Đề nghị đình chỉ vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ
VOV.VN - Ngày 9/10, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn về việc kiến nghị đình chỉ điều tra bị can đối với ông Vũ Văn Đảo.
Theo công văn số 99/2015CV-ĐLS của Đoàn luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu, liên quan đến vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” mà dư luận hay còn gọi là vụ án “chìm ca nô ở Cần Giờ” do Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, điều tra, VKS Nhân dân TP.HCM đã có cáo trạng truy tố, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhận được nhiều đơn của luật sư Vũ Văn Đảo, thư kiến nghị của luật sư bào chữa cho ông Vũ Văn Đảo, thư kiến nghị của các luật sư trong đoàn luật sư, văn bản kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Các đơn thư, kiến nghị đều khẳng định việc cơ quan điều tra và viện kiểm sát khởi tố, truy tố ông Vũ Văn Đảo theo điều 214, Bộ luật hình sự trong vụ án này là không có căn cứ pháp luật, gây ra tình trạng oan sai cho ông Đảo, đồng thời kiến nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Vũ Văn Đảo.
Tàu sản xuất bằng vật liệu PPC. |
Về vụ án này, theo quan điểm của Đoàn Luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu, về nguyên nhân gây tai nạn đã được cơ quan chuyên môn và các cơ quan tố tụng xác định, đã thể hiện rõ ràng là không liên quan đến chất lượng hay tình trạng kỹ thuật của ca nô BP 12-04-02, vì vậy sẽ không có vụ án và không có ai phạm tội theo điều 214, Bộ luật hình sự.
Theo bản kết luận điều tra số 372-25 ngày 12/9/2014 cũng đã xác định: “Kết quả điều tra, giám định đã xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn do ca nô BP 12-04-02 chở quá số lượng người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động và việc điều khiển phương tiện không phù hợp”, với nguyên nhân đã xác định, như vậy thì đây phải là vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” theo điều 212 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên do thuyền trưởng – người trực tiếp điều khiển ca nô đã tử vong nên cơ quan điều tra không khởi tố vụ án về tội danh này.
Ngay cả trong trường hợp nguyên nhân gây tai nạn liên quan đến chất lượng hay kỹ thuật của phương tiện thì ông Đảo cũng không phải là chủ thể của tội phạm quy định tại điều 214, Bộ luật hình sự.
Chiếc ca nô bị nạn được cơ quan điều tra xác định là tài sản và đang thuộc quyền quản lý, sở hữu của Bộ Tư lệnh Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vì vậy chỉ người chủ phương tiện mới là người có thẩm quyền cho phép đưa vào sử dụng phương tiện.
Chiếc ca nô bị nạn cũng đã được đăng kiểm bởi cơ quan đăng kiểm có thẩm quyền là Phòng Đăng kiểm Hải quân.
Vì vậy theo quy định của pháp luật thì “người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật của phương tiện” mà có quyền “cho phép đưa vào sử dụng phương tiện…” chỉ có thể là người làm công tác đăng kiểm tàu hoặc chủ sở hữu tàu. Ông Vũ Văn Đảo là người sản xuất phương tiện, vì vậy không phải là chủ thể của hành vi quy định tại điều 214, Bộ luật hình sự.
Quan điểm điều tra lệch lạc với quy định của Hiến pháp
Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho rằng: Việc cơ quan điều tra quy kết ông Đảo có các sai phạm “đưa công nghệ và vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền tại Việt Nam” để khởi tố ông Vũ Văn Đảo là không phù hợp với đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, được quy định tại điều 62 của Hiến pháp: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Tạm đình chỉ vụ án là bất thường
Cơ quan tố tụng cho rằng: “Khi tàu thuyền sản xuất bằng vật liệu PPC không thể đăng kiểm theo hệ dân sự, Vũ Văn Đảo đã chuyển hướng bán cho lực lượng vũ trang và ký hợp đồng với Đăng kiểm Hải quân để đưa tàu thuyền sản xuất bằng vật liệu PPC vào lưu thông” là suy diễn không đúng thực tế, vì ca nô BP12-04-02 được công ty Việt Séc sản xuất theo hợp đồng mua tàu của Bộ Tư lệnh Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, căn cứ vào nhu cầu quốc phòng.
Việc truy tố ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyêt với cùng hành vi “điều động” là không phù hợp với quy định của pháp luật vì lỗi của hành vi phạm tội trong tai nạn giao thông là lỗi vô ý, chủ thể của tội phạm quy định tại điều 214 là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện, như vậy không có người gián tiếp phạm tội và không có đồng phạm.
