Nữ cựu chiến binh tiên phong "mở đường" du lịch tuyến đảo
VOV.VN - Cựu chiến binh Trần Thị Sơn, ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vẫn hăng say lao động dù đã bước sang tuổi 68. Người dân 2 xã đảo biên giới Vĩnh Trung, Vĩnh Thực nhắc đến nữ cựu chiến binh này như một người "tiên phong", tạo đột phá cho du lịch tuyến đảo nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc.
Năm 1972, khi tròn 17 tuổi, cô gái Trần Thị Sơn xung phong nhập ngũ và được biên chế làm nhiệm vụ tại Cục xăng dầu (Tổng cục Hậu cần), cơ quan quản lý và bảo đảm xăng dầu cấp chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến năm 1976, xuất ngũ và chuyển công tác sang khối chính quyền, nữ CCB được cử đi học thương nghiệp rồi về công tác tại HTX mậu dịch huyện Hải Ninh (cũ) cho đến khi nghỉ hưu.
Thời điểm nghỉ hưu cũng là lúc bà Trần Thị Sơn bắt đầu khởi nghiệp. Bà tham gia phát triển kinh tế và thành công ở lĩnh vực vận tải, du lịch. Sau 10 năm gây dựng, thương hiệu taxi Ka Long trở thành địa chỉ tin cậy, thân quen với người dân thành phố Móng Cái và du khách, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động. Đây phần lớn là con em cựu chiến binh với mức thu nhập đạt 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
"Mình đã xây dựng thì mình cố gắng, mình vừa đi làm, vừa tạo việc làm cho mọi người thì cũng cảm thấy vui", bà Trần Thị Sơn nói.
Nhưng có lẽ, việc xây dựng kế hoạch sản phẩm du lịch đưa khách ra tuyến đảo ở Móng Cái khiến nữ CCB tâm đắc nhất. Bà Trần Thị Sơn kể lại: Năm 2015, khi thành phố Móng Cái phát động chủ trương phát triển du lịch ra đảo Vĩnh Thực thì mọi thứ còn rất hoang sơ và khó khăn. Bởi vậy, việc mở dịch vụ du lịch ra Vĩnh Thực được coi là mạo hiểm: "Khi nhận dự án làm du lịch ra tuyến đảo, tôi nghĩ dễ nhưng bắt tay vào làm thấy cực khó, nhất là với phụ nữ làm dịch vụ vận tải không hiểu gì về tàu bè sông nước. Nên tôi vừa làm vừa học hỏi các anh em ở đây".
Ngày nào cũng vậy, dù mặt trời chưa rạng nhưng nữ cựu chiến binh Trần Thị Sơn đã tất bật với công việc ở bến Mũi Ngọc - cửa ngõ để đi tới 2 xã đảo biên giới. Bằng chất giọng mộc mạc và nụ cười đậm chất người miền Đông, bà Sơn nhiệt tình hướng dẫn cho du khách. Sau 8 năm kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cựu chiến binh Trần Thị Sơn đã góp phần đưa Vĩnh Thực đã trở thành điểm "check in" không thể thiếu trên bản đồ du lịch biển đảo. Việc phát triển du lịch trên đảo đã giúp đời sống của người dân xã đảo được cải thiện.
Anh Hoàng Văn Tằng, người dân đảo Vĩnh Thực chia sẻ: "Trước khi cô Sơn chưa mở dịch vụ thì rất hoang sơ, đường mòn, đất còn lở, chứ không có đường bê tông đẹp như này. Cô Sơn ra đây đầu tư rất nhiều nhất là đường bê tông, bến cảng rất tiện lợi, khách đi lại an toàn và nhất là người dân háo hức, tuyến du lịch ngày càng mở rộng và có thu nhập ổn định".
Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Móng Cái cho biết, thời điểm CCB Trần Thị Sơn phát triển du lịch trên đảo Vĩnh Thực, địa phương có mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, nhưng không mấy người mặn mà: "Lúc đó cũng khó khăn lắm, phải dồn hết nguồn lực mua xe chạy trên đảo, xuồng, cano, rồi xe điện đặc biệt là lại phải tìm kiếm nguồn lao động là con em ở các xã đảo. Từ năm 2016 đến nay, bà Trần Thị Sơn đã có nhiều đóng góp cho tuyến du lịch đảo".
Chiếc thuyền chở du khách rời bến ra đảo cũng mang nặng bao nhiêu ước mơ và tâm huyết của người lính cựu Trần Thị Sơn. Với bà, dù là thời chiến hay thời bình, việc đóng góp xây dựng quê hương, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước luôn là nhiệm vụ cao nhất của người lính cụ Hồ.