Sai lầm của phương Tây khiến Nga có thêm đòn bẩy trong chiến dịch tấn công Ukraine

VOV.VN - Giới phân tích cho rằng các nước phương Tây ủng hộ Ukraine dường như đang lặp lại sai lầm tương tự như năm 2023 khi đưa ra phản ứng trước những cuộc tấn công mới của Nga trong năm 2024.

Sai lầm của phương Tây

Ngay từ đầu năm 2024, Nga đã phát động một loạt cuộc tấn công mới bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào một loạt thành phố của Ukraine. Chiến dịch này đã được dự đoán từ lâu, nhưng các nước phương Tây ủng hộ Ukraine dường như đang lặp lại sai lầm tương tự như của năm 2023 khi đưa ra phản ứng, ông Keir Giles, nhà phân tích về Nga tại viện chính sách Chatham House (tổ chức phi chính phủ ở Anh) lưu ý.

Trong các cuộc tấn công của Nga vào mùa đông năm 2023, nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng, đặc biệt là mạng lưới điện của Ukraine, phương Tây đã tập trung vào nỗ lực thay thế cơ sở hạ tầng để giúp Kiev duy trì hệ thống năng lượng, phục vụ cho chiếu sáng và sưởi ấm. Năm nay, trọng tâm của Mỹ và châu Âu là cung cấp các hệ thống phòng không để bảo vệ tốt hơn không phận Ukraine.

Nhưng cả hai cách tiếp cận này chỉ mang tính chất phòng thủ và phản ứng, chứ không thể ngăn chặn tận gốc các cuộc tấn công của Nga. Theo nhà phân tích Keir Giles, Nga hiện không gặp nhiều bất lợi khi tiếp tục tấn công căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Đó là bởi vì phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng vẫn chưa thể quyết định họ cần phải làm gì để tác động đến lựa chọn của Nga. Nói cách khác, phương Tây dừng như đã chấp nhận “luật chơi” do Moscow đưa ra, ông Keir Giles lưu ý. Điều này có thể tạo cho Moscow một hành lang an toàn để tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa mà không phải chịu quá nhiều tổn thát.

Phương Tây có rất nhiều đòn bẩy, chẳng hạn như đưa ra cam kết cung cấp nhiều hơn các hệ thống vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu hoặc tên lửa tầm xa.

Về mặt kinh tế, họ có thể tịch thu tài sản của Nga bị đóng băng ở nước ngoài để bù đắp cho những tổn thất mà Ukraine phải gánh chịu sau hơn 2 năm xung đột. Những cam kết này có thể mang lại lợi thế cho Ukraine, nhưng đến thời điểm hiện tại Mỹ và châu Âu vẫn lưỡng lự, do lo ngại bị kéo vào một cuộc xung đột trực diện với Moscow.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần đưa ra cam kết hỗ trợ Ukraine, song đồng thời cũng bày tỏ rõ ràng về mối lo ngại đối đầu với Nga. Tổng thống Biden muốn Kiev đảm bảo chắc chắn rằng các loại vũ khí mà nước này cung cấp sẽ không được sử dụng để chống lại Nga.

Mỹ từng hy vọng các biện pháp không gây leo thang căng thẳng, chẳng hạn như biện pháp trừng phạt mạnh mẽ về kinh tế và sự thận trọng khi trang bị vũ khí cho Ukraine sẽ giải quyết được cuộc đối đầu chiến lược với Nga. Nhưng cách tiếp cận này dường như không đạt hiệu quả khi kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp quốc phòng. Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn có thể mua được nhiều linh kiện quan trọng cần thiết để sản xuất vũ khí, bằng cách nhập khẩu qua bên thứ ba.

Cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều đang gặp khó khăn trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine. Khoản tiền lên đến 60 tỷ USD mà Mỹ có kế hoạch phân bổ cho Ukraine vẫn chưa được Quốc hội nước này thông qua do tranh cãi về vấn đề nhập cư. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU đang bất đồng về khoản hỗ trợ tài chính hơn 50 tỷ USD, giúp duy trì hoạt động của Ukraine trong 4 năm tới, sau khi Hungary phủ quyết kế hoạch này vào tháng 12/2023. Sự bế tắc của phương Tây khiến giới lãnh đạo quân sự Ukraine không thể vạch ra các kế hoạch cụ thể vì không rõ họ sẽ nhận được những thiết bị quân sự nào để thực hiện.

Đã đến lúc Ukraine cần phải tự lực cánh sinh?

Trong khi nhiều nước thành viên NATO vẫn kiên định ủng hộ Ukraine, thì một số quốc gia khác đã phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc gửi thêm viện trợ quân sự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuần trước cho biết Washington sẽ không tiếp tục cung cấp cho Kiev sự hỗ trợ quân sự ở mức độ hiện có, đồng thời nói thêm rằng mục tiêu cuối cùng sẽ là giúp Ukraine “tự đứng trên đôi chân của mình và xây dựng nền tảng vững chắc với cơ sở công nghiệp và cơ sở quân sự riêng”.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cũng đã bác bỏ yêu cầu của chính quyền Biden về khoản viện trợ mới dành cho Ukraine. Một số người thậm chí cho rằng Ukraine nên hướng tới việc tham gia các cuộc đàm phán với Nga trong tương lai gần.

