Tàu cá mắc cạn tại cửa biển Nhật Lệ
VOV.VN -Thời gian qua, nhiều tàu cá, nhất là đội tàu cá hiện đại thường bị mắc cạn ở Cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình), gây thiệt hại cho ngư dân.
Mới 6 giờ sáng, ngư dân Phùng Ngọc Hiếu, chủ chiếc tàu vỏ thép trị giá hơn 10 tỷ, đã phải neo đậu tàu bên cửa biển Nhật Lệ. Thời điểm này, nước biển rút xuống thấp, lộ rõ những gò cát nổi lên hai bên cửa biển.
Các chủ tàu muốn vào bờ đều phải bật định vị dò đúng luồng nước sâu, tàu nào sơ suất dễ đâm va vào gò cát, làm hỏng bánh lái.
Tàu vỏ thép dễ mắc cạn tại cửa Nhật Lệ.
"Mùa nào cũng cạn, nhưng mùa đông nguy hiểm hơn, mắc cạn thì ảnh hưởng đến máy móc, chân vịt tốn rất nhiều tiền để lên đà sửa chữa", anh Phùng Ngọc Hiếu nói.
Mùa mưa bão đang đến gần, ai cũng nơm nớp lo sợ cửa biển cạn thêm. Ngư dân xã biển Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình sau khi đánh bắt từ vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa trở về đều cho tàu cập cảng Đà Nẵng hoặc ở tỉnh Thừa Thiên - Huế để bán hàng vì không thể vào cửa biển Nhật Lệ.
Mùa mưa bão, ngư dân Quảng Bình nơm nớp lo sợ cửa biển cạn thêm. |
Ngư dân Phạm Đức Anh, trú thôn Cừa Thôn, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết, một số chủ tàu cá 67 tìm cách neo đậu ngoài khơi, sau đó thuê tàu khác trung chuyển hết số hàng hóa mới di chuyển qua cửa biển Nhật Lệ cho biết, đa số tàu lớn ra cửa đều bị mắc cạn nên ngư dân thường chờ con nước lớn mới ra.
"Khi nước lớn mới đưa cá từ tàu vào bán kịp phiên chợ, đôi khi vào cửa không lọt thì hàng hóa, cá bị hư hỏng nhiều. Có những tàu bị mắc cạn nặng, ngư dân phải bốc hết số hàng trên tàu đi, để cho tàu nhẹ nổi lên mặt nước thì mới vào cửa được", anh Phạm Đức Anh nói.
Nhiều tàu gãy bánh lái, mắc cạn khi đi qua cửa biển lúc nước rút. |
Cửa biển Nhật Lệ là nơi ra vào thường xuyên của hàng ngàn lượt tàu thuyền. Phía sâu trong cửa biển còn có âu thuyền tránh trú bão. Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở GTVT lên phương án nạo vét, chỉnh trị dòng sông, cửa biển Nhật Lệ theo hướng lâu dài và bền vững.
Tỉnh Quảng Bình cũng vừa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng phần còn lại của nguồn kinh phí hỗ trợ, bồi thường sau sự cố môi trường biển để nạo vét cửa biển, đảm bảo an toàn cho bà con vươn khơi.
“Hiện nay, nhiều tàu đóng mới công suất trên 400CV đến 1000 CV, đặc biệt là các tàu đóng mới theo chương trình Nghị định 67, khi vào cửa thì rất khó khăn, dễ xảy ra tai nạn. Cho nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh. Ngành nông nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh, trước mắt đề xuất dùng nguồn kinh phí từ hỗ trợ, bồi thường sự cố môi trường biển để nạo vét luồng lạch, đảm bảo cho tàu bè của bà con ra vào”, ông Lê Văn Lợi cho biết./.
Tiếp tục điều tra dấu hiệu phạm tội của Chủ tịch xã ở Quảng Bình
Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Bình giải thể sau hơn 1 năm thành lập
Quảng Bình: Sẽ xử lý nghiêm bác sĩ siêu âm say rượu trong giờ làm
Quảng Bình khiển trách Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thị xã Ba Đồn
Quảng Bình: Phạt tiền doanh nghiệp đổ chất thải sai quy định
Thi công thần tốc, FLC Quang Binh Golf Links sẽ đón golfer vào tháng 7