10 công ty lớn của phương Tây bị ảnh hưởng mạnh tại Nga
VOV.VN -Căng thẳng địa chính trị tại Ukraine khiến nhiều hãng lớn bị giảm doanh thu như: McDonald’s, Coca Cola, Ford, Volkswagen, Carlsberg, Adidas.
Theo hãng tin CNN của Mỹ, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đang gây thiệt hại cho nhiều công ty của phương Tây có mặt tại thị trường Nga, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng thế giới như: McDonald’s, Coca Cola, Ford, Volkswagen, Carlsberg, Adidas.
Một số thương hiệu được CNN thống kê bị thiệt hại doanh thu do căng thẳng và cấm vận liên quan đến Nga gần đây
Nhiều công ty đang báo cáo có doanh số bán hàng chậm hơn tại thị trường Nga, thậm chí có một số trường hợp phải đóng cửa hàng vì cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài. Một số doanh nghiệp đã nhận thấy rõ cổ phiếu của họ bị tác động tiêu cực liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân chính là do các cuộc xung đột và bạo lực diễn ra tại Ukraine, đồng thời có những lệnh trừng phạt đã được áp dụng.
Theo thống kê của CNN, mức tác động tiêu cực của khủng hoảng địa chính trị này tới các công ty đã được ước tính cụ thể như sau: Đối với "ông lớn" đồ ăn nhanh McDonald, nhiều chuỗi cửa hàng đã bị đóng cửa tại Moscow trong tuần này. Không những thế, tin từ các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết, cơ quan giám sát tiêu dùng của Nga sẽ kiểm tra các cửa hàng như một phần của một cuộc điều tra về tiêu chuẩn thực phẩm.
Trong khi đó, một thương hiệu đồ ăn nhanh khác là Wendy's gần đây đã buộc phải rời khỏi Nga, lý do, theo họ giải thích chỉ là vì có một sự thay đổi trong quản lý ở địa phương của đối tác của mình Wenrus. Wendy đã có mặt tại Nga kể từ năm 2011.
Đối với hãng đồ uống Coca-Cola, trong tuần qua, doanh số bán hàng tính theo quý đã giảm khoảng 5% ở Nga, Ukraine và Belarus. Coca-Cola đổ lỗi cho "bất ổn kinh tế trong khu vực", nhưng doanh số bán hàng toàn cầu tăng 3%.
Hãng bia Carlsberg của Đan Mạch cũng đưa ra dự báo doanh thu sẽ giảm so với dự kiến, do nhu cầu của thị trường Nga giảm mạnh. Carlsberg ước tính rằng toàn ngành công nghiệp bán hàng bia tại Nga giảm 7% trong 6 tháng đầu năm nay, do môi trường kinh tế khó khăn, khiến cho thị phần sụt giảm. Cổ phiếu của công ty này cũng đã giảm 15% kể từ đầu năm.
Hãng thể thao Adidas, từ cuối tháng Bảy đã thông báo sẽ đóng cửa các cửa hàng và các kế hoạch mở rộng quy mô tại Nga. Nguyên nhân được lý giải là do "căng thẳng trong khu vực" đã làm tổn thương chi tiêu cho tiêu dùng, và sự suy giảm đồng rúp của Nga gây tổn thương tới khả năng sinh lời. Adidas đã cắt giảm mức dự báo lợi nhuận năm 2014 từ 20% đến 30%, một phần do Nga. Cổ phiếu hãng này cũng đã giảm 37% kể từ đầu năm 2014.
Hãng xe Đức Volkswagen thì đổ lỗi cho sự sụt giảm 8% trong doanh số bán xe của mình tại Nga trong 6 tháng đầu năm nay do căng thẳng chính trị, và họ còn ước tính rằng, doanh số bán hàng toàn ngành công nghiệp đã giảm khoảng 25% trong tháng Bảy. Volkswagen cũng có cổ phiếu giảm 13% kể từ đầu năm.
Tương tự, với hãng xe Ford, do sự suy yếu của đồng rúp và mức bán hàng chậm hơn tại thị trường Nga khiến hãng này tăng trưởng chậm.
Các nhà sản xuất xe hơi Pháp là Renault đã cảnh báo các nhà đầu tư về sự sụt giảm mạnh ở Nga và các thị trường mới nổi khác. Trong khi đó, Nga là thị trường lớn thứ 3 của Renault về doanh số bán hàng.
Người khổng lồ dầu mỏ Anh BP (The British oil giant BP) sở hữu cổ phần lớn trong Rosneft, công ty dầu khí lớn nhất của Nga, đã cảnh báo rằng, họ sẽ bị tác động mạnh bởi những biện pháp cứng rắn hơn của Mỹ. Các nhà đầu tư cũng đang lo lắng về các công ty năng lượng khác, trong đó có Total (TOT) và Exxon Mobil (XOM), trong đó có mối quan hệ quan trọng với Nga.
Còn lợi nhuận của công ty tài chính Societe Generale tại Nga đã giảm 36% trong quý II/2014.
Hãng thực phẩm đa quốc gia Pháp – Danone, cho biết kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay đã suy giảm do sự suy giảm đồng rúp, và họ đã buộc phải tăng giá đối với một số sản phẩm ở Nga do lạm phát mạnh mẽ./.