Hậu quả khi Mỹ lạm dụng “danh sách các nước tài trợ cho khủng bố”
VOV.VN - Theo giới phân tích, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách này mang tính biểu tượng hơn là thực chất.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Triều Tiên trở lại “danh sách các nước tài trợ cho khủng bố” thực chất chỉ tiếp nối hành động của các chính quyền trước là thao túng danh sách này vì nhiều lý do khác hơn là để chống khủng bố.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xem xét một thiết bị hạt nhân. (Ảnh: KCNA) |
Cả việc trước đây chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush rút Triều Tiên ra khỏi “danh sách các nước tài trợ cho khủng bố” năm 2008 lẫn việc gần đây ông Trump đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách đen này đều chẳng thể tạo ra bất cứ sự thay đổi nào trong hành vi của Triều Tiên liên quan đến vấn đề khủng bố.
Thế nào là “tài trợ cho khủng bố”?
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush trước đây đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách này trong một nỗ lực nhằm lay chuyển chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng, nhưng không thành công. Còn việc chính quyền của đương kim Tổng thống Trump đảo ngược động thái đó là nhằm gia tăng sức ép với Triều Tiên cũng vì những quan ngại tập trung vào vũ khí hạt nhân của nước này.
Một số lý lẽ đã được đưa ra cho động thái mới nhất của Tổng thống Trump, từ tiêu chí xác định đến quy chế áp dụng đối với nước bị coi là “tài trợ cho khủng bố”.
Một số người bảo vệ cho động thái này đã chỉ ra rằng, Triều Tiên có hành động “khủng bố quốc tế” từ 3 thập kỷ trước, chủ yếu nhằm vào Hàn Quốc. Cụ thể họ cho rằng, Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về vụ đánh bom ở Yangon năm 1983 làm một số thành viên nội các Hàn Quốc đang thăm Myanmar lúc đó thiệt mạng; hay việc Triều Tiên bị cáo buộc đánh bom một chuyến bay dân dụng của hãng hàng không Hàn Quốc (Korean Air) năm 1987 làm hơn 100 người thiệt mạng.
Nhưng những người phản đối quyết định của ông Trump cho rằng, kể từ đó đến thời gian gần đây, Triều Tiên không dính líu thêm vào cáo buộc “khủng bố” nào và Bình Nhưỡng cũng rất chú trọng vào đối ngoại để xây dựng hình ảnh, khôi phục uy tín trên chính trường quốc tế. Vì thế, Washington bị cho là thiếu cơ sở pháp lý cho bước đi của mình.
Một diễn biến gần đây được đưa ra làm cái cớ cho ông Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ cho khủng bố là vụ giết hại công dân Triều Tiên mang hộ chiếu tên Kim Chol, người được cho thực chất là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Vụ việc xảy ra vào tháng 2/2017 tại Malaysia hội tụ những yếu tố có thể bị coi là khủng bố quốc tế. Nhưng nếu nạn nhân đích thực là Kim Jong-nam thì vấn đề ở chỗ án mạng này lại chẳng liên quan đến bất cứ chiến dịch khủng bố nào ngoài gia đình của chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Những “nạn nhân” khác ngoài Triều Tiên
Nhiều nước khác cũng là đối tượng của việc Mỹ lạm dụng ‘danh sách các nước tài trợ cho khủng bố”.
Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng đưa Iraq khỏi danh sách các nước trài trợ cho khủng bố, một động thái ngả về phía Baghdad trong cuộc chiến Iran-Iraq. Nhưng sau đó cựu Tổng thống George W.H. Bush lại đưa Iraq trở lại “danh sách đen” khi cựu Tổng thống Saddam Hussein xâm lược Kuwait. Tuy nhiên, cả 2 nước cờ trên đều không liên quan đến việc thay đổi hành vi của Iraq liên quan đến khủng bố quốc tế.
Cuba cũng nằm trong danh sách này nhưng lý do thực chất là vì Mỹ phản đối sự cầm quyền của anh em chủ tịch Fidel Castro và Raul Castro chứ không phải vì Cuba dính líu đến khủng bố quốc tế. Cuba và Triều Tiên bác bỏ yêu cầu “đơn phương và tùy tiện” của Mỹ
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama được xem là đã có nỗ lực chân thành hơn bất cứ người tiền nhiệm nào khi cố gắng tôn trọng tiêu chí pháp lý trong việc lên “danh sách các nước tài trợ cho khủng bố”. Việc loại Cuba ra khỏi danh sách này, dù muộn màng, cũng là một trong những nỗ lực đó.
