Châu Âu năm 2022: Nhiều biến động đòi hỏi sự thay đổi

VOV.VN - Cuộc xung đột tại Ukraine được xem là điểm cuối của một chuỗi các cuộc khủng hoảng liên tiếp mà Liên minh châu Âu phải đối mặt trong hơn một thập kỷ qua và là giới hạn cuối cùng để châu Âu phải đưa ra lựa chọn: hoặc phải thay đổi, hoặc sẽ tan rã.

So với các khu vực khác của thế giới, châu Âu trải qua năm 2022 với nhiều lo lắng và bất an hơn cả. Không chỉ kinh tế có nguy cơ cao rơi vào tình trạng suy thoái, mà nhiều vấn đề “nóng” như an ninh năng lượng, rủi ro xung đột đã khiến cho châu Âu trải qua một năm đầy thách thức. 

Cuộc xung đột tại Ukraine được xem là điểm cuối của một chuỗi các cuộc khủng hoảng liên tiếp mà Liên minh châu Âu phải đối mặt trong hơn một thập kỷ qua và là giới hạn cuối cùng để châu Âu phải đưa ra lựa chọn: hoặc phải thay đổi, hoặc sẽ tan rã.

 Thách thức chưa từng có với châu Âu

Châu Âu là tâm điểm của năm 2022 bởi đây là khu vực chứng kiến một trong những biến động địa chính trị lớn nhất của toàn thế giới trong vòng 3 thập kỷ qua: xung đột Nga-Ukraine.

Đây là một sự kiện mà nhiều lãnh đạo châu Âu nhận định rằng có tính chất thay đổi thời đại và sự thực cũng đã và đang diễn ra đúng như nhận định đó, khi đang có những thay đổi, biến động ghê gớm tại châu Âu mà chỉ vài tháng trước đó không ai có thể hình dung nổi, từ việc nước Đức tái vũ trang, Phần Lan-Thuỵ Điển từ bỏ chính sách trung lập hàng thế kỷ để xin gia nhập NATO cho đến việc đổ vỡ toàn diện quan hệ kinh tế-chính trị, dẫn đến sự đối đầu gay gắt nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Các tác động của xung đột Nga-Ukraine cũng hiện diện sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội châu Âu, khi là tác nhân quan trọng nhất gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất từ thập niên 70, qua đó đẩy tỷ lệ lạm phát tại nhiều nước châu Âu lên các mức cao nhất trong vòng 3-4 thập kỷ. Do đó, sẽ không phải là quá nếu nhận định rằng xung đột tại Ukraine là nguyên nhân trực tiếp lớn nhất đẩy châu Âu vào một loạt các cuộc khủng hoảng, một loạt các thách thức lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. 

Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào thời điểm mà các nước châu Âu vừa chập chững bước ra khỏi quãng thời gian 2 năm bị đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề về kinh tế-xã hội nên sức đề kháng của nền kinh tế các nước đều tương đối yếu, nhiều mô hình kinh tế bị đặt dấu hỏi.

Bên cạnh đó, sau một loạt các cuộc khủng hoảng lớn liên tiếp phải trải qua trong 1 thập kỷ vừa qua, từ khủng hoảng nợ công 2012, khủng hoảng tị nạn 2015 cho đến Brexit kéo dài lê thê từ 2016 đến 2019, nội bộ của Liên minh châu Âu – EU xuất hiện những rạn nứt lớn kéo dài, trong đó đáng kể nhất là sự lệch pha ngày càng khó dung hoà giữa nhóm các nước ở Tây Bắc Âu vốn là hạt nhân thành lập EU với nhóm các nước ở Trung Đông Âu gia nhập EU trong gần 2 thập kỷ qua và vốn có trình độ phát triển kinh tế, tổ chức nhà nước khác biệt.

Những lời chỉ trích công kích lẫn nhau giữa Berlin, Paris với Warsaw, Budapest hay Athens không phải đợi đến năm 2022 mới xuất hiện mà đã có từ 2012 khi các nước Nam Âu uất hận trước thái độ cay nghiệt và lạnh lùng của các nước Tây Bắc Âu trong đòi hỏi cải cách ngân sách, thắt chặt chi tiêu; từ năm 2015 khi nhóm các nước Visegrad (Ba Lan, Hungary, CH Séc, Slovakia) từ chối nhận quota người tị nạn trong khi nước Đức lại mở cửa đón hàng triệu người từ Syria, Trung Đông….

