Macron - Le Pen: Hai tương lai khác biệt cho nước Pháp sau bầu cử
VOV.VN - Hai ứng cử viên Le Pen và Macron đang dốc sức thuyết phục cử tri Pháp trong hàng loạt vấn đề. Hai người có cương lĩnh tranh cử hoàn toàn khác nhau.
Chỉ còn 4 ngày nữa vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra. Hai ứng cử viên (ƯCV) là đương kim Tổng thống Pháp Emmnanuel Macron và nhân vật cực hữu Marine Le Pen đang thể hiện những nỗ lực thuyết phục cử tri Pháp với sự đối lập gần như tuyệt đối trong các vấn đề nóng bỏng nhất, từ sức mua, cải cách hưu trí, cuộc xung đột Ukraine cho đến vai trò của nước Pháp trong Liên minh châu Âu (EU), NATO và mối quan hệ với nước Nga.
“Cương lĩnh tranh cử của tôi và của bà Le Pen hoàn hoàn khác nhau” là câu trả lời được ƯCV đồng thời là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc lại nhiều lần kể từ khi bắt đầu vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp. Đáp lại, ƯCV cực hữu Marine Le Pen nhận định “sẽ là một cuộc đối đầu về ý tưởng bởi vì chúng tôi không có cùng một tầm nhìn về xã hội, về đất nước hay về nền kinh tế hiện nay”.
Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ƯCV này vào tối ngày 20/4 được nhận định mang tính chất quyết định. Chúng ta hãy cùng điểm qua những điểm khác biệt trong các nội dung dự kiến sẽ được đề cập tại cuộc tranh luận này.
Tăng cường sức mua - cuộc chiến quyết định
Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều tháng, sức mua vẫn là mối quan tâm đầu tiên của người Pháp, những người lo sợ cho ví tiền của mình khi đối mặt với mức lạm phát phi mã, giá cả leo thang, nhất là giá năng lượng và thực phẩm .
“Marine Le Pen đã biến sức mua trở thành xương sống của chiến dịch tranh cử và nó cộng hưởng với những gì đang diễn ra. Bà ấy đưa ra danh sách các biện pháp mà không đặt ra câu hỏi về tính khả thi về mặt pháp lý, về nguồn tài chính, và những điều đang ra gây tranh cãi”, Mathieu Plane, phó giám đốc bộ phận phân tích và dự báo của OFCE thuộc Trường Chính trị Paris (Sciences Po), nhận định. Đối với ƯCV cực hữu, biện pháp ưu tiên hàng đầu danh sách là việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 20% xuống còn 5,5% đối với giá điện, khí đốt và nhiên liệu, bãi bỏ thuế đối với 100 mặt hàng nhu yếu phẩm cơ bản cũng như muốn loại bỏ thuế thu nhập cho tất cả những người dưới 30 tuổi.
Khác với đối thủ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại hạn chế đưa ra các cam kết gây “sốc”, chủ yếu tập trung vào trợ cấp, bỏ qua đòn bẩy thuế được coi là tốn kém, không hiệu quả và nhắm đúng đối tượng cần nhất là những người có thu nhập thấp. Ông Macron chủ trương tiếp tục các biện pháp đã thực hiện trong nhiệm kỳ 5 năm qua, bắt đầu bằng khoản giảm thuế cho các hộ gia đình trị giá khoảng 25 tỷ euro, bên cạnh duy trì các chính sách hạn chế tăng giá điện ở mức 4%, “đóng băng” giá khí đốt hay mức hỗ trợ 15 xen cho mỗi lít nhiên liệu ít nhất cho đến tháng 7 tới. Hứa hẹn ấn tượng nhất từ người đứng đầu nước Pháp là về khoản tiền thưởng ứng trước không tính thuế lên đến 6.000 euro ngay từ mùa hè này. Về cơ bản, người đứng đầu nước Pháp khẳng định làm việc và cải thiện việc làm là cách tốt nhất để tăng sức mua, với mục tiêu đưa tỷ lệ thất nghiệp về ngưỡng lý tưởng dưới 5% vào năm 2027.
Cải cách hưu trí – chìa khoá bầu cử
Theo con số thống kê tại vòng 1, đương kim Tổng thống Pháp là người nhận được nhiều lá phiếu nhất từ các cử tri cao tuổi nhờ các cam kết mạnh mẽ về cải cách hưu trí, một dự án trọng tâm bị đánh giá là “thất hẹn” trong nhiệm kỳ 5 năm qua. Để lấy lòng cử tri, ông Emmanuel Macron chấp nhận điều chỉnh, nâng dần tuổi về hưu tối thiểu mỗi năm 4 tháng, để đạt mức 64 tuổi thay vì 65 tuổi như ban đầu. Theo nhật báo kinh tế Les Échos, dự án cải cách của ông Macron “mang tính duy lý” bởi nhờ nâng tuổi về hưu, nước Pháp sẽ tiết kiệm thêm được 13 đến 15 tỉ euro để có đủ tiền chi trả cho việc nâng mức tiền hưu tối thiểu lên 1.100 euro/tháng ngay từ mùa Hè này.
