Đừng làm doanh nghiệp...sợ
VOV.VN -Vụ việc Con Cưng rồi sẽ được làm rõ, làm “đến nơi đến chốn”, đảm bảo công bằng cho cả hai phía: doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình - Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia - yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra lại quy trình công tác của lực lượng quản lý thị trường trong vụ việc kiểm tra hàng hoá của Công ty cổ phần Con Cưng, nhất là việc tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin, đồng thời xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm điểm, xử lý theo quy định.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình - Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia - yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra lại quy trình công tác của lực lượng quản lý thị trường trong vụ việc kiểm tra hàng hoá của Công ty cổ phần Con Cưng. (Ảnh: KT) |
Đã từ lâu, hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn là “ác mộng” với doanh nghiệp, bởi vài ngày trước và trong khi kiểm tra, doanh nghiệp sẽ phải dứt hẳn 2 - 3 người phục vụ công tác kiểm tra, kéo theo hàng loạt chi phí khó gọi tên khác. Với tần suất thanh tra kiểm tra dày đặc của nhiều ngành khác nhau, thời gian, công sức và chi phí của doanh nghiệp bỏ ra sẽ rất lớn. Đó là chưa kể nếu thông tin bất lợi được tung ra khi chưa có kết luận cuối cùng, thì thiệt hại của doanh nghiệp sẽ là khó đo đếm được, mà vụ Con Cưng là ví dụ điển hình.
Trước những lo ngại ấy của doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, chuyên gia kinh tế độc lập và cả các viện nghiên cứu kinh tế trực thuộc các Bộ, ban ngành cũng đề nghị giảm các đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm tra chuyên ngành…để không tạo nên sức ép tâm lý đối với doanh nghiệp, đồng thời đề xuất: nếu có kiểm tra thì nên tập trung tất cả các cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra 1 đến 2 lần/năm, giúp chỉ ra những việc doanh nghiệp chưa làm đúng và hướng hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Lắng nghe những kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Chỉ thị nêu rõ: không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp, đồng thời xử lý đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Tuy nhiên, cho đến giờ, “ác mộng” thanh tra, kiểm tra vẫn đang ám ảnh doanh nghiệp.
Cùng với nỗi ám ảnh về hoạt động thanh tra kiểm tra, doanh nghiệp còn một nỗi sợ khác, đó là thông tin về doanh nghiệp, về ngành hàng không đầy đủ, chưa chính xác. Dư luận đã hàng chục lần chứng kiến những thông tin chưa chính xác của các hiệp hội, cơ quan quản lý như nước tương chứa chất gây ung thư, nước mắm truyền thống chứa thạch tín, cà phê trộn pin... gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cả một ngành hàng và khiến hàng nghìn con người điêu đứng.
Những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học ấy còn khiến hàng hóa Việt Nam khó tiêu thụ trên thị trường thế giới. Cho dù sau đó có được đính chính, thì thiệt hại của nhà sản xuất, kinh doanh, của ngành hàng cũng đã không đo đếm nổi. Uy tín của doanh nghiệp cũng phải rất lâu nữa mới mong hồi phục.
Chính phủ hết sức nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với mong muốn thu hút nguồn lực trong nước, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Thế nhưng, ở bên dưới, những hoạt động của một số cơ quan quản lý các cấp, một số hiệp hội ngành hàng lại đang khiến cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh không dám lớn mạnh, vì “sợ”, vì cảnh “trên đe dưới búa”.
Xin đừng vì những lợi ích trước mắt của một nhóm mà kéo chậm lại những nỗ lực của Chính phủ, bởi nếu không có lực lượng doanh nghiệp lớn mạnh thì sẽ không thể có nền kinh tế đủ khả năng cạnh tranh trong một thế giới phẳng hiện nay./.