Quan hệ giữa các đối thủ trong vùng Vịnh đang ấm lên?
VOV.VN - Mới đây Iran bày tỏ muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp với các nước vùng Vịnh như Saudi Arabia, Bahrain, UAE...
Hôm 2/5, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh vào tháng 6/2017, đại diện quan chức của Saudi Arabia và Bahrain mới tới Qatar để dự 1 hội nghị quốc tế, mang tên Đối thoại Hợp tác châu Á (ACB) lần thứ 16, diễn ra tại thủ đô Doha.
Bản đồ khu vực Vùng Vịnh. Ảnh: SlideShare. |
Cũng tại hội nghị này, đại diện của Iran – một trong những khởi nguồn của khủng hoảng vùng Vịnh, có mối quan hệ thân thiết với Qatar, đã lên tiếng muốn cải thiện quan hệ với tất cả các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm cả “kình địch” Saudi Arabia và các đồng minh của nước này.
Liệu đây có phải là 1 dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa các nước vùng Vịnh “bế tắc” bấy lâu nay sắp được giải quyết?
Từ lâu, Iran đã có mối quan hệ “không tốt” với Saudi Arabia – một “đầu tầu” tại vùng Vịnh. Năm 2016, hai nước này đã cắt đứt mối quan hệ ngoại giao khi những người Hồi giáo theo dòng Shiite, Iran đốt các cơ sở ngoại giao của Saudi Arabia tại nước này. Gần đây, truyền thông khu vực nhiều lần thông tin rằng, Saudi Arabia có thể bất chấp mối quan hệ thù địch với “kình địch” của Khối các quốc gia Arab, là Israel, chỉ vì mục đích muốn kiềm chế ảnh hưởng của Iran.
Thêm vào đó, những bất đồng, mâu thuẫn giữa 2 nhánh chính của đạo Hồi, là Sunni và Shiite, lại càng làm cho quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia thêm căng thẳng.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn, chỉ vì quan hệ thân Iran, Qatar đã bị 4 nước Arab và vùng Vịnh tẩy chay hồi tháng 6/2017.
Từ đó đến nay, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh giữa Qatar với 4 quốc gia Arab, đứng đầu là Saudi Arabia, vẫn chưa thể giải quyết bất chấp sự trung gian hòa giải của Kuwait (một quốc gia trung lập tại vùng Vịnh); hay Mỹ (1 cường quốc trên thế giới có mối quan hệ tốt với cả Qatar và Saudi Arabia).
Tuy nhiên, hôm qua, tại Qatar, đích thân Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, Iran đã có mối quan hệ cực kỳ tốt đẹp với các nước vùng Vịnh như Qatar cùng Kuwait và Oman. Và nước này hy vọng, cũng thiết lập được các mối quan hệ “tương tự” với Saudi Arabia, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ngoại trưởng Iran kỳ vọng các quốc gia thành viên Hội đồng Phát triển vùng Vịnh (GCC) có thể giải quyết các bất đồng một cách hòa bình. Và Tehran phản đối các biện pháp gây áp lực đối với Qatar của 4 nước Arab, coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Iran kêu gọi 1 mối quan hệ “hài hòa” trong khu vực. Trước đó, Iran đã nhiều lần kêu gọi tất cả các quốc gia Hồi giáo đoàn kết, để đối phó với các thách thức chung. Và Iran không phải là kẻ thù của họ. Tuy nhiên, lần này, Iran đã chỉ đích danh đối thủ Saudi Arabia - một quốc gia mà Tehran đang muốn cải thiện quan hệ. Do đó, tuyên bố này lập tức tốn nhiều “giấy, mực” của giới truyền thông khu vực.
Tuy nhiên, giới phân tích không có nhiều đánh giá “khả quan” cho mối quan hệ này. Bất đồng tôn giáo trong quá khứ; những lợi ích sống còn trong nhiều vấn đề của khu vực, như Syria, Yemen, thậm chí là cả Qatar, Iraq; hay mối quan hệ liên quan tới Mỹ vẫn là những rào cản lớn cho mối quan hệ đang “không mấy tốt đẹp” đang có giữa Iran – Saudi Arabia.
Đặc biệt, Saudi Arabia đang ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, tuyên bố sẵn sàng “bù lấp” khoảng trống “dầu mỏ” trên thị trường do các lệnh trừng phạt để lại. Điều này đã được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây xác nhận: “Saudi Arabia và UAE đã cam kết với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đảm bảo nguồn cung cấp dầu đủ cho thị trường và tôi tin rằng điều đó là hoàn toàn khả thi. Mỹ tin tưởng 2 quốc gia này sẽ có chính sách phù hợp cho các mục tiêu của họ.”
Thậm chí, trong trường hợp này, căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia còn có thể gia tăng thêm, bởi Iran, khi bị “dồn vào chân tường” nước này có thể đóng cửa eo biển Hormuz – điều có thể ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu dầu của Saudi Arabia - quốc gia đầu tầu tại tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC. Và lúc đó, 1 hành động quân sự đóng eo biển của Iran có thể sẽ bị đáp lại bằng 1 hành động quân sự từ Saudi Arabia./.