Sinh viên “xoay” Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về chính sách xoay trục

VOV.VN - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken đã giải đáp thắc mắc của sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về chính sách xoay trục của Mỹ ở châu Á.

Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên năm thứ 1, khoa Ngôn ngữ, về việc liệu Mỹ có tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình tại châu Á- Thái Bình Dương hay không, ông Antony Blinken cho biết, Mỹ không chỉ tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực mà còn muốn tăng cường và thúc đẩy sự phát triển của khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

“Tái cân bằng ở châu Á”- là ưu tiên hàng đầu của Mỹ

Ông Blinken nhấn mạnh: “Đây chính là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry. Chúng tôi gọi đó là chính sách “Tái cân bằng”. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ dành thêm thời gian, sức lực và cả các nguồn lực khác ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương”.

Theo ông Blinken, Mỹ có nhiều lý do để làm điều này. Đầu tiên, Mỹ là một quốc gia thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Điều này không chỉ mang yếu tố lịch sử mà còn là nhân tố quan trọng định hình tương lai của nước Mỹ.

“Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có những quốc gia trẻ nhất và có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đây cũng là khu vực có những dân tộc sáng tạo nhất, có tính liên kết nhất và cởi mở nhất. Đây cũng là nơi mang đến tương lai tốt đẹp mà nước Mỹ muốn trở thành một phần của tương lai đó.

Chính vì thế, chúng tôi đã nỗ lực hết mình để thúc đẩy sự hiện diện cũng như các mối quan hệ của chúng tôi trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn hợp tác với từng quốc gia trong khu vực, trong đó có các đồng minh lâu đời của chúng tôi như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines cũng như với các đối tác mới như Việt Nam.

Chúng tôi muốn tăng cường các thiết chế trong khu vực như ASEAN, ASEM hay APEC bởi các thiết chế này giúp các quốc gia trong khu vực có thể “ngồi lại với nhau” để cùng trao đổi và hành động. Chúng tôi cũng thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc bởi đây là quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với tương lai trong khu vực.

Chúng tôi cũng muốn tạo ra những mối liên kết mới giúp gắn kết các quốc gia trong khu vực chặt chẽ hơn. Điều này đã giúp hình thành nên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nếu kết nối những nhân tố trên, bạn có thể nhận thấy một bức tranh tươi đẹp về mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia trong khu vực. Chính vì vậy, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng, Mỹ không chỉ hiện diện mà còn giúp khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn.

Một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho ông Blinken.

Khi được hỏi về tương lai chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ của mình vào cuối năm 2016, ông Blinken chia sẻ: “Trước khi lên nắm quyền tại Mỹ, trong chiến dịch tranh cử của mình, các ứng viên thường đưa ra những tuyên bố nhằm nhận được sự ủng hộ của các cử tri. Tuy nhiên, ngay khi nhậm chức, họ có thể nhận ra mọi thứ hoàn toàn khác với trước đó và đôi khi họ sẽ thay đổi quan điểm của mình”.

“Chính vì thế, tôi tin rằng, dù ai lên nắm quyền Tổng thống Mỹ năm 2017, họ cũng sẽ phải cân nhắc điều gì phù hợp nhất và đem lại nhiều lợi ích nhất cho Mỹ. Tôi muốn nói rằng, sẽ có những vấn đề đòi hỏi sự nhất quán. Tôi tin rằng, có một điều sẽ không thay đổi dù ai là Tổng thống mới đi chăng nữa, đó là Mỹ phải tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương bởi lợi ích ở đây là quá rõ ràng”, ông Blinken nói.

Mỹ không định kiềm chế “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc

Trước câu hỏi của một bạn sinh viên năm thứ 3 khoa Ngôn ngữ học về việc liệu chính sách “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Mỹ Barack Obama có nhằm kiềm chế Trung Quốc hay không, ông Blinken khẳng định, Mỹ hoàn toàn không có ý định kiềm chế “sự trỗi dậy” của Trung Quốc.

Không những vậy, Mỹ rất hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các thể chế quốc tế với tư cách là “một nước lớn có trách nhiệm”. Tuy nhiên, việc Trung Quốc trở thành “một quốc gia hàng đầu trên thế giới” cũng đi kèm rất nhiều trách nhiệm mà nước này phải gánh vác và Mỹ muốn đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ thực thi trách nhiệm của mình.

Ông Blinken nhận hoa từ đại diện trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Theo ông Blinken, khi một quốc gia “trỗi dậy” không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia khác cảm thấy lo lắng và tìm cách kiềm chế sự “trỗi dậy” của quốc gia này, đặc biệt là khi quốc gia đó hành xử ngược lại với những quy định của luật pháp quốc tế.

Khi quốc gia đó lợi dụng sức mạnh của một nước lớn hơn để áp đặt và can thiệp vào lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn, những nước này sẽ đoàn kết để chống lại nước lớn.

