Israel tranh cãi nội bộ về chiến dịch tấn công tổng lực vào Dải Gaza

VOV.VN - Trong 20 ngày kể từ sau cuộc tấn công của Hamas, Israel liên tiếp không kích vào Dải Gaza và binh sỹ nước này đã vào vị trí sẵn sàng cho một chiến dịch tổng lực trên bộ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo dường như vẫn còn bất đồng về những việc cần làm tiếp theo.

Quân đội Israel (IDF) đêm 25/10 đã điều xe tăng và bộ binh tiến công chớp nhoáng vào phía Bắc Dải Gaza, động thái thăm dò để chuẩn bị cho chiến dịch quy mô lớn. Đây là đợt tiến công bằng bộ binh lớn nhất của quân đội Israel vào Gaza kể từ khi xung đột nổ ra.

Sau cuộc tấn công “trong thời gian rất ngắn”, các binh sĩ Israel rời khỏi khu vực. IDF không công bố thiệt hại hoặc thương vong liên quan các bên tham chiến.

IDF từng điều bộ binh và xe tăng tiến vào Dải Gaza trong các đợt tiến công cục bộ nhằm tìm kiếm thông tin về những người bị Hamas bắt giữ và làm tiêu hao lực lượng đối phương. Tuy nhiên trên thực tế, đến thời điểm này Israel vẫn chưa triển khai tấn công tổng lực vào Dải Gaza. 

Theo các quan chức và sỹ quan cấp cao Israel, quân đội nước này đã tập trung ở biên giới với Gaza và sẵn sàng hành động, nhưng các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự đang chia rẽ về cách thức và thời điểm, thậm chí có nên tiến hành tấn công tổng lực vào dải đất này hay không.

Nội các Israel có nhiều ý kiến khác nhau

Một số quan chức trong chính phủ Israel cho rằng, chiến dịch trên bộ vào Gaza có thể đẩy quân đội nước này vào một trận chiến đô thị nhiều thách thức. Một số quan chức khác lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn, với sự vào cuộc của Hezbollah, lực lượng dân quân Lebanon liên minh với Hamas.

Ngoài ra còn có tranh luận về việc nên đổ bộ vào Gaza thông qua một chiến dịch lớn hay một loạt các chiến dịch nhỏ. Tiếp đó là câu hỏi về việc ai sẽ nắm quyền quản lý ở Gaza.

Danny Danon, một nhà lập pháp cấp cao của Likud, đảng cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cho biết: “Nội các hiện đang có những ý kiến ​​khác nhau. Một số người sẽ nói rằng chúng tôi phải bắt đầu – sau đó chúng tôi có thể nghĩ về giai đoạn tiếp theo. Nhưng chúng tôi với tư cách là người lãnh đạo, với tư cách là chính khách, chúng tôi phải đặt ra các mục tiêu và các mục tiêu đó phải rõ ràng chứ không thể mơ hồ”.

Sự xáo trộn đã lan khắp Israel kể từ khi lực lượng Hamas tràn vào khu vực phía Nam Israel, tấn công hơn 20 ngôi làng và các căn cứ quân sự trong sự bất ngờ của đội quân hùng mạnh nhất Trung Đông. “Cú sốc” này đã làm dấy lên nghi ngờ về cách ứng phó của Israel cũng như tranh luận về cách tốt nhất để phản ứng.

Chính phủ Israel đã nhanh chóng huy động khoảng 360.000 quân dự bị và triển khai lực lượng tới biên giới với Gaza. Các quan chức cấp cao cũng sớm tuyên bố về mục tiêu loại bỏ Hamas, khiến nhiều người cho rằng một chiến dịch trên bộ sắp xảy ra ở đó.

Nhưng gần ba tuần sau, chính phủ của Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa đồng ý, mặc dù quân đội nói rằng họ đã thực hiện một số cuộc đột kích nhanh qua biên giới và sẽ còn tiến hành nhiều hoạt động như vậy trong những ngày tới.

Mỹ đã kêu gọi Israel không nên vội vàng tiến hành tấn công trên bộ vào Gaza vì một số lý do. Những cân nhắc trong nước cũng đóng vai trò trong việc trì hoãn chiến dịch.

Mối lo ngại trước mắt là số phận của các con tin và các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian. Chính phủ Israel muốn có thêm thời gian để các cuộc đàm phán đạt được tiến triển và có thêm nhiều con tin được thả. Con số thiệt hại của chiến dịch cũng như ý nghĩa của việc tiêu diệt Hamas – lực lượng đã ăn sâu vào xã hội Gaza cũng là yếu tố cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Bất đồng giữa các lãnh đạo chính trị và quân sự

Nội bộ Israel hầu như thống nhất về việc cho phép có thêm thời gian đàm phán, nhưng có sự bất đồng giữa lãnh đạo quân đội và các quan chức trong chính phủ của Thủ tướng Netanyahu về việc phải làm gì nếu đàm phán thất bại.

Giới lãnh đạo quân sự đã hoàn tất kế hoạch tấn công, nhưng ông Netanyahu đã khiến họ tức giận khi từ chối chấp thuận, một phần vì ông muốn có sự đồng thuận từ các thành viên trong nội các chiến tranh mà ông thành lập sau vụ tấn công ngày 7/10.

