Từ Đường Lâm đến Hội An: Đừng làm xấu di sản vì vài tấm vé
VOV.VN -Hội An và Đường Lâm là 2 ví dụ đối lập trong cách giải bài toán bảo tồn và phát triển nhưng nay có chung một rắc rối từ... tấm vé
Thông tin Hội An siết chặt việc bán vé tham quan phố cổ đã khiến cộng đồng mạng nổi sóng. Mặc dù trên thực tế việc bán vé tham quan di sản được áp dụng từ 20 năm nay và mức giá 120.000đ cho khách nước ngoài và 80.000đ cho khách nội địa là giá cũ từ năm 2012, nhưng do phương thức áp dụng không hợp lý đã khiến nhiều người cho rằng Hội An đột ngột áp dụng chính sách tận thu.
Nhiều người yêu mến văn hóa-du lịch hẳn sẽ thở dài liên tưởng đến một Đường Lâm vẫn đang âm ỉ bức xúc cũng vì tấm vé…rồi lo lắng cho tương lai Hội An
Người dân khu vực 1 phố cổ Hội An phản ánh, ít khách đến phố cổ hơn |
Đầu năm vừa rồi tôi có về Đường Lâm và được nghe và chứng kiến những câu chuyện đầy ấm ức từ người dân nơi đây. Chẳng có nơi nào như ở Đường Lâm, con cháu về làng cứ phải mua vé mới được vào cổng. Nếu không mua vé thì những người thân sống trong làng dù đang bận việc gì cũng phải bỏ đó ra tận cổng làng để ra sức chứng minh mối quan hệ họ hàng, rồi mới được cho vào. Câu chuyện này diễn ra từ khi có Ban quản lý di tích, bán vé vào tham quan làng cổ.
Rồi những lá thư tay của các cụ cao tuổi ở nơi khác bức xúc gửi đến khiếu nại về việc họ chỉ đi lễ chùa Mía trong khu di tích mà lại phải mua một tấm vé cho tất cả các điểm của di tích.
Không chỉ vậy, thái độ hách dịch, sẵn sàng to tiếng, nạt nộ khách nhưng cũng sẵn sàng hạ giọng để mặc cả giá vé với du khách của đội ngũ bán vé cũng khiến người dân và du khách không hài lòng.
Một điều trớ trêu là 100% số tiền thu được từ bán vé sẽ được ban quản lý di tích giữ lại để… phục vụ cho công tác…thu phí!
Người dân không được hưởng gì ngoài việc tiếp tục ở chật chội nhiều thế hệ trong những ngôi nhà cổ không được đầu tư trùng tu, tôn tạo, không được tự ý cơi nới vì nó là di tích quốc gia được xếp hạng. Phải giữ nguyên nhà cổ để du khách còn đến tham quan. Đến tham quan thì phải… mua vé để công tác thu phí có… nguồn thu! Bạn bè, người thân muốn đến thăm nhau thì cũng phải mua vé để có kinh phí trang trải cho... công tác thu phí!
Thế mới hiểu vì sao dân Đường Lâm lại 2 lần làm đơn xin trả lại danh hiệu.
Xưa nay Hội An và Đường Lâm là 2 ví dụ đối lập trong cách giải bài toán bảo tồn và phát triển. 85% số tiền bán vé được thành phố Hội An đầu tư trở lại cho việc trùng tu, tôn tạo các ngôi nhà cổ cho người dân. Thành phố tìm mọi cách để người dân được hưởng lợi từ du lịch để rồi lòng hiếu khách của người dân, niềm yêu mến, tự hào của họ về di sản và sự thư thái tĩnh lặng của Hội An đều trở thành món đặc sản cho du khách.
Ấy vậy mà mới đây hình ảnh những du khách nước ngoài bất bình rời bỏ phố cổ Hội An chỉ vì sự cứng nhắc trong việc bán vé, làm phiền du khách đã khiến hình ảnh Hội An ít nhiều mất điểm.
Nghiêm trọng hơn là khi sự việc này được TripAdvisor, một diễn đàn về du lịch có uy tín, đăng tải thông tin rằng chính quyền thành phố Hội An đột ngột thay đổi chính sách thu phí thăm quan phố cổ Hội An với mức phí chung là 120.000 đồng (khoảng 6 USD) ngay từ khi du khách bắt đầu bước chân vào khu vực này thay vì bán vé từng điểm tham quan riêng lẻ như trước. Điều này đã tạo nên một làn sóng phản ứng trong cộng đồng du lịch nước ngoài, gây bất lợi cho hình ảnh du lịch Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung.
Vé được mua một lần cho cả chuyến lưu trú dài ngày của du khách, nhưng trạm soát vé đã cứng nhắc bắt họ mua mỗi lần đi vào trở lại khu phố cổ có khi chỉ để đi dạo hoặc ăn một bát mỳ Quảng.
Một số du khách đã nêu ý kiến quá khích kêu gọi tẩy chay du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, một số du khách yêu mến Hội An, năm nào cũng đến Hội An nghỉ ngơi thì tỏ ra phân vân…
Trong thời đại thế giới phẳng, chỉ một sai lầm cũng có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng truyền thông. Một sai lầm nhỏ nhưng đòi hỏi một nỗ lực lớn để sửa chữa.
Sinh ra và lớn lên ở khu phố cũ Hà Nội, từ nhỏ đã được nghe các bà, các cụ kể chuyện dòng họ mình mở mang phát triển phố nghề, để rồi đến đời cha và đời mình chứng kiến những tàn phai, mai một quả là đáng buồn. Bởi thế mỗi lần đến với Hội An với tôi như một cuộc trở về. Nào đã ở đâu làm được tốt, gìn giữ được bản sắc tốt như Hội An?
Ông Thái Tế Bưu và ngôi nhà trong hẻm sâu của Hội An. Ngôi nhà của ông được tài trợ 75% tiền sửa chữa, được các chuyên gia Việt Nam và Nhật đến tận nơi khảo sát và tư vấn sửa chữa. (ảnh: Trà Xanh) |
Có lẽ cũng bởi tình yêu và niềm tin với Hội An quá lớn và bởi một nỗi tiếc nuối cho khu phố cũ Hà Nội, nỗi xót xa cho tấm gương tày liếp Đường Lâm mà tôi cũng đã phát sốt lên khi tiếp nhận thông tin bất lợi với Hội An. Nhiều người phản kháng dữ dội chắc cũng có cảm giác tương tự chăng? Nếu thế thì cũng là mừng vì có yêu nên mới vậy.
Khi gọi điện cho ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy và ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An– đơn vị trực tiếp thực hiện việc thử nghiệm bán vé, tôi đã thấy yên tâm phần nào bởi sự tiếp nhận thông tin và thái độ nghiêm túc thẳng thắn nhận sai lầm của họ với lời quả quyết “cái gì không ổn phải nhanh chóng xóa bỏ”.
Tôi tin Hội An sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng truyền thông này bởi Hội An luôn có sự đồng thuận cao từ người dân đến lãnh đạo và biết lấy lòng du khách từ tấm lòng nhiệt thành của mình. Hội An sẽ nhanh chóng vượt qua vì các nhà quản lý của khu đô thị cổ này trước khi quyết định một hoạt động hay dự án nào, điều đầu tiên họ nghĩ đến là lợi ích của người dân, lợi ích của di sản./.
>>Thu phí tham quan phố cổ Hội An: Phương thức gây hiểu lầm