Phụ huynh không nên “ép” con học thêm một cách thiếu khoa học
VOV.VN-Việc phụ huynh bắt con phải học nâng cao, tham gia nhiều lớp học một cách thiếu khoa học đã khiến cho học thêm-dạy thêm biến tướng dưới nhiều hình thức.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, trong đó có quy định không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên đối với học sinh Tiểu học và Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm- học thêm đối với giáo dục Tiểu học, trong đó có quy định không ra bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Việc làm trên được coi là giải pháp mạnh để giải quyết các vấn đề dạy thêm, học thêm không đúng quy định hiện nay cũng như đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học. Để hiểu rõ hơn về việc ban hành các Thông tư, Chỉ thị trên, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT.
PV: Trong thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 30 quy định về đánh giá học sinh Tiểu học, trong đó có quy định không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên đối với học sinh Tiểu học và Chỉ thị về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học, trong đó có quy định không ra bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Mục đích của việc này là gì, thưa ông ?
Ông Nguyễn Đức Hữu: Mục đích chính của việc Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 30 và Chỉ thị 5105 là nhằm giảm áp lực cho học sinh Tiểu học để mỗi ngày các em đến trường thực sự là một ngày vui.
Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét sẽ phù hợp với tâm sinh lý học sinh Tiểu học. Các em vốn rất hồn nhiên, vô tư và luôn mong nhận được những lời động viên, khen ngợi, hướng dẫn, chỉ bảo ân cần của thầy giáo, cô giáo để các em vui, thích học và học được hơn là những điểm số, nhất là đối với những em có kết quả học tập chưa tốt sẽ dễ dẫn đến mặc cảm, tự ti. Mặt khác, đánh giá bằng nhận xét, không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên sẽ góp phần tích cực trong việc khắc phục bệnh thành tích, tình trạng học trước chương trình và dạy thêm, học thêm tràn lan, tạo ra những bức xúc cho phụ huynh học sinh và xã hội.
Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không cho điểm; không so sánh giữa học sinh này với học sinh khác; việc đánh giá được thực hiện ngay trong quá trình dạy và học nhằm giúp học sinh rèn luyện, từng bước có được kết quả học tập tốt hơn đối với từng em trên cơ sở đặc điểm, khả năng riêng để em nào cũng cố gắng và tiến bộ so với chính mình. Đây chính là quan điểm nhân văn trong đánh giá học sinh tiểu học.
Cùng với những đổi mới về đánh giá học sinh Tiểu học, Bộ GD-ĐT tiếp tục quy định không được giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Quy định này đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới ban hành, một lần nữa thể hiện quyết tâm của ngành trong việc giảm các áp lực không cần thiết cho học sinh Tiểu học để tuổi thơ các em thật sự vui vẻ, thoải mái trong mỗi buổi đến trường cũng như khi các em ở nhà.
Đối với những trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, ngoài việc giúp học sinh hoàn thành nội dung các bài học, có thể sử dụng buổi học thứ 2 cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện thể dục thể thao, phát huy khả năng âm nhạc, mỹ thuật … theo nhu cầu của mỗi học sinh hoặc hướng dẫn học sinh tự học, kèm cặp, giúp đỡ những em chưa đạt yêu cầu.
Trên thực tế, hầu hết các trường, các thầy cô giáo đã thực hiện nghiêm túc quy định trên. Tuy nhiên, cá biệt một số giáo viên vẫn còn giao bài tập về nhà cho học sinh khi các em đã được học 2 buổi/ngày. Hiện tượng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó chính là tâm lý lo lắng của phụ huynh về việc học của con em mình nên khi giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh nhưng phụ huynh lại cứ đề nghị vì sợ buổi tối các em không được làm bài tập, không ôn luyện sẽ quên kiến thức và học hành giảm sút.
Với những trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tôi có thể khẳng định các em đã được học đầy đủ, hoàn thành tốt yêu cầu, nội dung các bài học mà không cần phải làm bài tập thêm ở nhà. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần thay đổi quan điểm, không nên tạo thêm sức ép cho con em mình mà cần để các em nghỉ ngơi, vui chơi, xem ti vi, hoặc làm những gì mà các em yêu thích. Mỗi tối, phụ huynh nên dành thời gian để trò chuyện về việc học hành theo chiều hướng tích cực, động viên khích lệ để con em mình ngày càng tiến bộ hơn.
Đánh giá bằng nhận xét sẽ giúp học sinh học tốt hơn
PV: Hiện nay nhiều phụ huynh băn khoăn, nếu không chấm điểm, không giao bài tập về nhà thì học sinh không tiến bộ, không thể học tốt được ở các cấp học cao hơn (THCS, THPT …). Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này và liệu rằng có khắc phục được tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định ở tiểu học không ?
