Thế giới 24h: Phi công chuyến bay GE222 đưa 48 hành khách tới chỗ chết
VOV.VN - Lỗi của các phi công được cho là nguyên nhân chính dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc của hãng hàng không TransAsia.
1. AFP dẫn báo cáo của Hội đồng an toàn hàng không Đài Loan (Trung Quốc) hôm qua cho biết, lỗi của phi công bao gồm mệt mỏi và không tuân theo các hướng dẫn an toàn là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc của hãng hàng không TransAsia hồi tháng 7/2014.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của TransAsia hồi năm 2014. (Ảnh: Reuters) |
Theo đó, các phi công trên chuyến bay mang số hiệu GE222 đã điều khiển máy bay bay quá thấp để hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế do cơn bão Matmo gây ra.
Báo cáo nêu rõ: “Một chiếc máy bay đang được an toàn với sự kiểm soát của phi hành đoàn đã bay vào địa hình phức tạp chỉ vì nhận thức hạn chế của các phi công. Họ không thể trực tiếp quan sát đường băng, điều này là trái với quy trình vận hành tiêu chuẩn”.
Theo quy định an toàn bay, các phi công được yêu cầu để duy trì độ cao khi máy bay do họ điều khiển xuống đến độ cao 100m, tuy nhiên, trong trường hợp này, GE222 lại tiếp tục hạ độ cao.
Giám đốc Hội đồng an toàn hàng không Đài Loan Thomas Wang khẳng định: “Chúng tôi đã phát hiện ra rằng các phi công đã không tuân thủ quy trình thao tác chuẩn”.
Dữ liệu phân tích hai hộp đen của GE222 cho thấy, trong khi liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu, các phi công trên chuyến bay này đã hai lần trả lời “không” khi được hỏi có thể quan sát thấy đường băng hay không.
Chiếc máy bay gặp nạn mang số hiệu GE222 là loại máy bay thuộc dòng ATR-72. Vào thời điểm gặp nạn, GE222 đang trong lộ trình từ thành phố cảng Cao Hùng ở miền Nam Đài Loan tới một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Bành Hồ, trên chiếc máy bay này có 54 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn. Thảm họa hàng không tồi tệ nhất tại Đài Loan trong 10 năm trở lại đây đã khiến 48 người thiệt mạng, trong đó có 2 công dân Pháp.
Vụ tai nạn máy bay TranAsia: Đã tìm thấy 2 hộp đen và thi thể phi công
2. New York Times dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho biết, nhà chức trách nước này sẽ không không bố 22 bức thư điện tử của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vì những bức thư này có chứa những thông tin “tối mật”, được phân loại ở mức bảo mật cao nhất của Chính phủ Mỹ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: Getty) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, 37 trang tài liệu trong thư cá nhân của bà Clinton chưa được đánh dấu phân loại vào thời điểm được gửi đi, song hiện đã được nâng cấp lên mức “tối mật” vì chúng bao gồm nhiều thông tin nhạy cảm.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ cho biết, cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng, an ninh quốc gia của Mỹ sẽ bị “phương hại nghiêm trọng” nếu các lá thư nói trên được công bố trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Theo AP, 37 trang tài liệu trong thư cá nhân của bà Hillary được coi là tối mật do liên quan đến “những chương trình truy cập đặc biệt”, bao gồm kế hoạch triển khai các cuộc tấn công sử dụng máy bay không người lái, hay chương trình nghe lén.
Vấn đề bà Hillary Clinton sử dụng hòm thư điện tử cá nhân trong thời gian giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ khiến ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ này đối mặt với nhiều rắc rối và chỉ trích, đặc biệt từ phía các đối thủ Cộng hòa.
Dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ công bố một phần trong số 7.000 trang email của bà Hillary. Tuy nhiên, 37 trang email thông tin “tối mật” chắc chắn sẽ không nằm trong số đó.
Học giả Nga dự đoán bà Hillary Clinton đắc cử Tổng thống Mỹ
3. Trang tin RT dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hôm qua cho biết, Pháp sẽ công nhận Nhà nước Palestine nếu các nỗ lực ngoại giao của Paris trong những tuần tới không phá vỡ được bế tắc giữa Israel và Palestine.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius. (Ảnh: Reuters) |
“Nếu nỗ lực để cố gắng đạt được một giải pháp dựa trên cơ sở thương lượng không đạt được, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm và công nhận Nhà nước Palestine”, ông Fabius nói.
Ngoại trưởng Fabius cho biết, là 1 trong 5 nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Pháp có nhiệm vụ duy trì nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine.