Các nhà phân tích tin rằng ông Netanyahu cần phải thận trọng vì niềm tin của công chúng vào khả năng lãnh đạo của ông đang giảm sút.

Trong một phát biểu ngày 25/10, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh: “Chúng tôi đã đặt ra hai mục tiêu cho cuộc chiến này: Loại bỏ Hamas bằng cách phá hủy năng lực quản lý và quân sự của tổ chức này, đồng thời làm mọi cách có thể để đưa những người bị bắt giữ về nhà”.

Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ. Tôi sẽ không trình bày chi tiết khi nào, như thế nào hoặc bao nhiêu, hoặc những cân nhắc tổng thể mà chúng tôi đang xem xét, hầu hết trong số đó đều không được công chúng biết đến”.

Sự mơ hồ đã cho thấy có chia rẽ trong nội các về việc có nên tiến hành một chiến dịch tấn công toàn diện vào Gaza hay không. Một chiến dịch như vậy có thể khiến bộ binh phải lao vào trận chiến đô thị đầy thách thức với các chiến binh Hamas ẩn náu trong mạng lưới đường hầm dài hàng trăm km, đào sâu bên dưới lòng đất ở Gaza.

Trong khi đó, giới lãnh đạo quân sự lo ngại rằng các mục tiêu của Israel sẽ bị mờ nhạt nếu ông Netanyahu thực hiện lời hứa đồng thời tìm cách giải thoát tất cả các con tin và tiêu diệt Hamas. Hai quan chức quân sự cấp cao cho biết, mục tiêu đầu tiên đòi hỏi phải đàm phán và thích ứng với sự lãnh đạo của Hamas [ở Gaza], trong khi mục tiêu thứ hai yêu cầu tiêu diệt tổ chức này. Rất khó cân bằng hai mục tiêu này.

Một dấu hiệu khác cho thấy sự chia rẽ là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant hôm 26/10. Ông Gallant đã thẳng thừng từ chối mô tả việc giải cứu con tin là một trong những mục tiêu quân sự của Israel.

Điều gì đang chờ đợi Israel bên trong Dải Gaza?

VOV.VN - Khi lực lượng quân sự Israel được lệnh tiến vào Gaza để tiêu diệt các chiến binh Hamas, họ sẽ phải đối mặt với một trên chiến trường phức tạp. Dù cuối cùng Israel có thể giành chiến thắng, nhưng cái giá phải trả sẽ rất đắt trong một cuộc chiến đô thị.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tên lửa bắn vào một thành phố của Ai Cập giáp biên giới với Israel
Tên lửa bắn vào một thành phố của Ai Cập giáp biên giới với Israel

VOV.VN - Chính quyền Ai Cập đang tiến hành điều tra các chi tiết liên quan vụ việc một tên lửa rơi xuống thành phố Taba của nước này giáp với biên giới Israel và gây ra một số thiệt hại cho con người và cơ sở hạ tầng.

Tên lửa bắn vào một thành phố của Ai Cập giáp biên giới với Israel

Tên lửa bắn vào một thành phố của Ai Cập giáp biên giới với Israel

VOV.VN - Chính quyền Ai Cập đang tiến hành điều tra các chi tiết liên quan vụ việc một tên lửa rơi xuống thành phố Taba của nước này giáp với biên giới Israel và gây ra một số thiệt hại cho con người và cơ sở hạ tầng.

Những cạm bẫy nguy hiểm chờ đợi quân đội Israel khi tiến vào Gaza
Những cạm bẫy nguy hiểm chờ đợi quân đội Israel khi tiến vào Gaza

VOV.VN - Lực lượng Hồi giáo Hamas ở Gaza gần như chắc chắn đã lên kế hoạch kỹ lưỡng để nghênh đón một cuộc tấn công dữ dội trên bộ của Israel nhằm đáp trả việc Hamas tấn công bất ngờ và khốc liệt vào lãnh thổ Israel trước đó.

Những cạm bẫy nguy hiểm chờ đợi quân đội Israel khi tiến vào Gaza

Những cạm bẫy nguy hiểm chờ đợi quân đội Israel khi tiến vào Gaza

VOV.VN - Lực lượng Hồi giáo Hamas ở Gaza gần như chắc chắn đã lên kế hoạch kỹ lưỡng để nghênh đón một cuộc tấn công dữ dội trên bộ của Israel nhằm đáp trả việc Hamas tấn công bất ngờ và khốc liệt vào lãnh thổ Israel trước đó.

Israel yêu cầu Nga trục xuất phái đoàn Hamas
Israel yêu cầu Nga trục xuất phái đoàn Hamas

VOV.VN - Israel ngày 26/10 kêu gọi Nga trục xuất phái đoàn Hamas đang ở thăm Moscow, đồng thời gọi việc tiếp phái đoàn này là "hành động hỗ trợ khủng bố".

Israel yêu cầu Nga trục xuất phái đoàn Hamas

Israel yêu cầu Nga trục xuất phái đoàn Hamas

VOV.VN - Israel ngày 26/10 kêu gọi Nga trục xuất phái đoàn Hamas đang ở thăm Moscow, đồng thời gọi việc tiếp phái đoàn này là "hành động hỗ trợ khủng bố".