Tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, NATO sẽ phản ứng thế nào?

VOV.VN - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nỗ lực tìm một phản ứng phù hợp sau vụ tên lửa rơi vào ngôi làng Przewodow của Ba Lan, cách biên giới Ukraine 6km, khiến 2 người thiệt mạng vào ngày 15/11.

Hiện chưa rõ nguồn gốc của các tên lửa này, song chúng rơi xuống lãnh thổ Ba Lan gần như trùng thời điểm Nga tập kích tên lửa vào miền Tây Ukraine và nhiều khu vực khác. Bộ Ngoại giao Ba Lan cho rằng, đây tên lửa do Nga sản xuất, đông thời triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng an ninh quốc gia và đặt quân đội trong tình trạng báo động cao.

Các nước Baltic cũng trong tình trạng cảnh giác cao độ và nhanh chóng thảo luận về việc kích hoạt Điều 4 của Hiệp ước NATO. Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho rằng: “Mỗi cm lãnh thổ của NATO cần được bảo vệ”, còn Bộ Ngoại giao Estonia tuyên bố, nước này “sẵn sàng bảo vệ từng tấc đấc của NATO”. Đây không phải lần đầu tiên các nước láng giềng của Ukraine vướng vào làn đạn của cuộc cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trước đó, một số khu vực ở Moldova cũng từng bị mảnh vỡ tên lửa rơi trúng và bị mất điện.

Không có bằng chứng nào cho thấy Moscow có ý định bắn tên lửa vượt qua biên giới vào lãnh thổ Ba Lan. Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc có liên quan, cho rằng việc truyền thông và giới chức Ba Lan cáo buộc tên lửa Nga rơi xuống làng Przewodow là “một hành động khiêu khích có chủ ý nhằm leo thang căng thẳng” và khẳng định "không có mục tiêu nào gần biên giới Ukraine-Ba Lan bị vũ khí Nga tấn công".

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về nguồn gốc và lý do khiến tên lửa rơi xuống khu vực Przewodo. Hiện Mỹ đang xác định xem đây là liệu có phải cuộc tấn công có chủ ý của Nga nhằm vào Ba Lan, hay chỉ là một vụ tai nạn. Một số nhà phân tích cho rằng đây có thể là kết quả của việc một tên lửa bị đánh chặn giữa không trung và vô tình rơi xuống lãnh thổ Ba Lan. Quá trình xác định chính xác nguồn gốc của tên lửa, trong đó có xem xét các thông tin trên mảnh vỡ tên lửa, được yêu cầu phải thực hiện nhanh chóng để Ba Lan và NATO sớm đưa ra phản ứng.

Một nguyên tắc quan trọng có khả năng định hướng phản ứng của Ba Lan nói riêng và NATO nói chung là “tính tương xứng”. Chính phủ Ba Lan sẽ tham vấn ý kiến của họ với các đồng minh. NATO cũng sẽ tiến hành các cuộc thảo luận nội bộ và tham vấn với lãnh đạo các nước thành viên, trong đó có Mỹ.

Phản ứng của NATO

Một cuộc tấn công của Nga vào Ba Lan, nếu xảy ra sẽ được coi là cuộc tấn công vào lãnh thổ NATO và trở thành cơ sở để Ba Lan yêu cầu hỗ trợ quân sự theo điều 5 của liên minh, về cơ bản, tạo ra một kịch bản xấu nhất mà nhiều người đã lo sợ kể từ khi giao tranh Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, đó là cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và 30 nước thành viên NATO.

Điều 5 quy định rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một/một số thành viên của liên minh đều bị coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh, và tất cả thành viên còn lại sẽ hỗ trợ ngay cho thành viên bị tấn công.

Một kịch bản khác khả thi hơn là việc Ba Lan viện dẫn Điều 4 của Hiệp ước NATO. Theo Điều 4, các nước thành viên sẽ tham vấn cùng nhau bất cứ khi nào một trong các bên cho rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của một thành viên trong liên minh bị đe dọa.

Tuy nhiên, Ba Lan không thể đơn phương kích hoạt Điều 4 hoặc Điều 5. Mỹ và các quốc gia NATO khác có thể khuyến khích Warsaw tìm kiếm những lựa chọn thay thế, đặc biệt nếu vụ phóng tên lửa không phải là hành động có chủ ý. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thiết lập các chính sách cụ thể về Ukraine để tránh leo thang trong vòng xoáy đối đầu với Nga.

Chuyên gia Stacie Pettyjohn - thành viên cấp cao và Giám đốc Chương trình Quốc phòng tại Trung tâm An ninh mới (CNAS) của Mỹ có trụ sở tại Washington cho rằng: “Theo những báo cáo ban đầu, sự việc vẫn còn rất mơ hồ. Có vẻ đây chỉ là một tai nạn. Nhiều khả năng một số tên lửa đất đối không mà Nga sử dụng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất tại Ukraine, vì sự cố nào đó đã đi lạc sang lãnh thổ Ba Lan. Tôi cho rằng, chính quyền Biden sẽ tìm cách giảm leo thang nhưng vẫn đưa ra cảnh báo cứng rắn với Nga, đồng thời thực hiện các bước đi để trấn an Ba Lan và những nước thành viên khác trong NATO”.