Ông Fabius nói: “Pháp sẽ tham gia công tác chuẩn bị cho một hội nghị quốc tế trong những tuần tới nhằm nhóm họp các bên và những đối tác chính gồm Mỹ, châu Âu và các nước Arab, để đảm bảo việc thực hiện giải pháp hai nhà nước”.
Ngoại trưởng Pháp bày tỏ hy vọng rằng, Hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế này sẽ có sự tham gia của đại diện Israel và Palestine - hai bên vốn không có cuộc tiếp xúc nào kể từ năm 2014.
Ông Fabius cũng bày tỏ lấy làm tiếc vì phía Israel vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây; đồng thời cho rằng, các bên không nên có động thái làm ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện giải pháp hai nhà nước.
Ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp, một quan chức giấu tên của Israel đã trả lời tờ Haaretz khẳng định, sẽ bác bỏ bất kỳ sáng kiến nào của Pháp về tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Palestine.
Ở chiều ngược lại, Palestine đã ra thông báo hoan nghênh lời kêu gọi của Pháp về một sự can dự nghiêm túc của cộng đồng quốc tế hướng tới việc “chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và công nhận đầy đủ một nhà nước Palestine tự do, độc lập và chủ quyền trên các đường biên giới năm 1967”.
Thủ tướng Israel: Chưa thể thành lập nhà nước Palestine độc lập
4. Chính phủ Hà Lan hôm qua tuyên bố, nước này sẽ tăng cường vai trò trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó có việc tiến hành các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu của IS tại Syria.
Các máy bay chiến đấu của Hà Lan đã sẵn sàng tấn công IS ở Syria. (Ảnh: EPA) |
Phát biểu trong cuộc họp báo tại thành phố La Hay, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nêu rõ, các máy bay chiến đấu của nước này sẽ tiến hành không kích vào các cứ điểm và trại huấn luyện của IS tại Syria cho tới ngày 1/7 tới.
Theo ông Mark Rutte, quyết định nêu trên được đưa ra sau khi các đồng minh như Pháp và Anh kêu gọi Hà Lan mở rộng hoạt động của các máy chiến đấu F-16 tới miền đông Syria, nhằm cắt đứt các tuyến đường cung ứng và làm suy yếu khả năng chiến đấu của IS.
Thủ tướng Hà Lan cho biết thêm, nước này đang xem xét khả năng cung cấp trang thiết bị quân sự và triển khai lực lượng đào tạo binh sỹ Iraq trong cuộc chiến chống IS, cũng như cân nhắc việc hỗ trợ phe đối lập ôn hòa tại Syria tham gia công cuộc tái thiết các trường học, bệnh viện tại quốc gia này.
Hà Lan đã triển khai một phi đội gồm 6 máy bay chiến đấu F-16 tại khu vực Trung Đông, nhưng tới nay chỉ giới hạn hoạt động không kích nhằm vào cứ điểm của IS tại Iraq.
Mỹ thừa nhận không kích IS khiến hàng chục dân thường thương vong
5. Cơ quan Y tế cồng đồng Canada hôm qua xác nhận, 4 người Canada đã bị nhiễm virus Zika - bệnh gây dị tật ở đầu của trẻ nhỏ sau khi đi du lịch đến các nước có dịch này.
Muỗi Aedus là tác nhân lây truyền virus Zika. (Ảnh: NBC News) |
Phát biểu với báo giới, ông Gregory Taylor, đại diện Cơ quan Y tế cồng đồng Canada cho biết, “cho đến nay đã có bốn trường hợp tại Canada nhiễm virus Zika. 2 người nhiễm bệnh ở tỉnh British Columbia, 1 ở Alberta và 1 ở Quebec. Tất cả họ nhiễm bệnh sau khi đi du lịch đến các quốc gia có dịch Zika”.
Được phát hiện đầu tiên ở những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947, virus Zika lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Bệnh sẽ kéo dài từ 4-7 ngày.
Dịch bệnh do virus Zika bùng phát vào cuối tháng 5/2015, từ đó lan rộng ra hàng chục vùng lãnh thổ và quốc gia chủ yếu là ở châu Mỹ.
Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca nhiễm virus Zika có thể tăng đến 4 triệu ca. Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới Margaret Chan nhấn mạnh, diễn biến hiện nay của dịch Zika khó lường trước được. Hiện chưa có thuốc điều trị bệnh do virus Zika gây ra. Giới chức y tế Mỹ cũng cảnh báo việc điều chế vaccine để khống chế virus này phải mất nhiều năm./.