ dỡ bỏ cấm vận kinh tế khi nước này vô hiệu hóa các vũ khí hạt nhân, quá trình được cho là sẽ kéo dài trong nhiều năm. Triều Tiên được cho là cũng không hài lòng khi Mỹ không giữ lời hứa khi vẫn chưa tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Trong khi đó, phía Mỹ cũng chưa thuyết phục được Triều Tiên cung cấp danh sách các vũ khí hạt nhân, các địa điểm cất giữ cũng như các bệ phóng tên lửa và rocket.
Những vấn đề hai bên hiện chưa đạt được sự thống nhất đều là những vấn đề quan trọng, vì vậy khi chưa được giải quyết thì cũng chưa thể tạo ra những chuyển biến trong việc thực thi thỏa thuận phi hạt nhân mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã đạt được hồi tháng 6/2018./.
Mỹ "hãm phanh" Hàn Quốc trong việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên?
Triều Tiên phá hủy 10 trạm khác tại Khu phi quân sự (DMZ)