Nghị quyết về Syria gây mâu thuẫn trong Liên Hợp Quốc

(VOV) - Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc gọi nghị quyết là “rất tai hại và không mang tính xây dựng”, nhằm mục đích thay chính quyền Syria.

Tại phiên họp hôm 15/5, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết được các nước Arab ủng hộ kêu gọi khởi động tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria, đồng thời mạnh mẽ lên án chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad vì sử dụng ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng. Phía Nga cho rằng, nghị quyết này mang tính một chiều, trong khi Trung Quốc kêu gọi quốc tế tôn trọng độc lập và chủ quyền của Syria. 

Nghị quyết không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý này được thông qua với 107 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 59 phiếu trắng. Tỷ lệ ủng hộ này thấp hơn nhiều so với mức 133 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 31 phiếu trắng đối với nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 8 năm ngoái lên án cuộc trấn áp của Syria nhằm vào lực lượng chống đối và hối thúc tìm ra một giải pháp chính trị.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ảnh: timesofisrael)

Phía Nga - đồng minh thân cận của Syria, lần này đã hối thúc bỏ phiếu chống trong khi một số nước Mỹ Latinh yêu cầu (nhưng không được chấp thuận) thay đổi nội dung của nghị quyết để giảm bớt sự ủng hộ đối với Liên minh Dân tộc, nhóm đối lập chính của Syria.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Alexdander Pankin gọi nghị quyết này là “rất tai hại và không mang tính xây dựng,” nhằm mục đích thay đổi chính phủ của Syria: “Văn kiện này, cũng giống như các văn kiện được thông qua năm ngoái tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, mang tính một chiều và đổ  trách nhiệm cho những gì đang xảy ra ở Syria cho chính phủ nước này. Nghị quyết không đề cập các hành động phi pháp gồm cả các hành động khủng bố của lực lượng vũ trang đối lập mà nhiều tổ chức quốc tế đã công nhận”.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lý Bảo Đông cũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần tôn trọng độc lập và chủ quyền của Syria: “Cộng đồng quốc tế cần tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ. Tương lai của Syria phải do chính người dân nước này quyết định. Chúng tôi phản đối can thiệp quân sự đối với Syria và thúc đẩy các hành động lật đổ chính quyền”.

Trong khi đó, phía Mỹ mạnh mẽ ủng hộ và là nước đồng bảo trợ cho nghị quyết này. Phó Đại sứ Mỹ Rosemary DiCarlo khẳng định, văn kiện này ủng hộ sáng kiến của Mỹ và Nga tổ chức hội nghị quốc tế về Syria và “sẽ phát đi một thông điệp rõ ràng rằng giải pháp chính trị mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm là con đường tối ưu để chấm dứt nỗi thống khổ của người dân Syria”.

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành giữa lúc Mỹ và các đồng minh châu Âu đang cân nhắc những lợi ích và rủi ro của việc cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell còn cho biết, Ngoại trưởng nước này John Kerry sẽ tham dự hội nghị của nhóm "Những người bạn của Syria", vào giữa tuần tới ở Jordan, nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình và dàn xếp để chấm dứt tình trạng bạo lực ở quốc gia Trung Đông này. Các cuộc thảo luận, theo kế hoạch, sẽ được tổ chức giữa tuần tới ở thủ đô Amman, với sự tham gia của Ngoại trưởng Jordan, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Italy./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu nghị quyết về Syria
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu nghị quyết về Syria

(VOV) - Dự thảo nghị quyết này thậm chí được cho là còn cứng rắn hơn những trước đó.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu nghị quyết về Syria

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu nghị quyết về Syria

(VOV) - Dự thảo nghị quyết này thậm chí được cho là còn cứng rắn hơn những trước đó.