Vụ Lê Duy Phong ngồi tù: Giám đốc Sở có phạm tội đưa hối lộ?
VOV.VN -Theo luật sư, hành vi đưa và nhận tiền trong vụ việc này có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.
Ngày 20/4, TAND TP Yên Bái tuyên phạt bị cáo Lê Duy Phong - nguyên Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Hội đồng xét xử cũng kiến nghị Tỉnh uỷ Yên Bái xem xét xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng đối với ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, người bị hại trong vụ án này.
Bị cáo Lê Duy Phong tại tòa
Bị cáo Lê Duy Phong bị cáo buộc đã lợi dụng quyền hạn của nhà báo và dùng lời lẽ uy hiếp về tinh thần để chiếm đoạt của ông Vũ Xuân Sáng 200 triệu đồng và chiếm đoạt của ông Hoàng Trung Thực (Giám đốc một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Yên Bái) 50 triệu đồng.
Về hành vi đưa tổng số tiền 200 triệu đồng Lê Duy Phong, của ông Vũ Xuân Sáng, luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), Giám đốc công ty luật HTC Việt Nam nêu quan điểm, để xác định có hay không hành vi phạm tội, cơ quan điều tra cần thiết phải làm rõ Giám đốc Sở KHĐT đưa tiền cho nhà báo là tự nguyện hay bị ép buộc phải làm.
Trường hợp nhà báo nắm thông tin vi phạm trong hoạt động của Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái hoặc cá nhân ông giám đốc, sau đó chủ động gặp gỡ để đe dọa nếu không đưa tiền sẽ thông tin lên báo, thì giám đốc sẽ là bị hại, không phải người có hành vi phạm tội.
Trong trường hợp vị giám đốc biết nhà báo đang chuẩn bị viết bài phanh phui vi phạm liên quan đến mình, rồi chủ động gặp gỡ nhà báo đề xuất đưa khoản tiền để đổi lấy sự im lặng của nhà báo, thì việc đưa - nhận tiền mới có dấu hiệu của hành vi đưa và nhận hối lộ.
Theo luật sư Hùng, đưa hối lộ, được hiểu là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (của hối lộ) dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
“Hành vi đưa và nhận tiền trong vụ việc này có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ” – luật sư Hùng nói và cho rằng, cơ quan điều tra cần thiết phải làm rõ Giám đốc Sở KHĐT có khai báo với cơ quan chức năng về việc đưa tiền cho nhà báo Phong trước khi sự việc bị phát giác hay không?
Đối với ông Vũ Xuân Sáng, nếu chủ động khai báo với cơ quan chức năng trước khi sự việc bị phát giác, ông Sáng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự theo Khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể: “7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.
Ngược lại, nếu không khai báo hoặc khai báo sau khi sự việc bị phát giác, ông Sáng sẽ không được miễn trách nhiệm hình sự.
“Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ, ông Sáng sẽ đối diện với mức án tù từ 2 - 7 năm theo Điểm e Khoản 2 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 (của hối lộ có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng)” – luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết thêm.
Theo tài liệu điều tra, tháng 6/2017, Lê Duy Phong (cựu trưởng Ban Bạn đọc Báo Giáo dục Việt Nam) chỉ đạo phóng viên đến Yên Bái để xác minh nguồn gốc và tài sản trên đất của gia đình giám đốc Công an tỉnh và giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái. Lê Duy Phong đã nhắn tin vào số máy ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái) đề nghị gặp để xác minh một số vấn để liên quan đến "dinh thự" của gia đình ông.
Tại cuộc gặp, Phong đã gợi ý ông Sáng đưa cho mình 200 triệu đồng thì sẽ "giải quyết ổn thỏa và không viết bài về nhà ông Sáng nữa". Do lo sợ, ông Sáng đã đưa cho Phong 2 lần với tổng số tiền 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi "suy nghĩ lại", Sáng đã đến Công an TP Yên Bái tố giác việc bị ông Phong cưỡng đoạt tài sản./. Xét xử cựu nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt tài sản ở Yên Bái
Bộ Công an thông tin về vụ bắt nhà báo Lê Duy Phong
Nhà báo Lê Duy Phong khai nhận 200 triệu của Giám đốc Sở KH&ĐT Yên Bái