Hiện nay cơ quan điều tra có quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can và ra quyết định trưng cầu giám định. Dù kết quả giám định có thế nào đi nữa thì cũng không có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm vì ông Đảo không phải là chủ thể của tội danh theo điều 214 Bộ luật hình sự mà cơ quan điều tra đã khởi tố và viện kiểm sát truy tố.
Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho rằng, ý kiến trên phù hợp với quan điểm của TAND TP.HCM.
Trong hai quyết định của TAND TP.HCM hoàn trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã thể hiện: Trong các nguyên nhân mà cáo trạng viện dẫn không có nguyên nhân nào liên quan đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không đảm bảo an toàn” mà bản cáo trạng truy tố.
Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị cơ quan tố tụng TP.HCM xem xét, nhanh chóng ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông Vũ Văn Đảo.
Trước đó, ngày 1/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Vũng Tàu cũng đã có Công văn số 193/2015/PTM-CNVT gửi Cơ quan tố tụng TP.HCM.
Việc cơ quan điều tra kéo dài vụ án cũng như việc cấm ông Đảo xuất cảnh gây thiệt hại nghiêm trọng đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà ông Đảo điều hành, quản lý, các hợp đồng ký kết với nước ngoài bị vuột khỏi tầm tay khi ông Đảo không thể gặp gỡ và đàm phán được với các đối tác, đẩy doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn.
Theo quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Vũng Tàu, trước diễn biến của vụ việc, việc tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can của cơ quan điều tra để chờ kết quả trưng cầu giám định lại chiếc ca nô bị nạn chỉ kéo dài thêm oan sai, người bị điều tra không có tinh thần làm việc, doanh nghiệp thiếu sự điều hành, quản lý của người dẫn đầu, người lao động thì không ổn định tâm lý vì không biết có việc để làm hay không, liệu doanh nghiệp có bị đẩy đến phá sản không….
VCCI tại Vũng Tàu cũng đề nghị đình chỉ vụ án đối với ông Vũ Văn Đảo./.
Diễn biến vụ án:
- Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người bị tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc.
Do tài công điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.
Tuy nhiên người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.
- Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự.
Sau cáo trạng truy tố, rất nhiều cơ quan tổ chức, người lao động, các chuyên gia pháp luật đã đề nghị cơ quan tố tụng của TP.HCM xem xét lại vụ án để tránh oan sai.
Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định, việc truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214, Bộ luật Hình sự là không có cơ sở.
- Ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.
- Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.
- Trong quá trình điều tra bổ sung, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.
- Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2.
- Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Công an TP.HCM.
Theo quyết định, cơ quan thực hành quyền công tố yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra bổ sung các nội dung nêu tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) số 176/2005/HSST-QĐ ngày 17/7/2015 của TAND TP.HCM và các tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung.
- Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định đình tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.
Bởi vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định tạm đình điều tra vụ án hình sự "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" xảy ra ngày 2/8/2013 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 372-01 ngày 4/9/2013 để chở kết luận giám định.
Vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP.HCM:
Bài 1: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Bị can kêu oan
Bài 2: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Phạm tội vì sản xuất bằng vật liệu… quá mới!?
Bài 3: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: “Quên” vật chứng vụ án, sẽ có oan sai
Bài 4: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Gửi thư kêu oan lên Chủ tịch nước
Bài 5: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ (TP.HCM) do lỗi đăng kiểm?
Bài 6: VCCI đề nghị xem xét cẩn trọng vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP HCM
Bài 7: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Trả hồ sơ, điều tra bổ sung
Bài 8: Vì sao tòa án TP HCM trả hồ sơ vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ?
Bài 9: Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Truy tố gượng ép?
Bài 10: Khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đã hứa trước Quốc hội!
Bài 11: Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) bị tố thiếu trách nhiệm, gây hại cho doanh nghiệp
Bài 12: Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội
Bài 13: Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu sớm cấp đăng kiểm cho vật liệu PPC
Bài 14: Cục Đăng kiểm nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bài 15: Chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã được thực hiện
Bài 16: Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ: Tình tiết mới “bẻ gẫy” luận điểm truy tố
Bài 17: Tòa án TPHCM lần thứ 2 trả hồ sơ vụ chìm ca nô ở Cần Giờ
Bài 18: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP.HCM: 2 năm không kết thúc nổi 1 vụ án
Bài 19: Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ, TP.HCM: Cần đình chỉ, tránh oan sai
Bài 20: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Điều tra bổ sung vì xuất hiện tình tiết mới
Bài 21: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Liên đoàn Luật sư Việt Nam lên tiếng
Bài 22: Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ, TP.HCM: Tạm đình chỉ điều tra
Bài 24: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Tạm đình chỉ vụ án là bất thường