Ông Nguyễn Đức Hữu: Đó là những băn khoăn có thật, là tình cảm, trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ luôn mong muốn, kì vọng ở sự thành đạt của con em mình. Tôi rất hiểu, trân trọng và cảm thông, chia sẻ với những băn khăn của phụ huynh. Chúng ta vốn quen nhận biết kết quả học tập của con em mình qua điểm số, nên khi giáo viên chỉ nhận xét, không cho điểm trong đánh giá thường xuyên làm cho phụ huynh thắc mắc không biết con em mình học hành thế nào, kết quả ra sao…
Tôi mong muốn các bậc phụ huynh hãy tin tưởng, đồng lòng, cùng phối hợp với nhà trường, thầy cô giáo thực hiện tốt những quy định trên của Bộ GD-ĐT. Nếu chúng ta cùng hướng về học sinh, làm tất cả vì học sinh thì nhất định sẽ giúp các em tiến bộ và hoàn thành tốt chương trình ở mỗi lớp học, cấp học, đủ điều kiện để học được, học tốt ở các cấp học trên. Đó chính là hạnh phúc đến trường của con em chúng ta.
Biện pháp “mạnh” giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm- học thêm
Ngay từ năm học 2012-2013, trong Thông tư số 17/2012, Bộ GD-ĐT đã quy định nghiêm cấm tổ chức dạy thêm, học thêm ở Tiểu học dưới mọi hình thức. Tôi khẳng định, với chức năng quản lý Nhà nước, Bộ GD-ĐT đã có những quy định kịp thời và cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở cấp tiểu học. Nay một lần nữa, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, kiên quyết và triệt để hơn.
Trong thực tế, đâu đó vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, theo tôi có nhiều nguyên nhân: Một phần do công tác tuyên truyền chưa tới được từng giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, cá biệt có một số giáo viên chưa thực hiện đúng quy định chuyên môn và có hiện tượng gợi ý, ép buộc học sinh học thêm. Một phần là do cơ quan quản lý giáo dục các cấp chưa sát sao, chưa có sự phối hợp, vào cuộc một cách quyết liệt của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Đặc biệt, có nhiều phụ huynh vì quá lo cho con nên đã tạo thêm áp lực và bắt các cháu phải học thêm, học nâng cao, tham gia nhiều lớp học, câu lạc bộ một cách thiếu khoa học.
Với việc ban hành Thông tư 30 và Chỉ thị của Bộ trưởng lần này, tôi hy vọng những áp lực, lo lắng bấy lâu nay của phụ huynh sẽ được xóa bỏ; vấn đề dạy thêm, học thêm không đúng quy định hiện nay sẽ được chấm dứt.
Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc và đảm bảo tính bền vững, không để hiện tượng dạy thêm, học thêm tái diễn, chúng ta cần phải có giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; các bậc phụ huynh cùng đồng thuận và “nói không với việc ép con em mình học thêm”. Song, theo tôi, một trong những giải pháp có tính căn cơ, lâu dài và hiệu quả đó là đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu để có chính sách ưu đãi hợp lý đối với đội ngũ nhà giáo, đảm bảo cho cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo “đủ sống bằng lương” và thực sự an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Sẽ bàn giao học sinh lớp 5 cho giáo viên lớp 6
PV: Việc không tổ chức khảo sát đầu năm học, không thi tuyển học sinh vào lớp 6. Theo ông, có ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục không ?
Ông Nguyễn Đức Hữu: Theo tôi, không có ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục vì từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã quy định không tổ chức thi học sinh giỏi Tiểu học, xóa lớp chọn ở Tiểu học và THCS, không tổ chức khảo sát đầu năm học, không tổ chức thi tuyển sinh học sinh vào lớp 6... Chỉ thị của Bộ trưởng vừa ban hành nhằm tạo sự đồng bộ cùng với Thông tư 30 trong việc chỉ đạo về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, trong đó có quy định về bàn giao chất lượng học sinh giữa giáo viên các khối lớp.
Đối với khối lớp 5, trong quá trình ra đề, tổ chức kiểm tra và chấm bài kiểm tra cuối năm có mời giáo viên trường THCS cùng tham gia và nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh nhằm đảm bảo tính khách quan kết quả đánh giá chất lượng học sinh cuối cấp tiểu học. Điều này giúp giáo viên dạy lớp 6 có đủ thông tin cần thiết về quá trình và kết quả học tập, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh để có kế hoạch, biện pháp giáo dục đạt hiệu quả cao nhất.
Do vậy, không cần thiết phải tổ chức khảo sát đầu năm, không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6. Vì nếu thêm một kỳ thi, một kì khảo sát chất lượng, chắc chắn lại gây áp lực cho học sinh và có nguy cơ nảy sinh dạy thêm, học thêm.
PV: Xin cảm ơn ông!./.