Nhật Bản: rò rỉ phóng xạ nặng tại lò phản ứng số 2

Sự cố rò rỉ nước nhiễm phóng xạ nặng sẽ khiến việc khôi phục hệ thống điện và hệ thống làm mát của các lò phản ứng trở nên khó khăn

Tình hình sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 lại có thêm diễn biễn phức tạp khi nước nhiễm phóng xạ nặng từ lò phản ứng số 2 đã được phát hiện ở bên ngoài khu nhà chứa tuốc bin của lò phản ứng.

Trong buổi họp báo vào lúc 17h chiều 28/3, Công ty điện lực Tokyo, đơn vị quản lý Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã phát hiện nước có nồng độ phóng xạ ở bề mặt lên tới 1000 mili sievert tại đường hầm ở bên ngoài khu nhà chứa tuốc bin của lò phản ứng số 2.

Đường hầm này chứa các ống dẫn và dây cáp điện của lò phản ứng số 2 có chiều dài 76 m và nằm rất gần biển. Công ty điện lực Tokyo cho biết đường hầm không nối trực tiếp ra biển nên hiện tại chưa có dấu hiệu cho thấy nước nhiễm xạ nặng đã chảy ra biển. Tuy nhiên, việc phát hiện nước nhiễm xạ nặng bên ngoài tòa nhà chứa tuốc bin đang làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ nhiễm xạ nặng của nước biển và nước ngầm khu vực xung quanh nhà máy.

Trước đó, Ủy ban An toàn năng lượng hạt nhân Nhật Bản đưa ra nhận định nước đọng lại tại khu nhà chứa tuốc bin của lò phản ứng số 2 là nước đã tiếp xúc trực tiếp với các thanh nhiên liệu hạt nhân bị phân rã. Ủy ban coi việc nước bị nhiễm phóng xạ nặng chảy xuống đất và chảy ra biển là mối lo ngại lớn nhất.

Ủy ban yêu cầu tăng cường công tác lấy mẫu nước ngầm và nước biển để kiểm tra nồng độ phóng xạ. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano cũng cam kết nỗ lực hết sức để ngăn ngừa thảm họa.

Công ty Điện lực Tokyo đang xúc tiến việc hút nước nhiễm xạ từ các lò phản ứng từ số 1 đến số 3. Tại lò phản ứng số 1, công việc hút nước nhiễm xạ đang được tiến hành. Tuy nhiên, tại lò phản ứng số 2, do nồng độ phóng xạ cao gấp 50 lần mức độ cho phép con người làm việc nên việc tiếp cận khu vực đọng nước nhiễm xạ hoàn toàn không dễ dàng.

Theo nhận định, sự cố rò rỉ nước nhiễm phóng xạ nặng sẽ khiến việc khôi phục hệ thống điện và hệ thống làm mát của các lò phản ứng trở nên khó khăn và kéo dài hơn nhiều./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên