Thứ trưởng GD-ĐT: Sẽ tốt hơn khi không chấm điểm học sinh Tiểu học
VOV.VN-Theo Thông tư 30, cách đánh giá học sinh Tiểu học sẽ nhận xét tổng thể, toàn diện thực chất năng lực và phẩm chất đạo đức của học sinh.
Cho đến nay, các trường Tiểu học sắp hoàn thành chương trình năm học 2014-2015 thông qua việc thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 28/8/2014 quy định đánh giá học sinh Tiểu học bằng nhận xét.
Sau thời gian thực hiện Thông tư 30, nhiều nhà giáo, khoa học và phụ huynh có những quan điểm khác nhau về những ưu điểm và hạn chế xung quanh cách đánh giá học sinh bằng nhận xét thay vì chấm điểm như trước đây.
Trước sự băn khoăn trên, trao đổi với báo chí chiều 22/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, khó khăn lớn nhất khi thực hiện Thông tư 30 là thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, giáo viên và phụ huynh khi đánh giá học sinh bằng nhận xét thay vì chấm điểm. Từ trước tới nay, nhiều người vẫn đặt niềm tin quá lớn vào điểm số để đánh giá năng lực học tập và rèn luyện của học sinh. Do đó, việc không dùng điểm số để đánh giá học sinh đã bị nhiều người lo ngại, thậm chí phản bác.
Trước đây, việc đánh giá học sinh chủ yếu dựa vào việc học sinh có thuộc được nhiều hay ít kiến thức. Cách đánh giá này hạn chế ở chỗ, giáo viên, phụ huynh nhìn vào kết quả điểm số, kiến thức mà học sinh thu nhận được nhiều hay ít, chứ không quan tâm đến năng lực toàn diện của các em.
Đối với cách đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 30 sẽ nhận xét tổng thể, toàn diện thực chất năng lực và phẩm chất đạo đức của học sinh. Cách đánh giá này sẽ khiến chất lượng học tập của học sinh tốt hơn thông qua việc khuyến khích học sinh tự học, sáng tạo và rèn luyện bản thân.
Quá trình đánh giá của giáo viên sẽ khiến cho học sinh tiến bộ dần dần. Những học sinh yếu kém sẽ dần tiến bộ hơn và biết vượt qua khó khăn để học tập tốt lên. Còn học sinh nào có năng lực học tập và rèn luyện tốt thì tiếp tục duy trì và phát huy khả năng đó.
Nếu học sinh nào quá yếu kém, không tự học được thì nhà trường và giáo viên mới dùng biện pháp can thiệp sâu hơn như động viên kịp thời để tạo tâm lý thoải mái cũng như kèm cặp, ôn luyện thêm cho em đó.
Thông qua cách đánh giá bằng nhận xét, học sinh cũng có thể rút kinh nghiệm từ những yếu kém, sai sót của mình và nhìn những bạn khác để cùng cạnh tranh trong học tập./.