Từ 3 năm nay, các tranh cãi giữa các nhóm nước này là một vấn đề thường trực khi Uỷ ban châu Âu đã đưa Ba Lan hay Hungary vào tầm ngắm để trừng phạt vì các bất đồng liên quan đến nhà nước pháp quyền hay tư pháp độc lập. Đối với xung đột Nga-Ukraine, khác biệt lớn nhất giữa Tây và Đông Âu có lẽ là về nhận thức và cách tiếp cận đối với nước Nga, giữa một bên theo đuổi quan điểm dung hoà, tìm cách chung sống lâu dài với Nga và một bên muốn đối đầu với Nga một cách quyết liệt.

Nhu cầu thay đổi, cải cách

Nhu cầu thay đổi đã đến với châu Âu từ nhiều năm qua chứ không phải đợi đến khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Các thảo luận về việc thực thi những cải cách triệt để mang tính cấu trúc đối với Liên minh châu Âu đã xuất hiện từ ngay khi Vương quốc Anh bỏ phiếu thực thi Brexit để rời khỏi Liên minh châu Âu, một quyết định khiến các lãnh đạo châu Âu choáng váng.

Có thể liệt kê 2 thời điểm quan trọng đánh dấu nhu cầu cải cách mạnh mẽ của châu Âu. Đầu tiên là Diễn văn Sorbonne do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trình bày vào tháng 09/2017, chỉ vài tháng sau khi đắc cử Tổng thống Pháp, đề xuất các ý tưởng mới về một châu Âu có “chủ quyền, thống nhất và dân chủ”, mà tựu trung lại có thể định hình quanh một số chính sách trụ cột như: tự chủ an ninh-quốc phòng, cụ thể hoá bằng việc xây dựng một quân đội chung, ngân sách quốc phòng chung và học thuyết quốc phòng chung; chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng theo đuổi công nghệ xanh, bền vững, hợp nhất một số chính sách an sinh xã hội và thuế và cuối cùng là dân chủ hoá châu Âu bằng cách gia tăng hình thức dân chủ trực tiếp.

Sở dĩ có thể coi bài “Diễn văn Sorbonne” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một cột mốc quan trọng là vì trong lịch sử xây dựng và hội nhập châu Âu, nước Pháp vốn luôn đóng vai trò hàng đầu trong việc đề xuất và thúc đẩy các ý tưởng, từ thời Tổng thống De Gaulle, đến thời ông Francois Mitterand và các nước châu Âu cũng luôn có một sự thừa nhận ngầm định với vai trò đó của nước Pháp. 

Cột mốc quan trọng thứ hai là các chính sách tham vọng do Uỷ ban châu Âu đề ra sau kỳ bầu cử châu Âu 2019, như Hiệp ước Xanh nhằm thay đổi toàn diện mô hình phát triển kinh tế châu Âu theo hướng từ bỏ nhiên liệu hoá thạch, sớm đạt mức trung hoà các-bon vào giữa thế kỷ 21. Đặc biệt, từ giữa 2021, châu Âu đã tổ chức “Hội nghị về tương lai châu Âu”, quy tụ gần 500 công dân được lựa chọn từ toàn bộ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu họp bàn và thảo luận trong vòng 1 năm.

Trong vòng 1 năm, hàng trăm công dân được lựa chọn ngẫu nhiên từ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp, đến từ 27 quốc gia thành viên EU, cộng thêm khoảng 50 ngàn người tham gia qua hình thức trực tuyến, đã có ít nhất 7 phiên thảo luận về 9 nhóm chủ đề, để qua đó xây dựng một bản báo cáo về các đề xuất cải tổ Liên minh châu Âu, gửi lên các lãnh đạo EU.

Do đó, có thể nói nhu cầu thay đổi, cải tổ châu Âu một cách triệt để, mạnh mẽ đã bùng lên tại châu Âu từ vài năm qua, thể hiện rõ ý thức đa số của các lãnh đạo và công dân châu Âu rằng các mô hình cũ tại châu Âu đã đi đến giới hạn, đã bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết và đã đến lúc cần tìm kiếm những hướng đi mới. Cuộc xung đột tại Ukraine càng làm cho nhận thức đó trở nên mạnh mẽ hơn. Chỉ có một điều khác biệt, đó là giờ đây nhu cầu cải tổ về an ninh quốc phòng sẽ trở thành một ưu tiên lớn hơn so với các nhu cầu khác.

