“Mổ xẻ” vấn đề giảm nghèo đối với bà con dân tộc thiểu số
VOV.VN - Giải quyết được vấn đề nghèo đói ở đồng bào dân tộc sẽ là đáp án cho công tác giảm nghèo chung
Phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2005-2012 (Ảnh: Hà Nam) |
Khai mạc phiên họp, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, nhấn mạnh, trong những năm qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân cả nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu giảm nghèo. Từ mức nghèo rất cao (58% năm 1993) đến năm 2012 còn 9,6% và năm 2013 còn 7,6%. Với hàng chục triệu người thoát nghèo trong vòng 20 năm qua, Việt Nam được đánh giá đã hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2012, sớm hơn 13 năm so với mục tiêu.
Tuy nhiên bà Trương Thị Mai cũng thẳng thắn chỉ ra rằng vấn đề giảm nghèo, đặc biệt ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang là một vấn đề cần tập trung quan tâm mạnh mẽ trong thời gian tới. Về quy mô, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15% dân số cả nước, nhưng chiếm tới 47% tổng số người nghèo cả nước (tính đến năm 2010).
Giải trình về kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là do điều kiện kinh tế xã hội khu vực miền núi có xuất phát điểm thấp, mặt bằng dân trí còn hạn chế, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo, trình độ sản xuất của đồng bào người dân tộc còn đơn giản, lạc hậu… Do khó khăn về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp nên khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ, tiếp nhận kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào dân tộc còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao.
Phân bổ, sắp xếp lại để có quỹ đất dự trữ
Nhiều đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến đồng sống bào dân tộc thiểu số chưa được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao là do không có đất ở và đất sản xuất. Điều này dẫn đến đói nghèo, tái nghèo, phát sinh nghèo dai dẳng trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Giải trình về nội dung này, ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thừa nhận tình trạng thiếu đất sản xuất là tình trạng chung trên cả nước, chứ không chỉ riêng khu vực đồng bào dân tộc. Tuy nhiên với khu vực đồng bào dân tộc miền núi, tình trạng thiếu đất sản xuất cực kỳ nóng bỏng, nó cũng đã được quan tâm giải quyết nhưng chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này theo ông Giàng Seo Phử trước hết là do sức ép về dân số, kế hoạch bố trí, sắp xếp dân cư chưa được thực hiện một cách chiến lược bài bản trên cả nước, thực tế vẫn đang diễn ra theo kiểu tự phát; nguyên nhân thứ hai là đời sống của đồng bào quá khó khăn, lẽ ra phải bố trí, điều chỉnh đất đai để người dân có quỹ đất sản xuất nhưng công tác này chưa được làm tốt. Ở những vùng miền núi đặc biệt khó khăn, người dân còn không có đất ở thì nói gì đến đất sản xuất.
Ông Giàng Seo Phử cho rằng, để giải quyết tình trạng này cần có Nghị quyết, chủ trương về việc sắp xếp lại quỹ đất trong cả nước. Nếu không có quỹ đất dự trữ lấy đâu ra đất để bố trí cho dân. Ông Giàng Seo Phử cũng cho rằng hiện nay các tỉnh Tây Bắc gần như đã hết đất; các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam bộ việc bố trí đất chưa hợp lý.
Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về thu hồi đất kém hiệu quả của các nông lâm trường để giao cho người dân, Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, thực hiện Quyết định 146/2005 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã thu hồi 890.000 ha của các nông, lâm trường. Trong đó, các nông trường bàn giao 37.800 ha, các lâm trường đã giao 641.000 ha và các Ban quản lý rừng đặc hộ, phòng hộ giao 211.000 ha.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ở nhiều địa phương tuy không còn đất để giải quyết cho đồng bào sản xuất nông nghiệp nhưng quỹ đất lâm nghiệp vẫn còn nhiều. Vì thế, Quyết định 231/2005 của Thủ tướng Chính phủ chủ trương thí điểm giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản. Đến nay, đã thực hiện giao khoán được 118.000 ha cho 5.427 hộ. Chủ trương này có thể tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó cần tiếp tục nỗ lực hỗ trợ đồng bào sản xuất hiệu quả hơn trên diện tích hiện có.
Đầu tư, phát triển ở nơi xuất phát của người di cư
Không có đất sản xuất, đời sống khó khăn dẫn đến đồng bào dân tộc di cư tự do và tỷ lệ tái nghèo cao. Trả lời chất vấn này của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nêu rõ cần thống nhất nhận thức di cư tự do chưa bao giờ dừng lại và tình trạng này diễn ra trong cả nước. Bản thân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc không đủ thẩm quyền để trả lời bao giờ mới chấm dứt được vấn đề di cư tự do. Nguyên nhân cơ bản là những khó khăn về đời sống buộc người dân phải di cư.
Ông Giàng Seo Phử cho rằng, không thể kiểm soát tình trạng này, trách nhiệm thuộc về các địa phương ở cả nơi đi và nơi đến của người di cư. Để hạn chế tình trạng này, cần có chủ trương đầu tư phát triển ở chính nơi xuất phát của người di cư. Nếu đời sống của người di cư trên chính quê hương mình được đảm bảo họ sẽ không phải di cư nữa.
Tại phiên giải trình, các đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan nêu rõ hạn chế để có giải pháp hiệu quả hơn trong công tác dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục đào tạo.. đối với đồng bào dân tộc thiểu số./.