Điều này đã không xảy ra với Mỹ vì Mỹ hiểu rõ sự cần thiết phải thiết lập nên các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế và tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc và quy định này.

Ông Blinken bày tỏ hy vọng rằng: “Trung Quốc sẽ rút ra bài học từ những gì đã diễn ra trong lịch sử và hành xử giống như những gì Mỹ đã và đang làm là tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình thay vì dọa dẫm và đảm bảo quyền tự do đi lại ở Biển Đông. Nếu tìm cách làm ngược lại, Trung Quốc sẽ tự cô lập và dần dần họ sẽ nhận ra rằng, điều này chỉ làm sức mạnh của họ bị thu hẹp thay vì mở rộng ra”.

Quan hệ Việt-Mỹ “không phải vì những lợi ích tạm thời”

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên năm thứ 3 khoa Nghiên cứu Quốc tế về việc liệu Mỹ và Việt Nam có thể trở thành đối tác lâu dài hay không, ông Blinken khẳng định quan hệ Việt-Mỹ không phải là quan hệ “vì những lợi ích tạm thời”.

Đại diện Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (giữa) tặng quà cho Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Ossius (trái) và Thứ trưởng Blinken.

“Đó là mối quan hệ lâu dài dựa trên sự chia sẻ về các giá trị, tình hữu nghị và một tương lai chung. Chính vì thế, tôi rất tin tưởng vào một tương lai hợp tác lâu dài giữa hai bên.

Dù không ai có thể nói trước về tương lai cũng như khó có điều gì có thể tồn tại mãi mãi, nhưng khi nhìn vào mối quan hệ cũng như nền tảng mà chúng ta đã xây dựng cũng như những lợi ích và giá trị chung ngày càng lớn mạnh giữa 2 quốc gia tôi tin rằng, mối quan hệ này sẽ kéo dài rất lâu.

Tất nhiên, khi hợp tác với bất kỳ quốc gia nào, bạn cũng phải nghĩ đến lợi ích của dân tộc mình. Nhưng tôi cho rằng, có những thứ còn quan trọng hơn thế. Đó chính là mối quan hệ bền chặt được thiết lập lên từ rất nhiều người Mỹ gốc Việt.

Tôi rất mong muốn có thêm nhiều sinh viên Việt Nam đến Mỹ học tập và nhiều bạn trẻ Mỹ đến Việt Nam để tìm hiểu về đất nước này để hiểu nhau hơn và xây dựng lên mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Nếu có thể làm được điều này, mối quan hệ giữa hai bên sẽ ngày càng bền vững hơn.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng trấn an của một bạn sinh viên năm thứ 1 khoa Báo chí về khả năng hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam khi hai quốc gia còn “quá nhiều khác biệt”.

Ông Blinken thừa nhận: “Mỹ và Việt Nam có nhiều khác biệt về triết lý sống, quan điểm, chế độ chính trị, lịch sử, văn hóa và truyền thống. Thậm chí cả hai nước đã từng trải qua những thời điểm hết sức khó khăn trong quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta đều rất tôn trọng sự khác biệt này. Đây là một nhân tố rất quan trọng để duy trì mối quan hệ giữa hai bên.

Mặc dù vậy, khi có mặt tại đây [Hội trường lớn Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-ND] ngày hôm nay, tôi nhận thấy những sự khác biệt này không những không đẩy chúng ta xa nhau mà còn giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thứ trưởng Mỹ Blinken: Mỹ-Việt Nam từ cựu thù sẽ thành đối tác tốt
Thứ trưởng Mỹ Blinken: Mỹ-Việt Nam từ cựu thù sẽ thành đối tác tốt

VOV.VN - Chuyến thăm Việt Nam tháng 5 tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama là minh chứng cho việc Mỹ và Việt Nam hoàn toàn có thể từ cựu thù thành đối tác tốt.

Thứ trưởng Mỹ Blinken: Mỹ-Việt Nam từ cựu thù sẽ thành đối tác tốt

Thứ trưởng Mỹ Blinken: Mỹ-Việt Nam từ cựu thù sẽ thành đối tác tốt

VOV.VN - Chuyến thăm Việt Nam tháng 5 tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama là minh chứng cho việc Mỹ và Việt Nam hoàn toàn có thể từ cựu thù thành đối tác tốt.

Mỹ-Việt Nam chia sẻ lợi ích trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông
Mỹ-Việt Nam chia sẻ lợi ích trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông

VOV.VN - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Mỹ và Việt Nam chia sẻ lợi ích chung trong việc bảo đảm an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Mỹ-Việt Nam chia sẻ lợi ích trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông

Mỹ-Việt Nam chia sẻ lợi ích trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông

VOV.VN - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Mỹ và Việt Nam chia sẻ lợi ích chung trong việc bảo đảm an ninh và ổn định ở Biển Đông.