Kỹ sư Nguyễn Văn Sinh, người sinh ra để làm kỹ thuật phát thanh
VOV.VN - Nguyễn Văn Sinh là một con người rất đỗi giản dị, khiêm nhường, vô cùng tận tuỵ, trăn trở với công việc, song rất quyết đoán.
Có lẽ anh quá khiêm nhường, quá giản dị, không ồn ào, đầy bao dung, chỉ có công việc và công việc, nên sau này người ta cũng ít nhắc tới chăng? Anh mất đi để lại cho chúng tôi, những thế hệ kỹ thuật phát thanh Việt Nam một tài sản vô giá. Đó là tấm gương trong sáng về sự tận tuỵ với công việc, một con người sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Anh là Nguyễn Văn Sinh, Cục trưởng Cục kỹ thuật phát thanh thuộc Ủy ban Phát thanh-Truyền hình Việt Nam.
Tại một Hội nghị cuối năm 1980, khi nghe giới thiệu tên và chức danh của anh, Phó Giáo sư Hoàng Sước ngớ người, hỏi nhỏ Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ rằng: “ Cậu này khi mình làm Phó Đài Mễ Trì xin vào làm công nhân, bây giờ lại là Cục trưởng à ?”. Giáo sư Ngọ nói vui: “ 30 năm trước, ông là kỹ sư Phó Đài, bây giờ là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Hiệu trưởng Đại học Bưu điện, thì công nhân của ông lên Cục trưởng cũng không có gì là lạ!”. Câu trả lời đầy hóm hỉnh nhưng cũng là sự đánh giá, khâm phục và tôn vinh hai cán bộ trưởng thành từ đài phát sóng Mễ Trì, cái nôi đào tạo, rèn luyện và trưởng thành của biết bao thể hệ cán bộ kỹ thuật phát thanh đã làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Như chúng ta biết dây chuyền kỹ thuật phát thanh chia làm 3 công đoạn:
1. Studio (Trung tâm âm thanh ) là nơi sản xuất các chương trình phát thanh
2 .Truyền dẫn tín hiệu phát thanh là nơi truyền dẫn tín hiệu phát thanh từ studio đến hệ thống máy phát sóng phát thanh
3. Máy phát sóng phát thanh và ăng ten. Đây là công đoạn cuối cùng để phát sóng, đưa chương trình phát thanh đến người nghe.
Mỗi công đoạn kỹ thuật phát thanh có những đặc thù rất riêng, khác hẳn nhau. Các công việc được thực hiện cũng rất khác nhau. Do đó con người được đào tạo theo các nghề riêng biệt. Và cũng vì thế 3 công đoạn trên có 3 "nền văn hoá" khác nhau.
Những con người làm ở studio (Trung tâm âm thanh) thường ăn mặc "sành điệu" hơn cả. Cũng dễ hiểu thôi, do công việc họ luôn được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tiếp xúc với biên tập, nhà văn, nghệ sĩ... Đấy là chưa kể họ ở "trên phố". Về kỹ thuật họ cũng rất "nhỏ nhẹ". Thiết bị nào cũng xinh xinh. Điện áp, dòng điện 12 V, 24 V, vài chục đến vài trăm miliampe là cùng, sờ vào không sao.
Anh Nguyễn Văn Sinh là người của công đoạn cuối cùng này. Nếu ai đã từng làm trong lĩnh vực kỹ thuật phát thanh, thì chúng tôi cam đoan khi nhìn thấy anh đều nhận ra đây là con người làm trong lĩnh vực máy phát sóng phát thanh. Là công nhân máy nổ ở Đài phát thanh tiếng nói Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc năm 1954, Nguyễn Văn Sinh xin về Đài TNVN và được phân công về làm ở Điện đài Mễ Trì (nay là Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì) từ những ngày đầu mới xây dựng. Từ một công nhân chạy máy nổ, anh vừa làm, vừa học mỗi năm một lớp để tốt nghiệp lớp 10 bổ túc rồi tiếp tục theo học tại chức khoa vô tuyến điện Đại học bách khoa, Hà Nội.
Với thực tiễn là công nhân làm việc từ những ngày khó khăn nhất của ngành phát thanh trong kháng chiến chống Pháp và những ngày đầu miền Bắc mới giải phóng, lại được tiếp thu những kiến thức trong học tập cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, say mê với nghề, Nguyễn Văn Sinh đã mày mò nghiên cứu và đề xuất gần 100 sáng kiến cải tiến kỹ thuật lớn nhỏ, trong đó có 30 sáng kiến có giá trị được áp dụng thành công trong công việc hàng ngày của mình.
Ông Nguyễn Văn Sinh (ngoài cùng bên trái) làm việc với chuyên gia nước ngoài |
Những sáng kiến của anh tập trung giải quyết ở 3 điểm chính: Thứ nhất: Góp phần tích cực giữ vững làn sóng phát thanh trong mọi tính huống như: máy móc gặp sự cố, mất điện, sự cố về điện, về đường cung cấp nước, đường dây phi-đơ, ăng-ten và đường cung cấp tín hiệu và đặc biệt là tính huống máy bay địch đánh phá đài phát sóng. Tiêu biểu là sáng kiến kết hợp làm một tủ điện hạ thế đơn giản để dự phòng cho 4 tủ điện hạ thế và các biến áp tự ngẫu của máy phát sóng AM 150 KW do Liên Xô sản xuất để đề phòng khi bị địch đánh phá Đài. Sáng kiến này được áp dụng vào giữa năm 1972 và có tác dụng phục vụ cho cả thời bình và thời chiến.
