Chìa khóa nào phá vỡ bế tắc hạt nhân Iran?

(VOV) -Nhóm P5+1 hy vọng Iran sẽ phản ứng tích cực với các đề xuất mà họ đưa ra đối với vấn đề hạt nhân của nước này.

Sau một thời gian dài gián đoạn, hôm 26/2 nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Đức) đã bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trong vòng đàm phán với Iran, tại thành phố Almaty (Kazakh). Nhóm P5+1 đã đưa ra các đề xuất để giải quyết vấn đề hạt nhân bế tắc trong thời gian dài vừa qua, và nhà nước Hồi giáo đang xem xét các đề xuất này, phát ngôn viên của nhóm P5+1 cho biết.

Đoàn đàm phán hạt nhân Iran đứng đầu là ông Saeed Jalili (Ảnh Reuters)



Các cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 và Iran đã không mang lại một bước đột phá nào kể từ mùa xuân 2012 tại các thành phố Istanbul, Baghdad, và Moscow.

Điều kiện để phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt

Theo Hãng tin Reuters, nhóm P5 +1 đã yêu cầu Iran dừng tất cả các chương trình làm giàu uranium tới 20% độ tinh khiết. P5 +1 cũng muốn Iran đóng cửa cơ sở làm giàu uranium dưới lòng đất tại Fordow.

Theo một số quan chức phương Tây, ngày đầu tiên của cuộc đàm phán được coi là có dấu hiệu khả quan. Một quan chức cho biết, Iran đã bàn luận các khía cạnh cụ thể của đề xuất trong các cuộc đàm phán song phương với ba nước trong nhóm là Nga, Đức và Anh, nhưng không tỏ rõ quan điểm của mình.

Truyền hình nhà nước Iran đã phản ánh không khí trong các cuộc thảo luận là "rất nghiêm túc".

Hãng tin Reuters cho biết, diễn biến của cuộc họp ở thành phố Almaty (Kazakh) được Israel theo dõi rất chặt chẽ. Israel cho rằng nước này có thể tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran nếu các biện pháp trừng phạt và ngoại giao không ngăn chặn được chương trình làm giàu uranium của Iran.

Iran từ trước đến nay luôn phủ nhận cáo buộc của phương Tây cho rằng nước này đang tìm cách phát triển khả năng chế tạo bom nguyên tử. Iran luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ vì mục đích dân sự.

Trong nỗ lực mới nhất để phá vỡ bế tắc nhiều năm qua, phương Tây đã chấp nhận dỡ bỏ dần những lệnh cấm vận đã gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế Iran.

Cao ủy Liên minh châu Âu về An ninh và Đối ngoại Catherine Ashton bày tỏ: "Hy vọng rằng Iran sẽ xem xét nghiêm túc và tích cực những đề xuất”.

"Quả bóng đang ở sân của Iran", người phát ngôn của bà Catherine Ashton, ông Michael Mann nói thêm sau ngày đầu tiên của cuộc đàm phán vào thứ Ba.

Ông Michael Mann không đưa ra chi tiết các đề xuất, nhưng các quan chức phương Tây khác đã xác nhận các đề xuất bao gồm dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế với điều kiện Iran sẽ đóng cửa một cơ sở hạt nhân dưới lòng đất Fordow, nơi nước này thực hiện hoạt động làm giàu uranium gây tranh cãi của mình.

Các nhà ngoại giao và phân tích nhìn thấy một cơ hội ít ỏi có thể đạt được thỏa thuận với Iran trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Sáu, khi mà giới chính trị nước này đang mải bận tâm với các vấn đề trong nước.

Điều kiện đối trọng của Iran

Theo một nguồn tin thân cận của đoàn đàm phán Iran, nước này cũng đưa ra đề nghị đối trọng với đề xuất của phương Tây, nhưng các quan chức phương Tây cho biết họ đã không chấp thuận trong ngày đầu tiên.

Trưởng đoàn đàm phán Iran, ông Saeed Jalili, nhân vật thân cận Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei và là cựu binh của cuộc chiến tranh năm 1980 giữa Iran- Iraq, không hề biểu lộ dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn lòng giảm quy mô hoạt động hạt nhân của mình.

Iran cho rằng họ hoàn toàn có quyền làm giàu uranium vì mục đích năng lượng hòa bình, và đặc biệt là nước này từ chối đóng cửa cơ sở hạt nhân dưới lòng đất Fordow, một điều kiện tiên quyết của phương Tây để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Phương Tây đã thắt chặt lệnh trừng phạt Iran trong 14 tháng qua và gây tổn hại nặng nề đối với nền kinh tế nước này. Giá trị đồng nội tệ của Iran đã giảm hơn một nửa, khiến lạm phát tăng cao.

Các quan chức phương Tây cho biết, phương Tây sẽ nới lỏng lệnh cấm vận về kinh doanh vàng và các kim loại quý khác nếu Tehran đóng cửa Fordow.

Cơ sở hạt nhân dưới lòng đất Fordow được sử dụng để làm giàu uranium tới 20%, mức tinh khiết đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Phía phương Tây thừa nhận việc nới lỏng lệnh trừng phạt của Mỹ và EU về kinh doanh vàng mởi chỉ là một bước khá khiêm tốn. Tuy nhiên, vàng có thể được sử dụng như là phương tiện giao dịch thương mại nên có thể giúp Iran thoát khỏi những khó khăn do trừng phạt tài chính.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuần trước đã bác bỏ khuyến cáo và một nhà lập pháp cấp cao Iran đã loại bỏ khả năng đóng cửa cơ sở hạt nhân Fordow, gần thành phố linh thiêng Qom.

Với sự giằng co của cả phía phương Tây và quốc gia Hồi giáo Iran, vấn đề hạt nhân vẫn chưa có chìa khóa phù hợp để tháo gỡ bế tắc. Hai bên có thể lại đẩy vấn đề cho cuộc đàm phán trong tương lai, khi người kế nhiệm Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad lên nắm quyền sau bầu cử ở nước này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên