Cuộc cách mạng của vũ khí laser bắn hạ mục tiêu với giá 13 USD mỗi phát

VOV.VN - Với chi phi bắn hạ mục tiêu chỉ khoảng 13 USD mỗi phát, vũ khí laser có thể làm thay đổi cách các lực lượng vũ trang đối phó với tên lửa và máy bay không người lái giá rẻ trong tương lai.

Anh mới đây đã cho ra mắt loại vũ khí laser mới mà quân đội nước này tuyên bố có thể bắn hạ mục tiêu với giá 13 USD/phát, giúp tiết kiệm hàng chục triệu USD so với chi phí của các hệ thống tên lửa phòng không hiện đang được sử dụng.

Vũ khí mới có tên gọi DragonFire. Đoạn video mới được công bố về cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí năng lượng định hướng (LDEW) này ở Scotland hồi tháng 1 cho thấy nó tiêu diệt thành công mục tiêu trên không bằng tia laser.

“DragonFire là vũ khí tiềm năng có thể thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực phòng không”, đoạn video cho biết khi một chùm tia laser xuyên qua bầu trời đêm tại thao trường Hebrides và tạo ra một quả cầu ánh sáng khi chạm vào mục tiêu.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết DragonFire có thể bắn trúng chính xác các mục tiêu nhỏ cỡ đồng xu “ở tầm xa”, nhưng không tiết lộ thông tin cụ thể. Tầm bắn chính xác của loại vũ khí này vẫn là một bí mật.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh cho biết chùm tia laser có thể cắt xuyên qua kim loại “dẫn đến hư hỏng cấu trúc hoặc gây tác động nghiêm trọng hơn nếu đầu đạn bị nhắm mục tiêu”. Nó cũng có thể tiêu diệt các mục tiêu với chi phí chỉ bằng một phần rất nhỏ so với chi phí của hệ thống tên lửa phòng không hiện tại.

Giải pháp chi phí thấp chống lại các mục tiêu giá rẻ

Theo Bộ Quốc phòng Anh, giá của một phát bắn tia laser trong 10 giây là khoảng 13 USD. Trong khi đó tên lửa SM-2 được Hải quân Mỹ sử dụng cho mục đích phòng không có giá hơn 2 triệu USD cho mỗi phát bắn.

“DragonFire có tiềm năng trở thành giải pháp thay thế chi phí thấp và lâu dài cho một số nhiệm vụ nhất định mà tên lửa hiện đang thực hiện”, tuyên bố hồi tháng 1 của Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh.

Chi phí của tên lửa phòng không đã trở thành chủ đề nóng trong giới quốc phòng trong những năm gần đây khi máy bay không người lái (UAV) giá rẻ đã thể hiện hiệu quả trên chiến trường Ukraine và trong các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thương mại và quân sự ở Biển Đỏ và Vịnh Aden.

Các nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu Mỹ, Anh và các đối tác của họ có thể tiếp tục sử dụng tên lửa trị giá hàng triệu USD để chống lại UAV của Houthi hay không. Trong một số trường hợp, những chiếc UAV này chỉ có giá chưa đến 100.000 USD.

Các hệ thống phòng không đắt tiền do phương Tây cung cấp vẫn đang đóng vai trò xương sống trong khả năng phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

“Rocket và máy bay không người lái giá rẻ đã làm thay đổi tính toán kinh tế về tấn công và phòng thủ theo hướng có lợi cho những bên sử dụng số lượng lớn hệ thống không người lái và đạn dược giá rẻ để áp đảo các hệ thống phòng không và tên lửa phức tạp hơn”, ông James Black, chuyên gia tại chi nhánh châu Âu của viện nghiên cứu RAND, trụ sở tại Mỹ, nhận định.

DragonFire có thể giúp đảo ngược phép tính đó theo hướng có lợi cho Vương quốc Anh, ông Black nói.

“Loại vũ khí tiên tiến này có khả năng cách mạng hóa phương thức chiến đấu trong tương lai, giúp giảm sự phụ thuộc vào loại đạn đắt tiền và hạn chế thiệt hại ngoài dự kiến”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapp cho biết vào tháng 1 sau cuộc thử nghiệm DragonFire.

Hạn chế của vũ khí laser

Tuy nhiên, ông Black và nhiều chuyên gia khác cho rằng các loại vũ khí laser như DragonFire vẫn chưa được chứng minh trên chiến trường và sẽ có những hạn chế.

Trong một bài viết trên The Conversation vào tháng trước, Iain Boyd, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến An ninh Quốc gia tại Đại học Colorado, đã chỉ ra một số vấn đề với vũ khí laser.

Theo ông Boyd, mưa, sương mù và khói làm tán xạ chùm sáng và làm giảm hiệu quả của nó; vũ khí laser tỏa nhiều nhiệt nên cần hệ thống làm mát lớn; tia laser di động gắn trên tàu hoặc máy bay sẽ cần sạc lại pin; các tia laser phải được khóa vào các mục tiêu đang di chuyển trong tối đa 10 giây để đốt cháy các lỗ trên đó.

