Công đoàn có quyền khởi kiện vụ án lao động khi được ủy quyền
VOV.VN -Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đề nghị quy định công đoàn có quyền khởi kiện vụ án lao động
Chuẩn bị cho họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 6/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).
Xuất phát từ thực tiễn một số chủ sử dụng lao động nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội đã xuất cảnh trốn tránh trách nhiệm, ông Nguyễn Bá Châu, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung quy định cấm xuất cảnh đối với đối tượng người sử dụng lao động nợ lương và nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Các đại biểu góp ý vào Dự thảo Luật. |
Về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, ông Nguyễn Bá Châu góp ý: “Về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước sửa đổi bổ sung, chúng tôi đề nghị quy định công đoàn có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích của tập thể lao động, có quyền khởi kiện vụ án lao động khi người lao động ủy quyền theo quy định của luật công đoàn”.
Một số đại biểu cũng nêu tình trạng đình chỉ vụ án đối với án dân sự và án kinh doanh thương mại xảy ra có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quy định thời hạn xét xử 2 tháng với án thương mại và 4 tháng với án dân sự là quá gấp. Thực tế trên cũng dẫn tới việc thẩm phán đối phó bằng cách đình chỉ vụ án để kéo dài thời gian xét xử.
Ông Trần Trung Trực, Chánh tòa Tòa dân sự, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội góp ý: “Việc xét xử án kinh doanh thương mại hiện nay rất phức tạp, chúng ta không thể tác nghiệp trong vòng 2 tháng đối với án kinh tế thông thường chứ chưa nói vụ án kinh tế phức tạp. Kể cả án dân sự cũng vậy, những vụ việc đơn giản có thể làm ra luôn. Nhưng vấn đề quy định 4 tháng với án dân sự, 2 tháng với án kinh tế là quá o ép về thời gian. Theo tôi thời hạn xét xử án dân sự nên để 6 tháng và kéo thời hạn xét xử với án kinh tế xuống 2 tháng là không hợp lý”
Một số thẩm phán đề nghị, đối với các đương sự ở nước ngoài có địa chỉ ủy thác, nhưng nhiều khi gửi thông báo về địa chỉ này không có hồi âm, cũng là nguyên nhân dẫn đến giải quyết án chậm, quá hạn. Do vậy, các thẩm phán đề nghị nên xem xét chấp nhận về nguồn chứng cứ qua thư điện tử để tháo gỡ khó khăn này./.