Châu Âu cần thích ứng tình hình mới

Trong bản báo cáo tổng hợp kết quả của “Hội nghị tương lai châu Âu” đưa ra hồi tháng 05/2022, các công dân đại diện cho hơn 450 triệu người dân EU đã liệt kê 3 ưu tiên chính gồm: tự chủ quốc phòng; đẩy mạnh chủ đề sinh thái và gia tăng dân chủ của khối. Đây cũng là 3 vấn đề lớn thường xuyên được các lãnh đạo châu Âu đề cập đến trong vài năm qua.

Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine cùng tất cả những hệ luỵ kéo dài của cuộc xung đột này đặt ra câu hỏi, là làm thế nào châu Âu có thể tiến hành những cải cách triệt để trong 3 chủ đề ưu tiên này? Sinh thái là một ví dụ rõ nhất cho việc châu Âu đã phải hy sinh ưu tiên này vì xung đột tại Ukraine. Trước khi xung đột nổ ra, đây là chủ đề được xem là quan trọng hàng đầu đối với hầu hết chính phủ các nước châu Âu và Uỷ ban châu Âu.

Tuy nhiên, trong cả năm 2022, các thảo luận về môi trường, về cắt giảm khí thải, về tiến độ đạt mức trung hoà các-bon… đã nhường chỗ cho nỗi lo về khủng hoảng năng lượng. Trong năm 2021, năng lượng hạt nhân vẫn bị coi là rủi ro và xu hướng cắt bỏ năng lượng hạt nhân tại châu Âu vẫn mạnh nhưng đến năm 2022, năng lượng hạt nhân đã chính thức được Nghị viện châu Âu xếp loại là “Xanh”. Đáng nói nhất là than đá, vốn được xem là nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường nhất và bị châu Âu quyết liệt loại trừ từ vài năm qua thì đến năm 2022 cũng đã được sử dụng trở lại trong các nhà máy điện than ở Đức, Pháp và nhiều nước khác nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga. Mục tiêu cấm bán các ô tô mới chạy bằng xăng và dầu từ năm 2030 cũng được lùi đến 2035. 

Ngay cả các ưu tiên và tự chủ quốc phòng cũng đối mặt với các hoài nghi lớn, dù an ninh-quốc phòng có thể xem là chuyện hệ trọng nhất với châu Âu trong bối cảnh hiện nay. Lí do là vì xung đột Nga-Ukraine đã làm sống lại vai trò của khối quân sự NATO, biến NATO thành nhân tố quan trọng hơn bao giờ hết đối với an ninh châu Âu. Nhưng việc NATO lấy lại vai trò cũng đồng nghĩa với việc tham vọng tự chủ quốc phòng do Pháp-Đức đề xuất và dẫn dắt gặp trở ngại bởi “tự chủ quốc phòng” của châu Âu chỉ là một cách diễn giải khác của ý muốn đưa châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào NATO và Mỹ.

Ví dụ rõ nhất cho nghịch lý này là việc nước Đức đã ngay lập tức quyết định mua 35 máy bay F-35 của Mỹ, làm dấy lên rất nhiều hoài nghi về cam kết của nước Đức đối với các kế hoạch quốc phòng chung đầy tham vọng của châu Âu là sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 6 và xe tăng chiến đấu chủ lực mới cùng các nước Pháp, Tây Ban Nha, Italy.

“Tự chủ quốc phòng”, với tham vọng có quân đội riêng của châu Âu, vốn là một chủ đề nóng trong các năm 2020-2021 thì giờ đây đã là một thực tế tương đối xa vời với châu Âu. Do đó, thực tế hiện nay đòi hỏi châu Âu phải thay đổi quyết liệt nhưng cũng chính thực tế này lại đặt ra rất nhiều cản trở cho những ưu tiên mà châu Âu muốn tiến hành. Hiện nay, các lãnh đạo châu Âu dường như vẫn đang bế tắc trong việc tìm ra một giải pháp phù hợp. Nói chính xác thì châu Âu hiện vẫn đang bị cuốn vào việc ứng phó với các thách thức trước mắt, như khủng hoảng năng lượng, nguy cơ phi công nghiệp hoá vì mất tính cạnh tranh vào các đối thủ Trung Quốc, Mỹ… nên chưa thể tập trung hơn cho các chiến lược dài hạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Châu Âu năm 2022: Phải thay đổi ra sao trước biến cố thời đại?
Châu Âu năm 2022: Phải thay đổi ra sao trước biến cố thời đại?