Thứ hai: Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật của đài phát sóng. Nâng cao năng xuất và hiệu quả công việc. Ví dụ : năm 1968, sáng kiến kết hợp làm các bộ cầu dao chuyển đổi đơn giản để phục vụ cho việc thao tác đổi sóng máy phát sóng AM 150 KW do Liên Xô sản xuất đã rút ngắn được thời gian thao tác từ 10 phút xuống còn 3 phút( theo tiêu chuẩn Liên Xô để ra là 20 phút). Bình quân mỗi năm tăng 34 giờ phát thanh có ích, tạo thuận lợi giữa 2 buổi phát thanh kế tiếp nhau khi phải đổi sóng sẽ không bị mất phần đầu và phần cuối chương trình.
Thứ ba: Các biện pháp, giải pháp trong công tác tổ chức, quản lý khai thác máy phát sóng; tiết kiệm nhân lực và vật tư, hoàn chỉnh các nội quy, quy chế, quy trình, quy phạm để quản lý, khai thác máy phát sóng; các sáng kiến tiết kiệm vật tư, tiêu biểu là cải tiến máy sóng AM 200 KW do Trung Quốc sản xuất. Sáng kiến này được áp dụng năm 1975, kể từ đó máy 200KW chạy tốt hơn, tiết kiệm kinh phí.
Ông Nguyễn Văn Sinh (thứ 2 từ phải sang) đang trao đổi nghiệp vụ kỹ thuật với các cán bộ Đài Bá Âm |
Nguyễn Văn Sinh còn là một con người rất giản dị, khiêm nhường, tận tụy, trăn trở với công việc, song rất quyết đoán. Chúng tôi còn nghe anh em kể lại, mỗi lần lên trụ sở nhà Đài 58 Quán Sứ họp giao ban, Cục trưởng Sinh thường kiếm cho mình một chỗ góc. Có lần Tổng biên tập Trần Lâm phải gọi " anh Sinh ngồi lên đây”. Khiêm nhuờng là vậy, nhưng khi bàn đến công việc, đến sáng kiến cải tiến kỹ thuật thì anh hoàn toàn tự tin và chủ động. Hình ảnh anh Sinh còn trong thế hệ chúng tôi là luôn điếu thuốc lá trên môi, có những lúc không có đủ tiền anh phải hút thuốc cuốn. Vẻ mặt lúc nào cũng đăm chiêu và khắc khổ. Anh luôn luôn trăn trở với hệ thống máy phát sóng để làm sao phát sóng có chất lượng cao nhất, hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác, anh liên tục được công nhận là chiến sĩ thi đua, là đại biểu dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba năm 1962, dự Hội nghị những đơn vị và những người có sáng kiến của Tổng công đoàn Việt Nam tổ chức năm 1976.
Nhờ sự tích cực cùng đồng nghiệp khắc phục nhanh chóng hậu quả, khẩn trương khôi phục đường điện, đường nước, đường tín hiệu, dọn mặt bằng và xây dựng cơ bản, cũng như thể hiện năng lực chuyên môn cùng chuyên gia bạn lắp đặt máy phát, ăng-ten mới ở Đài Phát sóng Mễ Trì sau đợt ném bom của không quân Mỹ tháng 12/1972 cùng với gần 100 sáng kiến, tháng 1/1986, anh được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Sinh (ngoài cùng bên trái) trao đổi nghiệp vụ với các cán bộ Cục quản lý kỹ thuật phát thanh |
Chúng tôi còn nhớ hồi đó kèm theo danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc là chiếc xe máy Mofa của Đức. Anh cũng được Đảng và nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1961; Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích đảm bảo phát thanh liên tục chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ năm 1972 cùng nhiều Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ và các bộ, ngành, Đài TNVN.
Từ người công nhân, sau 30 năm hăng say lao động, sáng tạo, cần cù, nhẫn nại, miệt mài học tập, đam mê nghiên cứu khoa học, áp dụng thành công nhiều sáng kiến cải tiến quản lý và kỹ thuật trong công tác; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, được anh em đồng nghiệp quý trọng, tháng 1/1982, Anh được bổ nhiệm Cục trưởng Cục kỹ thuật phát thanh của Ủy ban Phát thanh-Truyền hình Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Sinh (ngoài cùng bên trái) tiếp chuyên gia nước ngoài |
Ở cương vị mới, ấp ủ nhiều hoài bão lớn, chặng đường anh gánh vác trọng trách người đứng đầu ngành kỹ thuật phát thanh mới đi được 5 năm thì anh đột ngột ra đi. Anh mất đi, tài sản để lại chẳng có gi đáng giá. Trong ngăn kéo bàn làm việc của anh ngoài tài liệu, quyển sổ tay ghi chép hàng ngày là giấy cuốn thuốc lá và bọc thuốc lá cuốn./.