Chính quyền của ông Obama còn được cho là đã xem xét việc đưa Triều Tiên trở lại “danh sách đen” trên nhưng rút cuộc không hành động vì cho rằng không có cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc đó.
“Các chính quyền [ở Mỹ - ND] lạm dụng ‘danh sách các nước tài trợ cho khủng bố’ một cách tùy tiện chỉ để thể hiện sự phản đối một chế độ mà họ không thích”, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), giáo sư Paul R. Pillar bình luận trên trang National Interest.
Theo ông Pillar, sự tùy tiện này đã lấp liếm thực tế là mỗi một chế độ lại có “vấn đề” riêng, cần được xử lý theo những cách khác nhau. Chính việc làm mọi thứ trở nên mờ ảo bằng cách không phân biệt hành xử của mỗi nước bị Mỹ cho là “bất hảo” lại làm giảm khả năng Washington có thể dùng ngoại giao và những biện pháp khích lệ cẩn trọng khác để ngăn chặn những hành vi của các nước này liên quan đến khủng bố, vũ khí, hạt nhân...
Hậu quả lạm dụng danh sách đen
Lạm dụng “danh sách các nước tài trợ cho khủng bố”, theo giáo sư Pillar, cũng gửi đi thông điệp rằng nước Mỹ chẳng quan tâm lắm đến bản thân chủ nghĩa khủng bố. Nó làm giảm độ tin cậy của những nỗ lực thực sự chống khủng bố hiện nay.
Và hơn hết, sự lạm dụng đó cũng chẳng khuyến khích các nước trong danh sách đen phải tránh xa chủ nghĩa khủng bố quốc tế bởi đằng nào họ cũng bị Mỹ “hắt hủi” dù có thực sự đã hay có ý định dính líu đến các nhóm khủng bố.
Còn trong trường hợp cụ thể của Triều Tiên, động thái dù chủ mang tính biểu tượng này của Mỹ cũng nối dài thêm danh sách những “hành động gây hấn, thù địch” từ Washington và điều đó sẽ kích động Bình Nhưỡng có thêm những biện pháp đáp trả trên cả mặt trận truyền thông lẫn bằng các vụ thử vũ khí, bất chấp việc có thể phải đối mặt thêm với các lệnh trừng phạt bởi với họ thì việc bị liệt vào danh sách đen hay kìm kẹp kinh tế là “sự đã rồi”.
Thậm chí, việc bị liệt vào “danh sách đen” chỉ khuyến khích Triều Tiên đẩy nhanh chương trình hạt nhân của nước này, nhà phân tích thuộc Viện thống nhất bán đảo Triều Tiên (Korea Institute for National Unification) của Hàn Quốc, Hong Min, nhận định. Theo ông, Triều Tiên chỉ thấy rằng động thái này là bằng chứng cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump không thực sự quan tâm tới giải pháp ngoại giao.
Thực tế, Bình Nhưỡng vốn chẳng quan tâm lắm tới “danh sách các nước tài trợ cho khủng bố” suốt hàng chục năm qua và bây giờ càng phớt lờ hơn bởi năng lực của đất nước Triều Tiên của năm 2017 đã khác xa với năm 2008. Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un thể hiện rất rõ khát khao theo đuổi mục tiêu chế tạo tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân vươn tới lục địa Mỹ. Triều Tiên không ngại khẳng định rằng chương trình vũ khí hạt nhân của nước này “chỉ nhằm vào Mỹ” chứ không ai khác.
Một số chuyên gia Hàn Quốc tin rằng dù Washington có làm gì thì Bình Nhưỡng cũng không có ý định đàm phán về chương trình vũ khí cho tới khi hoàn thành được mục tiêu của họ, điều mà tình báo Seoul tin là sẽ xảy ra trong vòng vài năm tới. Theo Cheong Seong-chang, một nhà phân tích Viện nghiên cứu Sejong của Hàn Quốc, bằng chứng của sự “cứng rắn” này là việc Đặc phái viên Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, ông Tống Đào (Song Tao) cũng không được gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng kéo dài 4 ngày vừa kết thúc hôm qua (27/11).
Tuy nhiên, giáo sư Pillar chỉ ra rằng, không phải chỉ có một mình Tổng thống Donald Trump “nghèo nàn” trong suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề này. Động thái của ông về việc đưa Triều Tiên trở lại “danh sách các nước tài trợ cho khủng bố” chỉ cho thấy các chính quyền Mỹ đến nay vẫn thiếu cẩn trọng và sáng tạo trong cách đối phó với thách thức hạt nhân Triều Tiên./. Mỹ toan tính gì khi đưa Triều Tiên trở lại danh sách bảo trợ khủng bố?