Các số liệu cho thấy, ngân sách công của Pháp hiện tiêu tốn khoảng 327,9 tỷ euro/năm cho quỹ lương hưu (bao gồm cả trợ cấp cho người cao tuổi không tự chủ, người tàn tật, chi phí an táng…), tương đương 13,5% GDP, cao hơn so với mức bình quân từ 9%-10% của các quốc gia láng giềng. Theo nhà kinh tế Antoine Bozio thuộc Đại học Kinh tế Paris cho biết “Cho đến năm 2030, ngân sách công của Pháp sẽ thâm hụt khoảng 7 tỷ euro/năm. Việc nâng cao độ tuổi giúp ngân sách có thể đạt được trạng thái cân bằng nhanh hơn”.
Ngược lại, dự án cải cách của bà Le Pen chủ yếu đánh vào “tình cảm” của cử tri. Nữ ƯCV cực hữu này chủ trương hạ độ tuổi về hưu chính thức từ 62 tuổi hiện nay xuống 60 tuổi, “tuổi hưu lý tưởng” đối với nhiều người Pháp thể hiện trong các cuộc thăm dò. Tuy nhiên, để được nghỉ hưu ở tuổi 60, người lao động Pháp sẽ cần phải làm việc đủ 40 năm, có nghĩa làm việc ít nhất từ năm 20 tuổi. Tờ Les Echos phân tích, ngày càng hiếm người thỏa mãn được đòi hỏi này, bởi những người có bằng cấp thấp thường có những giai đoạn thất nghiệp kéo dài, và những hợp đồng ngắn hạn. Vì vậy, tuổi về hưu thực tế như vậy chắc chắn sẽ phải cao hơn nhiều. “Ngân sách công sẽ tốn kém ít nhất gấp đôi con số khoảng 9,6 tỷ euro/năm mà bà Le Pen dự chi cho hồ sơ này. Ngoài ra, mục tiêu hạ tuổi về hưu để người trẻ đi làm sớm hơn nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp và gia tăng đóng góp xã hội của ƯCV này cũng là điều khó tin cậy”, nhà kinh tế Antoine Bozio nhận định.
Về châu Âu và vai trò của nước Pháp
ƯCV Marine Le Pen không còn muốn Pháp rời khỏi EU và khu vực đồng tiền chung (Eurozone) như năm 2017 nhưng sẽ cải tổ EU thành liên minh đa quốc gia dù chưa nói rõ được bản chất của khái niệm mới này gì. ƯCV cực hữu khẳng định luật lệ của mỗi quốc gia cần được xếp cao hơn luật lệ châu Âu, quan điểm mà theo góc nhìn của những người ủng hộ hội nhập châu Âu giống như “Frexit”. Minh chứng rõ nhất là tuyên bố của bà Le Pen về việc sẽ giảm phần đóng góp của Pháp cho ngân sách EU xuống còn 5 tỷ euro nếu trúng cử. Một điểm đáng chú ý nữa là bà Le Pen muốn đàm phán lại các điều khoản trong Hiệp ước tự do đi lại chung Schengen với chủ trương thiết lập lại việc kiểm soát các đường biên giới với mục tiêu ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp và kiểm soát vấn đề nhập cư.
Ông Emmanuel Macron luôn xác định châu Âu đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại trong 5 năm qua, cho rằng châu Âu bảo vệ Pháp khỏi các cuộc khủng hoảng và chiến tranh, cáo buộc đối thủ của ông muốn rời EU trong một cuộc "Frexit" mà không dám nói như vậy. Trong vòng 1 tuần qua, hơn một lần, người đứng đầu nước Pháp đã cuộc bầu cử này là một “cuộc trưng cầu dân ý về châu Âu”. Ưu tiên trên hết của ông Macron là cải cách hiệp ước Schengen nhằm tăng cường kiểm soát đường biên giới của EU với bên ngoài, đồng bộ các quy định về cư trú và tỵ nạn để giải quyết vấn đề nhập cư và đặc biệt là tăng quyền tự chủ chiến lược của châu Âu về quốc phòng với lực lượng phản ứng nhanh vào năm 2025.