VOV.VN - Cuộc xung đột tại Ukraine là điểm cuối của một chuỗi các cuộc khủng hoảng liên tiếp mà Liên minh châu Âu phải đối mặt trong hơn một thập kỷ qua và là giới hạn cuối cùng để châu Âu phải đưa ra lựa chọn: hoặc phải thay đổi, hoặc sẽ tan rã.

Châu Âu năm 2022: Phải thay đổi ra sao trước biến cố thời đại?

Châu Âu năm 2022: Phải thay đổi ra sao trước biến cố thời đại?

VOV.VN - Cuộc xung đột tại Ukraine là điểm cuối của một chuỗi các cuộc khủng hoảng liên tiếp mà Liên minh châu Âu phải đối mặt trong hơn một thập kỷ qua và là giới hạn cuối cùng để châu Âu phải đưa ra lựa chọn: hoặc phải thay đổi, hoặc sẽ tan rã.

Năm 2023, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn?
Năm 2023, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn?

VOV.VN - Năm 2023 dự báo sẽ còn khó khăn hơn nhiều nếu nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu lục này tiếp tục bị thắt chặt. Chưa kể, biện pháp áp trần giá khí đốt gây tranh cãi gần đây còn có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình.

Năm 2023, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn?

Năm 2023, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn?

VOV.VN - Năm 2023 dự báo sẽ còn khó khăn hơn nhiều nếu nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu lục này tiếp tục bị thắt chặt. Chưa kể, biện pháp áp trần giá khí đốt gây tranh cãi gần đây còn có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình.

Châu Âu đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt sau thỏa thuận về giá trần
Châu Âu đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt sau thỏa thuận về giá trần

VOV.VN - Với mức giá trần vừa được Liên minh châu Âu thông qua, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường khí đốt năm tới sẽ diễn biến khá phức tạp. Các nhà phân tích cũng cảnh báo các kho dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong 2 tháng đỉnh điểm của mùa đông.

Châu Âu đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt sau thỏa thuận về giá trần

Châu Âu đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt sau thỏa thuận về giá trần

VOV.VN - Với mức giá trần vừa được Liên minh châu Âu thông qua, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường khí đốt năm tới sẽ diễn biến khá phức tạp. Các nhà phân tích cũng cảnh báo các kho dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong 2 tháng đỉnh điểm của mùa đông.

Vụ bê bối tham nhũng ở nghị viện châu Âu gây sốc cho các nhà lãnh đạo EU        
Vụ bê bối tham nhũng ở nghị viện châu Âu gây sốc cho các nhà lãnh đạo EU        

VOV.VN - Các nhà lãnh đạo EU đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN đã bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ bê bối tham nhũng liên quan đến một số nhà lập pháp EU, trong đó có Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Eva Kaili.

Vụ bê bối tham nhũng ở nghị viện châu Âu gây sốc cho các nhà lãnh đạo EU        

Vụ bê bối tham nhũng ở nghị viện châu Âu gây sốc cho các nhà lãnh đạo EU        

VOV.VN - Các nhà lãnh đạo EU đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN đã bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ bê bối tham nhũng liên quan đến một số nhà lập pháp EU, trong đó có Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Eva Kaili.

Nga sẽ đáp trả Liên minh châu Âu về việc thiết lập trần giá khí đốt
Nga sẽ đáp trả Liên minh châu Âu về việc thiết lập trần giá khí đốt

VOV.VN - Ngày 19/12, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Đ.Peskov tuyên bố, việc Liên minh Châu Âu áp trần giá đối với khí đốt của nước này là những nỗ lực không thể chấp nhận được và Nga sẽ đáp trả.

Nga sẽ đáp trả Liên minh châu Âu về việc thiết lập trần giá khí đốt

Nga sẽ đáp trả Liên minh châu Âu về việc thiết lập trần giá khí đốt

VOV.VN - Ngày 19/12, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Đ.Peskov tuyên bố, việc Liên minh Châu Âu áp trần giá đối với khí đốt của nước này là những nỗ lực không thể chấp nhận được và Nga sẽ đáp trả.