Trẻ từ thuở lon ton đến khi dựng vợ gả chồng, dự án vẫn... treo
VOV.VN -Dự án treo ở Đà Nẵng đang khiến người dân ở đây bức xúc.
Tại đây, hàng trăm trường hợp xây dựng, cơi nới trái phép buộc tháo dỡ. Nguyên nhân là nhiều dự án quy hoạch treo kéo dài, trong khi đó, nhu cầu nhà ở rất lớn gây áp lực trong quản lý trật tự đô thị, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Do bức xúc chỗ ở, nhiều người xây dựng nhà ở tạm bợ trong vùng qui hoạch. |
Gần 15 năm công bố quy hoạch, Dự án Ga đường sắt mới tại phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu vẫn án binh bất động. Người dân vùng dự án ngày càng bức xúc bởi qui định không được xây dựng, cơi nới nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Tư, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cho biết, ngày công bố dự án, 2 đứa con của ông còn nhỏ, nay cả 2 đã lấy vợ, sinh con.
Ngôi nhà cấp 4 chật chội, không đủ chỗ cho mấy gia đình. Đất nằm trong dự án không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, bí quá ông đành liều xây thêm căn phòng nhỏ bên cạnh cho vợ chồng đứa con trai. Ở chưa được bao lâu thì ông Tư buộc phải tháo dỡ phần xây tạm này
“Dự án treo miết thế này thì cuối cùng người dân phải khổ. Cứ nói xây dựng nhà trái phép nhưng thực tế dân cũng biết quá đi chứ, nhưng mà trong thế bí phải làm thôi. Cuối cùng một gia đình bất an, không có nhà ở thì làm sao có an cư lập nghiệp, vợ chồng ly tán cũng vì chỗ này”, ông Tư nói.
Một ngôi nhà xây dựng trong vùng qui hoạch Dự án ga đường sắt mới bị đình chỉ thi công. |
Năm 2003, khi công bố quy hoạch Ga đường sắt Đà Nẵng, lúc đó mới có hơn 400 hộ dân trong vùng dự án. Nay số hộ đã lên tới 2.000 hộ dân sinh sống, tăng gấp 5 lần. Nhiều gia đình, hai đến ba thế hệ sống chen chúc trong căn nhà chật chội.
Ông Lê Tấn Bường, Tổ trưởng Tổ dân phố 42, phường Hòa Khánh Nam day dứt, mỗi lần thấy bà con làm nhà trái phép, mình không báo lên phường thì bị khiển khách, còn báo thì bà con buộc phải tháo dỡ.
“Dân không có chỗ ở là bức xúc. Mỗi lần làm lên, chỉ thị trên xuống dưới là không cho rồi đập phá. Làm như thế tôi thấy chưa ổn định. Dân vừa rồi họp họ kêu nếu tôi có tiền thì dại gì mua đất ngoài đồng mà ở. Đến khi xây ở rồi thì đập miết, phá miết, dẫn đến vấn đề xã hội phức tạp”, ông Lê Tấn Bường cho biết.
Ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cho biết, tình trạng chuyển nhượng đất, xây nhà trái phép trong vùng dự án không loại trừ có đối tượng chạy chính sách đền bù. Họ cứ làm bừa đến lúc giải tỏa, kêu Nhà nước hỗ trợ đền bù.
Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, thực tế nhu cầu làm nhà ở của người dân rất lớn. Nhà cửa chật hẹp, có đất mà không thể tách thửa cho con cái khi có vợ, chồng ra ở riêng nên người dân bức xúc.
Thời gian qua, UBND TP Đà Nẵng cho phép xây mới nhưng không quá 50m2. Theo ông Bùi Trung Khánh, nhu cầu chỗ ở, tách hộ của người dân ngày càng bức bách.
Những ngôi nhà tạm bợ được xây dựng trong vùng Dự án Ga đường sắt mới. |
“Dự án này kéo dài, người dân không mong muốn, người ta muốn ổn định cuộc sống. Miền Trung thì bão lụt thường xuyên. Nhiều khi cho người ta xây nhà cấp 4 lợp mái tạm không kiên cố thì sợ, nhưng không sửa chữa, nhà xuống cấp mỗi khi thiên tai, có chuyện gì xảy ra ảnh hưởng đến sinh mạng thì chính quyền địa phương cũng chịu trách nhiệm”.
Những năm gần đây, dân số quận Liên Chiểu tăng nhanh do sức hút của 3 khu công nghiệp lớn và hàng loạt trường đại học nằm trên địa bàn này. Theo đó, nhu cầu về nhà ở cũng tăng mạnh.
Trong khi đó, hàng loạt dự án lớn được công bố quy hoạch nhiều năm nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm đang gây áp lực lớn trong quản lý trật tự đô thị và đảm bảo sinh xã hội ở địa phương.
Năm 2017 và những tháng đầu năm nay, quận Liên Chiểu đã phát hiện, xử lý 164 trường hợp xây dựng, cơi nới nhà trái phép. Hiện Thanh tra Thành phố cũng đã chuyển Công an thành phố điều tra 72 hồ sơ nghi giả mạo trong việc chuyển nhượng đất, làm nhà trái phép.
Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, trước áp lực về nhu cầu nhà ở của dân vùng dự án, quận đề xuất UBND TP Đà Nẵng giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân.
“Do yếu tố về quy hoạch cho nên hạn chế việc sử dụng đất và tách thửa, cũng có khó khăn nhất định cho người dân. Chúng tôi phải tập trung quản lý. Tuy nhiên, trước bức xúc người dân, chúng tôi đang rà soát từng trường hợp, đề xuất với UBND thành phố để có giải pháp xử lý cho họ, có giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền lợi sử dụng đất của dân. Còn trường hợp cố tình xây dựng trái phép, chúng tôi xử lý triệt để”, ông Đàm Quang Hưng nói./.
Dân Đà Nẵng khốn khổ vì nước rỉ từ bãi rác Khánh Sơn
Tràn lan các cơ sở sản xuất đậu phụ mất vệ sinh ở Đà Nẵng
Nguy cơ “vỡ bong bóng” bất động sản Đà Nẵng?
Nóng các vấn đề liên quan thu hồi đất, ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng
Cảnh báo nguy cơ cháy nổ nhà chung cư ở Đà Nẵng