Xử đại án nhưng không xem nhẹ “tham nhũng vặt”
VOV.VN -Hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh là "tham nhũng vặt” nhưng gây tác hại không nhỏ đối với đời sống xã hội.
Trong bức tranh đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2013, không thể không nói tới cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng. Không chỉ là phản ứng của dư luận trước hành vi tham nhũng hoành hành, không chỉ là những ý kiến, phát động phong trào mà đã chuyển hóa thành việc làm cụ thể, mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh trực diện với loại tội phạm nguy hiểm này.
Chỉ trong 2 tháng cuối năm, một số vụ án tham nhũng lớn trong 10 đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử. Những kẻ chiếm đoạt của Nhà nước, của nhân dân hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đã phải chịu mức án tương xứng với hành vi đặc biệt nghiêm trọng. Dư luận đồng tình và mong muốn, không chỉ những tội phạm tham nhũng lớn mà những hành vi nhũng nhiễu người dân trong đội ngũ công bộc của dân cũng cần phải được đưa ra ánh sáng.
Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) |
Vụ tham nhũng tại công ty Cho thuê tài chính II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ tham nhũng xảy ra tại công ty Vifon, vụ tham ô ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đưa ra xét xử vào những tháng cuối cùng của năm, với bản án nghiêm khắc nhất dành cho các bị cáo, được Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh coi là “những cú đấm đầu tiên” mở đầu cho chiến dịch tấn công triệt tiêu tệ tham nhũng gây nhức nhối trong xã hội hiện nay. Nó không chỉ củng cố lòng tin của nhân dân vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vào cơ quan bảo vệ pháp luật mà còn là lời cảnh báo nghiêm khắc, khiến tội phạm tham nhũng phải khiếp sợ.
Tuy vậy, đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm” này, không chỉ làm rõ, trừng trị những kẻ có hành vi tham nhũng lớn mà ít quan tâm tới hành vi tham nhũng, tệ nạn tham nhũng đã và đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Hành vi tham nhũng ấy có thể gọi là “tham nhũng vặt”, nhưng tác hại của nó đối với xã hội lại không hề nhỏ.
Hành vi tham nhũng vặt có thể nảy sinh bất cứ lĩnh vực nào, ngành nào trong cuộc sống thường ngày. Từ giáo dục đến y tế, giao thông đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực thủ tục hành chính. Đáng lo ngại là những hành vi ấy đã trở thành tệ nạn, trở thành "luật bất thành văn” được cộng đồng, dù không đồng tình, nhưng cũng lặng lẽ chấp nhận. Đó là “văn hóa phong bì”. Sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, thái độ thản nhiên khi nhận “phong bì” của nhiều cán bộ đã và đang gây tác động tiêu cực cho dư luận xã hội.
Tuy rằng, nó không gây thất thoát lớn về tài sản, nhưng lại đục khoét lòng tin của người dân vào cơ quan công quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật. Họ không thể tin vào đội ngũ lẽ ra phải phục vụ nhân dân, nhưng lại tìm mọi cách gây khó khăn để bòn rút từng đồng tiền nhỏ, vui sướng làm giàu trên nỗi đau khổ của người nghèo khó. Điều nguy hại là khi đã là thói quen, đã trở thành một thứ văn hóa suy đồi mà không được chấn chỉnh, xử lý kịp thời thì từ hành vi vặt sẽ phát sinh hành vi lớn hơn, và đương nhiên tác hại gây ra cho xã hội cũng lớn hơn nhiều lần. Bởi thế, làm thế nào để hành vi tham nhũng, tệ nạn tham nhũng không có điều kiện phát sinh, phát triển mới là điều cốt lõi.
Nguyên nhân nảy sinh tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng xuất phát từ nhiều phía. Cả từ cơ quan quản lý đến đạo đức cán bộ; cả từ việc xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan bảo vệ pháp luật đến sự thỏa hiệp của người dân. Chính vì vậy, để đấu tranh phòng chống loại tội phạm tham nhũng rõ ràng không thể chỉ trông chờ vào thái độ, việc làm của một cơ quan, một lực lượng, một con người mà phải có sức mạnh tổng lực, trong đó tính nghiêm minh của luật pháp và tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của người dân phải được đặt lên hàng đầu.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “phải ngăn chặn và răn đe trước, phải có luật pháp, bố trí cán bộ, các cơ quan kiểm tra thanh tra thường xuyên”. Chỉ khi nào công tác phòng tham nhũng được quan tâm đúng mức thì lúc đó việc chống mới thực sự hiệu quả.
“Quả đấm thép” dành cho tội phạm tham nhũng trong các vụ đại án tham nhũng đã được đưa ra. Người dân cũng mong muốn rằng nó sẽ tiếp tục phát huy tác dụng đối với những hành vi nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, làm trong sạch đội ngũ cán bộ xứng đáng là “công bộc” của dân, xứng đáng với lòng tin của dân./.