Tùng Dương đã vượt qua được những cái bóng lớn
Tùng Dương thực sự thăng hoa khi vượt qua thử thách: ca sĩ nhạc nhẹ hát nhạc đỏ với dàn nhạc giao hưởng.
Còn NSƯT Trần Thị Mơ khiến khán giả vỗ tay không ngừng khi trình diễn bản concerto viết riêng cho cello của nhà soạn nhạc Edward Elgar từng được nhiều nghệ sĩ hàng đầu thế giới trình diễn và thu âm...
Cố nhà văn nổi tiếng người Mỹ William Arthur Ward từng có câu nói nổi tiếng: “Người leo núi giàu kinh nghiệm không sợ hãi trước ngọn núi...”. Điều này đúng với Tùng Dương khi anh trình diễn những ca khúc nhạc đỏ đầy thách thức với ca sĩ nhạc nhẹ trong khuôn khổ “Hòa nhạc Toyota xuyên Việt năm 2014” vừa mở màn tối 1-2/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Sở dĩ hát nhạc đỏ không phải là “đặc quyền” của các ca sĩ nhạc nhẹ bởi phong cách này đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật điều tiết hơi điêu luyện. Sau khi hát Trường ca sông Lô, Người lái đò trên sông Pô Kô,Tùng Dương đã phải thốt lên rằng: Những bài này cực kỳ “tốn hơi”.
Tùng Dương nói vui trong phần giao lưu với khán giả: "Nhiều người thắc mắc vì sao Tùng Dương bé như cái kẹo thế này mà hát khỏe thế? Có được điều này là vì trước đây Tùng Dương may mắn được học NSND Quang Thọ nên trộm được làn hơi của thầy...”.
Trong khi đó, với một ca sĩ, dù là ca sĩ dòng nhạc đỏ, hay nhạc nhẹ, việc hát cùng một dàn nhạc giao hưởng lại là một “ngọn núi” khác, cũng đầy thách thức.
“Việc thông qua các giọng ca nhạc nhẹ đương đại để đưa âm nhạc cổ điển tiếp cận với với công chúng là cách làm mới mẻ. Nhưng nhiều năm gần đây, khán giả Việt không xa lạ khi một ca sĩ nhạc nhẹ hát theo phong cách bán cổ điển, thính phòng. Nhưng để thể hiện được vẻ đẹp của sự giao thoa, của cũ và mới không phải là điều dễ dàng. Hát với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đòi hỏi sự luyện tập miệt mài, hết mình và nghiêm túc của nghệ sĩ mới có thể có phần biểu diễn thăng hoa” – Tùng Dương chia sẻ.
Trong 5 tác phẩm mà Tùng Dương trình diễn trong Hòa nhạc Toyota, khán giả cũng thấy khá thú vị khi lần đầu Tùng Dương hát Nơi đảo xa, Chiếc khăn piêu với dàn nhạc giao hưởng. Chiếc khăn piêu, một sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho từ nửa thế kỷ trước từng “gây sốt” khi được phối mới theo phong cách đương đại bởi nhạc sĩ gốc Việt Nguyên Lê.
Lần này, hát Chiếc khăn piêu với Dàn nhạc Giao hưởng, Tùng Dương “khoe” được giọng hát đẹp và kỹ thuật điêu luyện. Trong khi đó, Nơi đảo xa không chỉ mang bầu không khí biển đảo tới khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội mà còn để lại dấu ấn bởi những đoạn nhạc da diết và giọng nam đầy cuốn hút của Tùng Dương.
Từ năm 2009, với sự tài trợ của Toyota Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia mới “thử nghiệm” việc mời các ca sĩ nhạc nhẹ tham gia Hòa nhạc. Nói gì thì nói, các tác phẩm cổ điển vẫn phải là “nhân vật chính” của chương trình. Người nhập “vai chính” lần này chính là NSƯT Trần Thị Mơ – cây cello hàng đầu Việt Nam từng tốt nghiệp Nhạc viện quốc gia Tchaikovsky danh tiếng.
Tác phẩm mà Trần Thị Mơ và Dàn nhạc chọn trình diễn là bản concerto viết riêng cho cello của nhà soạn nhạc Edward Elgar. Đây là tác phẩm tiêu biểu cuối cùng của Edward Elgar, được đánh giá là một bước ngoặt đối với các tiết mục biểu diễn độc tấu cello và từng được nhiều nghệ sĩ hàng đầu thế giới trình diễn, thu âm.
Khi Trần Thị Mơ bước ra sân khấu, khán giả có thể cảm nhận một chút căng thẳng trên khuôn mặt của nữ nghệ sĩ xinh đẹp. Nhưng điều đó qua rất nhanh. Tiếng đàn của Trần Thị Mơ đã thể hiện được âm hưởng bi thương và trĩu nặng suy tư – cảm xúc có thể không hợp với những khán giả thích những giai điệu êm tai, nhưng với những người mộ điệu, họ hiểu rằng, Trần Thị Mơ đã thành công khi trình diễn tác phẩm này./.
Sau Hà Nội, “Hòa nhạc Toyota xuyên Việt” sẽ lần đầu tiên đến với khán giả Tây Nguyên nhân Năm Du lịch quốc gia Đại ngàn Tây Nguyên vào tối 5/8 và TPHCM vào tối 15/8.