Cây bút Stavros Atlamazoglou của National Interest từng ví von, cuộc xung đột tại Ukraine giống như một trận bóng đá phải bước vào hiệp phụ. Cả hai bên đều cho thấy sự mệt mỏi và cần phải thay đổi nhân sự. Nhưng đến nay vẫn chưa bên nào đạt được bước đột phá đáng kể. Cuộc phản công thất bại của Ukraine đã mở đường cho quân đội Nga tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn. Trong khi Kiev buộc phải từ bỏ hoạt động tấn công và tập trung nguồn lực cho hoạt động phòng thủ.

Những bãi mìn dày đặc trải dài hàng trăm km của Nga, cùng chướng ngại vật chống tăng, pháo hạng nặng, máy bay không người lái và các cuộc không kích chiến thuật đã ngăn cản quân đội Ukraine tiến lên, khiến Kiev chỉ có thể đạt được một số thành công nhỏ ở phía Nam và xung quanh Bakhmut, tại khu vực Donbass.

Nhưng giới phân tích cho rằng, nỗ lực phòng thủ sâu rộng của Nga không phải lý do duy nhất khiến cuộc phản công của Ukraine không đạt được mục tiêu. Ngoài việc thiếu nhân lực và vũ khí, Ukraine được cho là thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, cũng như thời gian huấn luyện cho các đơn vị quá ít ỏi.

Theo nhà phân tích Stavros Atlamazoglou, để có thể thực hiện chiến dịch phản công tiếp theo trong năm 2024, Ukraine cần phải dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn để huấn luyện không chỉ lực lượng bộ binh mà còn cả các chỉ huy quân sự, đồng thời tập trung vào những hoạt động vũ trang kết hợp, kết nối các đơn vị cơ giới hóa, tác chiến điện tử và huy động sức mạnh không quân.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ukraine tuyên bố bắn hạ máy bay do thám và máy bay chỉ huy của Nga
Ukraine tuyên bố bắn hạ máy bay do thám và máy bay chỉ huy của Nga

VOV.VN - Ukraine ngày 15/1 cho biết không quân nước này đã phá hủy 1 máy bay do thám Beriev A-50 và máy bay ném bom Ilyushin Il-22 - được coi là trung tâm chỉ huy trên không của Nga.

Ukraine tuyên bố bắn hạ máy bay do thám và máy bay chỉ huy của Nga

Ukraine tuyên bố bắn hạ máy bay do thám và máy bay chỉ huy của Nga

VOV.VN - Ukraine ngày 15/1 cho biết không quân nước này đã phá hủy 1 máy bay do thám Beriev A-50 và máy bay ném bom Ilyushin Il-22 - được coi là trung tâm chỉ huy trên không của Nga.

Phương Tây tạm dừng "tiếp lửa" cho Ukraine, Nga chớp thời cơ giành lợi thế
Phương Tây tạm dừng "tiếp lửa" cho Ukraine, Nga chớp thời cơ giành lợi thế

VOV.VN - Khi cuộc chiến với Nga chuẩn bị bước sang năm thứ 3, các nhà lãnh đạo Ukraine dường như đang phải chiến đấu trên một mặt trận mới: thu hút và duy trì sự ủng hộ của phương Tây.

Phương Tây tạm dừng "tiếp lửa" cho Ukraine, Nga chớp thời cơ giành lợi thế

Phương Tây tạm dừng "tiếp lửa" cho Ukraine, Nga chớp thời cơ giành lợi thế

VOV.VN - Khi cuộc chiến với Nga chuẩn bị bước sang năm thứ 3, các nhà lãnh đạo Ukraine dường như đang phải chiến đấu trên một mặt trận mới: thu hút và duy trì sự ủng hộ của phương Tây.

Cận cảnh lính Nga thể hiện kỹ năng khai hỏa súng phóng lựu công phá mục tiêu
Cận cảnh lính Nga thể hiện kỹ năng khai hỏa súng phóng lựu công phá mục tiêu

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/1 công bố video cho thấy các lực lượng nước này tập trận với súng phóng lựu nhiệt áp Shmel RPO-A và súng phóng lựu chống tăng Mukha RPG-18 trong khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cận cảnh lính Nga thể hiện kỹ năng khai hỏa súng phóng lựu công phá mục tiêu

Cận cảnh lính Nga thể hiện kỹ năng khai hỏa súng phóng lựu công phá mục tiêu

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/1 công bố video cho thấy các lực lượng nước này tập trận với súng phóng lựu nhiệt áp Shmel RPO-A và súng phóng lựu chống tăng Mukha RPG-18 trong khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nga dội hỏa lực phá hủy cơ sở công nghiệp quốc phòng và hàng loạt vũ khí Ukraine
Nga dội hỏa lực phá hủy cơ sở công nghiệp quốc phòng và hàng loạt vũ khí Ukraine

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng nước này đã tấn công các cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine và phá hủy một loạt khí tài Ukraine do phương Tây viện trợ.

Nga dội hỏa lực phá hủy cơ sở công nghiệp quốc phòng và hàng loạt vũ khí Ukraine

Nga dội hỏa lực phá hủy cơ sở công nghiệp quốc phòng và hàng loạt vũ khí Ukraine

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng nước này đã tấn công các cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine và phá hủy một loạt khí tài Ukraine do phương Tây viện trợ.