Cùng chung quan điểm này, Jim Townsend, cựu quan chức Lầu Năm Góc, đồng thời cũng là thành viên của CNAS nhận định: “NATO chắc chắn phải tiến hành điều tra vụ việc kỹ lưỡng, gần giống như việc một công tố viên từng bước lập hồ sơ vụ án. Họ sẽ phải rất thận trọng nếu như không muốn mắc phải sai lầm”.

Cả hai chuyên gia của CNAS đều dự đoán, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của châu Âu có thể đầu tư gấp đôi cho hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc tìm cách triển khai thêm nhiều khí tài quân sự đến sườn Đông NATO.

“NATO sẽ nhận thấy sự cần thiết phải có thêm hệ thống phòng thủ tên lửa. Hiện tại, Ba Lan chỉ có một vài hệ thống phòng không Patriot và nước này cho biết họ muốn mua thêm 6 hệ thống nữa”, nhà phân tích Pettyjohn lưu ý.

Bên cạnh đó, NATO cũng có thể đẩy nhanh việc cung cấp các hệ thống phòng thủ tiên tiến cho Ukraine. Vụ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden công bố kế hoạch yêu cầu Quốc hội cung cấp gói viện trợ mới 37,7 tỷ USD cho Ukraine, dự kiến phân bổ trong năm tài chính 2023. Trong đó có 21,7 tỷ USD dành cho việc “mua trang thiết bị để cung cấp cho Ukraine, bổ sung kho dự trữ vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ và hỗ trợ các hoạt động quân sự, tình báo…”. Không riêng Mỹ, Ba Lan cũng là một nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Ukraine và nước này có thể tăng cường chuyển giao pháo binh, xe bọc thép.

Tuy vậy, NATO có thể vẫn ngần ngại cung cấp những vũ khí mà Ukraine cho là quan trọng và cần thiết hơn như máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa hay xe tăng chiến đấu chủ lực. Và cũng không có khả năng liên minh quân sự này muốn sử dụng vụ phóng tên lửa vào lãnh thổ Ba Lan như một cái cớ để mở rộng cuộc xung đột Nga-Ukraine./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Liên Hợp Quốc quan ngại về báo cáo vụ rơi tên lửa xuống lãnh thổ Ba Lan
Liên Hợp Quốc quan ngại về báo cáo vụ rơi tên lửa xuống lãnh thổ Ba Lan

VOV.VN - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về các báo cáo xoay quanh vụ rơi tên lửa ở Ba Lan và kêu gọi các bên không làm leo thang xung đột ở Ukraine.

Liên Hợp Quốc quan ngại về báo cáo vụ rơi tên lửa xuống lãnh thổ Ba Lan

Liên Hợp Quốc quan ngại về báo cáo vụ rơi tên lửa xuống lãnh thổ Ba Lan

VOV.VN - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về các báo cáo xoay quanh vụ rơi tên lửa ở Ba Lan và kêu gọi các bên không làm leo thang xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Biden: Tên lửa rơi ở Ba Lan "không chắc" được bắn từ Nga
Tổng thống Mỹ Biden: Tên lửa rơi ở Ba Lan "không chắc" được bắn từ Nga

VOV.VN - Lãnh đạo các nước G7 và NATO đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) đã tiến hành họp khẩn sau thông tin về vụ nổ tại một ngôi làng của Ba Lan, gần biên giới với Ukraine làm 2 người thiệt mạng.

Tổng thống Mỹ Biden: Tên lửa rơi ở Ba Lan "không chắc" được bắn từ Nga

Tổng thống Mỹ Biden: Tên lửa rơi ở Ba Lan "không chắc" được bắn từ Nga

VOV.VN - Lãnh đạo các nước G7 và NATO đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) đã tiến hành họp khẩn sau thông tin về vụ nổ tại một ngôi làng của Ba Lan, gần biên giới với Ukraine làm 2 người thiệt mạng.

Ba Lan cáo buộc tên lửa do Nga sản xuất rơi vào lãnh thổ làm 2 người thiệt mạng
Ba Lan cáo buộc tên lửa do Nga sản xuất rơi vào lãnh thổ làm 2 người thiệt mạng

VOV.VN - Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết, tên lửa do Nga sản xuất đã rơi vào một ngôi làng sát biên giới với Ukraine vào lúc 15h40 phút ngày 15/11 (tức 1h40 phút, giờ Hà Nội). Hậu quả của vụ việc khiến 2 thường dân tại đây thiệt mạng.

Ba Lan cáo buộc tên lửa do Nga sản xuất rơi vào lãnh thổ làm 2 người thiệt mạng

Ba Lan cáo buộc tên lửa do Nga sản xuất rơi vào lãnh thổ làm 2 người thiệt mạng

VOV.VN - Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết, tên lửa do Nga sản xuất đã rơi vào một ngôi làng sát biên giới với Ukraine vào lúc 15h40 phút ngày 15/11 (tức 1h40 phút, giờ Hà Nội). Hậu quả của vụ việc khiến 2 thường dân tại đây thiệt mạng.