Cuộc xung đột tại Ukraine và mối quan hệ với Nga
Cả ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đều được cho là ít nhiều có thiên hướng quan hệ gần gũi với nước Nga của Tổng thống Putin hơn các chính trị gia trong cùng khối EU.
Bà Le Pen phản đối việc đưa quân đội Pháp đến Ukraine và ủng hộ giải pháp ngoại giao dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc. Theo ƯCV này, việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Pháp và EU, làm giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng sức mua của người dân và khiến lạm phát tăng phi mã. “Bà Le Pen đang tìm cách viết lại lịch sử quan hệ với điện Kremlin”, chủ đề trang nhất của Les Echos ngày 13/4.
Thực tế, sau khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu (24/2), ƯCV cực hữu đã buộc phải điều chỉnh “khẩn cấp” thái độ thân thiện với người đứng đầu nước Nga trước đó, dù vẫn khẳng định cần phải nối lại quan hệ với nước Nga “một ngày nào đó”. “Xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn nữa giữa NATO và Nga để ngăn chặn việc nước Nga quá gần với Trung Quốc”, bà Le Pen nhấn mạnh.
Với việc nước Pháp giữ cương vị chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2022, ông Emmanuel Macron đã đóng một vai trò ngoại giao quan trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Điều này ban đầu có lợi cho ông trong các cuộc thăm dò dư luận nhưng cũng khiến ông không tập trung hoàn toàn cho cuộc bầu cử. Trong quan hệ với Nga, ông Macron chủ trương gia tăng các biện pháp trừng phạt tuỳ theo diễn biến tình hình, thể hiện cách nhìn thận trọng và ít “cực đoan” hơn so với Anh và Mỹ khi nói về Nga để duy trì cánh cửa đối thoại đưa hoà bình trở lại châu Âu. Người đứng đầu nước Pháp muốn thúc đẩy khái niệm chiến lược an ninh mới cho NATO sau sự kiện Ukraine.
Những mối bận tâm khác
Về khí hậu, ông Emmanuel Macron chủ trương sẽ đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, với mục tiêu tăng gấp 10 lần công suất điện mặt trời, lắp đặt mới 50 tổ hợp điện gió trên biển. Ngoài ra, Pháp sẽ đẩy nhanh gấp 2 lần tiến độ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trồng mới 140 triệu cây xanh từ nay đến 2030, trợ giá để các công dân có thể thuê các xe ô tô điện với giá ít hơn 100 euro mỗi tháng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tự tin sẽ giúp nước Pháp trở thành cường quốc đầu tiên trên thế giới từ bỏ được nguồn năng lượng hoá thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt, đồng thời chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân và năng lượng xanh. Trong khi đó, bà Marine Le Pen tuyên bố không tin tưởng vào các nguồn năng lượng tái tạo do không đảm bảo sự ổn định và sẽ cho phá bỏ các hệ thống điện gió ngay khi trúng cử.
Về nhập cư và an ninh, bà Marine Le Pen muốn một cuộc trưng cầu ý dân về nhập cư, với kế hoạch đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt để nhập cảnh vào Pháp và trở thành người Pháp. Theo một đề xuất gây nhiều tranh cãi có tên là Priorité nationale (Ưu tiên quốc gia), bà cũng muốn công dân Pháp được cung cấp nhà ở và các dịch vụ xã hội trước người nước ngoài. Ông Emmanuel Macron đã lên án "chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc, không phải là chủ nghĩa yêu nước" của Le Pen. Ông Macron chủ trương gia tăng biên chế lực lượng cảnh sát và hiến binh, tăng cường sự hiện diện trên đường phố để lập lại trật tự.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề phụ nữ Hồi giáo mang “Khăn trùm đầu”, bà Marine Le Pen muốn cấm và phạt tiền phụ nữ đội khăn trùm đầu ở những nơi công cộng trong khi ông Emmanuel Macron không có kế hoạch thay đổi và cho rằng đây là vấn đề nữ quyền.
Nước Pháp đang ở thời điểm quyết định khi đứng trước hai tương lai hoàn toàn khác biệt. “Hãy nhớ lại những gì công dân Anh, vài giờ trước Brexit, hoặc các cử tri Mỹ năm 2016, vài phút trước khi ông Trump được bầu, đã nói 'Tôi sẽ không đi'. Tôi có thể nói với bạn rằng ngày hôm sau họ đã hối hận vì đã không đi bỏ phiếu. Nếu bạn muốn tránh những điều không tưởng thì hãy tự mình lựa chọn”, Tổng thống Pháp sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron cảnh báo./.