Đàm phán chi phí quân sự đổ vỡ: "Vết rạn" hiếm trong quan hệ Mỹ-Hàn
VOV.VN - Sự đổ vỡ này cho thấy bất đồng sâu sắc và hiếm thấy trong quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn liên quan đến việc chia sẻ chi phí quốc phòng.
Hôm nay (19/11), cuộc đàm phán về chi phí lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc giữa quan chức hai nước đã thất bại. Sự đổ vỡ này là bất đồng sâu sắc và hiếm thấy trong quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ, khi cả hai bên đều cho rằng phía còn lại không sẵn sàng tiến tới một thỏa hiệp hợp lý nhằm chia sẻ chi phí cho 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Ngày 19/11, cuộc đàm phán về chi phí lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc giữa quan chức hai nước đã thất bại. Ảnh: Reuters |
Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, quan điểm của phía Hàn Quốc là thỏa thuận phải nằm trong khuôn khổ của Thỏa thuận Những biện pháp Đặc biệt (SMA) được cả Mỹ và Hàn Quốc nhất trí trong suốt 28 năm qua. Trong mọi trường hợp, Hàn Quốc có kế hoạch làm hết sức mình để đảm bảo nước này sẽ chia sẻ công bằng ở mức chi phí hợp lý, góp phần củng cố liên minh Hàn-Mỹ và vị thế phòng thủ chung.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo giới, người đứng đầu đoàn đàm phán phía Mỹ James DeHart cho biết, Mỹ vẫn giữ lập trường chia sẻ chi phí quốc phòng nên được tăng đáng kể bằng việc thiết lập các điều khoản mới.
“Thật không may, khi những đề xuất của phía Hàn Quốc đưa ra đã không đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi về việc chia sẻ gánh nặng một cách công bằng. Do đó, chúng tôi rút khỏi cuộc đàm phán ngày hôm nay để cho phía Hàn Quốc có thời gian xem xét lại. Tôi hy vọng sẽ đưa ra các đề xuất mới cho phép cả hai bên cùng thực hiện một thỏa thuận mà cả hai bên chấp nhận theo tinh thần liên minh tuyệt vời giữa hai nước", ông DeHart nói.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc từ chối bình luận về “hạng mục mới” mà phía Mỹ đòi hỏi. Nhưng theo Yonhap, hạng mục này sẽ bao gồm chi phí nhân sự cho lính Mỹ tại Hàn Quốc, chi phí hỗ trợ quân nhân và các gia đình của họ, chi phí cho việc triển khai luân phiên lính Mỹ tại bán đảo Triều Tiên và chi phí đào tạo nước ngoài.
Vòng đàm phán mới diễn ra trong bối cảnh thời gian gần đây, Mỹ liên tục gia tăng áp lực để Hàn Quốc chấp nhận chia sẻ một phần chi phí lớn hơn cho lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) với khoảng 28.500 binh sĩ. Theo truyền thông Hàn Quốc, Mỹ yêu cầu Hàn Quốc góp gần 5 tỷ USD trong năm 2020 cho các khoản chi phí liên quan tới các hoạt động tập trận chung và để hỗ trợ thân nhân của các binh lính thuộc lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, gấp hơn 5 lần số tiền chính quyền Hàn Quốc đồng ý trả cho năm nay chỉ là 896 triệu USD.
Trong khi đó, luật pháp Hàn Quốc quy định, bất kỳ thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự nào cùng đều cần Quốc hội nước này thông qua. Các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết, họ sẽ “từ chối phê chuẩn bất kỳ kết quả nào vượt mức của các cuộc đàm phán hiện tại”, khi vượt khỏi nguyên tắc và cấu trúc đã được thiết lập bởi các bản thỏa thuận trước đó. Chính vì vậy, sự đổ vỡ trong cuộc đàm phán liên quan đến chia sẻ chi phí quốc phòng có thể khiến liên minh Mỹ - Hàn Quốc trở nên căng thẳng trong bối cảnh các nước đồng minh đang chỉ trích Mỹ đo lường “giá trị đồng minh” bằng tiền.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích sự đóng góp thiếu công bằng của đồng minh với chi phí quân sự. Mỹ được cho là sẽ bắt đầu quá trình đàm phán nhằm chia sẻ lại chi phí quốc phòng lần lượt với Nhật Bản, Đức và NATO trong năm 2020./.
Đối thoại chia sẻ chi phí quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc đổ vỡ