Anh không phải là nước đầu tiên phát triển loại vũ khí laser có thể bắn hạ mục tiêu trên không.

Israel đang phát triển Iron Beam (Tia Sắt), hệ thống phòng không có thể đánh chặn tên lửa, rocket và thiết bị không người lái bằng tia laser.

Nga cũng đã phát triển một số loại vũ khí laser thế hệ mới có khả năng tiêu diệt máy bay không người lái (UAV), cũng như vũ khí laser tiên tiến có khả năng làm mù vệ tinh hoặc bắn trúng máy bay trong bầu khí quyển.

Năm 2014, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm và triển khai thành công hệ thống vũ khí laser trên tàu USS Ponce ở Vịnh Ba Tư. Hệ thống này có khả năng tấn công máy bay không người lái, máy bay nhỏ và thuyền nhỏ.

Vào năm 2020 và 2021, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm hệ thống laser tiên tiến hơn trên tàu tấn công đổ bộ USS Portland.

Năm 2022, một hệ thống laser được lắp đặt trên tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Preble. Hệ thống này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Cùng năm, Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống laser năng lượng cao chống lại mục tiêu là tên lửa hành trình.

Một báo cáo năm 2023 của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) đã ghi nhận thành công của Lầu Năm Góc trong việc thử nghiệm vũ khí laser, nhưng cho biết họ cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa chúng vào sử dụng trong quân đội, bao gồm cả việc tìm ra nhiệm vụ chính xác và chiến lược mua sắm vũ khí.

Theo Báo cáo của GAO, Bộ Quốc phòng từ lâu đã ghi nhận một khoảng cách, đôi khi được gọi là “thung lũng chết chóc”, giữa sự phát triển của vũ khí laser và việc mua nó, điều này cản trở quá trình chuyển tiếp công nghệ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quốc phòng Anh cho rằng việc đưa tia laser vào chiến trường hiện đại là một nhu cầu cấp bách và không nên lãng phí thời gian.

“Trong một thế giới ngày càng có nhiều mối đe dọa, chúng tôi biết rằng trọng tâm của chúng tôi phải là nâng cao năng lực cho quân đội và chúng tôi sẽ tìm cách đẩy nhanh giai đoạn tiếp theo này”, ông Shimon Fhima, giám đốc chương trình chiến lược của Bộ Quốc phòng Anh, nhấn mạnh.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Anh thử nghiệm thành công vũ khí laser công suất cao
Anh thử nghiệm thành công vũ khí laser công suất cao

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Anh vừa tuyên bố thử nghiệm thành công vũ khí laser công suất cao, có khả nắng bắn chìm tia laser cực mạnh vào các mục tiêu trên không.

Anh thử nghiệm thành công vũ khí laser công suất cao

Anh thử nghiệm thành công vũ khí laser công suất cao

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Anh vừa tuyên bố thử nghiệm thành công vũ khí laser công suất cao, có khả nắng bắn chìm tia laser cực mạnh vào các mục tiêu trên không.

So sánh sức mạnh vũ khí laser Tia Sắt của Israel với hệ thống Vòm Sắt
So sánh sức mạnh vũ khí laser Tia Sắt của Israel với hệ thống Vòm Sắt

VOV.VN - Tên lửa đánh chặn của Vòm Sắt có giá lên tới 50.000 USD mỗi quả trong khi Tia Sắt chỉ tốn khoảng 1 USD cho mỗi lần bắn và có thể vận hành liên tục như một băng đạn không giới hạn.

So sánh sức mạnh vũ khí laser Tia Sắt của Israel với hệ thống Vòm Sắt

So sánh sức mạnh vũ khí laser Tia Sắt của Israel với hệ thống Vòm Sắt

VOV.VN - Tên lửa đánh chặn của Vòm Sắt có giá lên tới 50.000 USD mỗi quả trong khi Tia Sắt chỉ tốn khoảng 1 USD cho mỗi lần bắn và có thể vận hành liên tục như một băng đạn không giới hạn.

Tiết lộ vũ khí laser mới Nga thử nghiệm có thể “đốt cháy” UAV cảm tử của Ukraine
Tiết lộ vũ khí laser mới Nga thử nghiệm có thể “đốt cháy” UAV cảm tử của Ukraine

VOV.VN - Một nguồn tin giấu tên nhận định với hãng thông tấn Nga RIA Novosti rằng Moscow đã tiến hành các cuộc thử nghiệm thành công súng laser có khả năng phá hủy một số loại UAV.

Tiết lộ vũ khí laser mới Nga thử nghiệm có thể “đốt cháy” UAV cảm tử của Ukraine

Tiết lộ vũ khí laser mới Nga thử nghiệm có thể “đốt cháy” UAV cảm tử của Ukraine

VOV.VN - Một nguồn tin giấu tên nhận định với hãng thông tấn Nga RIA Novosti rằng Moscow đã tiến hành các cuộc thử nghiệm thành công súng laser có khả năng phá hủy một số loại UAV.