Bầu cử Iraq: Gian nan đàm phán thành lập chính phủ Liên minh

VOV.VN - Các cuộc đàm phán đang diễn ra một cách tốt đẹp và chính phủ mới của Iraq dự kiến sẽ sớm được ra mắt trong vài ngày tới.

Chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau khi Ủy ban bầu cử Iraq hôm 19/5 công bố kết quả chính thức của cuộc bầu cử Quốc hội, Liên minh Hướng tới cải cách của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr – Lực lượng có nhiều ghế nhất trong Quốc hội mới đã bắt tay vào các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ Liên minh. Các cuộc đàm phán đang diễn ra một cách tốt đẹp, với chính phủ mới của Iraq dự kiến sẽ sớm được ra mắt trong vài ngày tới.

Người dân Iraq ủng hộ liên minh của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr sáng sớm ngày 14-5. Ảnh: AP.

Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử độc lập (IHEC) của Iraq công bố, Liên minh Hướng tới cải cách của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr đã dẫn đầu trong cuộc bầu cử khi nhận được 54 ghế trong Quốc hội gồm 329 ghế.

Đứng thứ hai là Liên minh Chinh phục (al-Fath) của ông Hadi al-Ameri - thủ lĩnh lực lượng bán quân sự  Hashed al-Shaabi của người Shiite, có quan điểm thân Iran, giành 47 ghế. Liên minh Chiến thắng của Thủ tướng Abadi giành được 42 ghế. Dù Liên minh của ông Moqtada al-Sadr nhận được nhiều ghế nhất song vẫn chưa đủ đa số để thành lập chính phủ mới, do đó Liên minh phải đàm phán với các đảng khác để tập hợp được ít nhất 166 ghế trong Quốc hội.

Chiến thắng bất ngờ của giáo sĩ Moqtada al-Sadr đánh dấu một sự trở lại đáng ngạc nhiên của nhân vật này, người nhận được sự ủng hộ của đa số giới trẻ và tầng lớp người nghèo, với quan điểm chống tham nhũng “mạnh mẽ” và tư tưởng “độc lập” trong đường lối đối ngoại – không thân cả Iran và Mỹ.

Tuy nhiên, bản thân giáo sĩ này đã tự loại trừ khả năng sẽ làm Thủ tướng và trên thực tế thì ông Moqtada al-Sadr cũng không thể làm Thủ tướng Iraq, bởi ông không phải là một ứng cử viên trong cuộc bầu cử vừa qua. Dẫu vậy, với cương vị là một người đứng đầu trong một liên minh có nhiều ghế nhất Quốc hội, nhiều khả năng ông Shiite sẽ trở thành nhân vật chi phối mọi việc trong một chính phủ gồm các nhà kỹ trị từ hàng chục đảng phái. 

Tối ngày 19/5, ông Shiite đã có cuộc gặp với Thủ tướng Abadi. Cuộc gặp được đánh giá là “khả quan” khi hai nhà lãnh đạo có chung nhiều quan điểm, chủ yếu là tập trung vào việc xây dựng một đất nước Iraq “đoàn kết” và “giàu mạnh”.

Tại cuộc gặp, ông al-Sadr nói: “Cuộc gặp với Thủ tướng Iraq đã truyền tải một thông điệp rõ ràng với tất cả người dân Iraq, rằng chính phủ của bạn sẽ là “toàn diện”, bao gồm tất cả mọi người nhằm đưa Iraq tới sự cải cách và thịnh vượng. Chính phủ sẽ quan tâm đến mọi người dân. Chúng tôi sẽ chìa bàn tay và mở rộng cánh cửa cho bất cứ ai muốn xây dựng đất nước. Quyết định của đất nước Iraq có chủ quyền cũng là quyết định của mọi người dân. Chúng tôi sẽ làm việc hết sức để thực hiện nguyện vọng của người dân Iraq”.

Cùng chung quan điểm, Thủ tướng Abadi cho rằng, chính phủ mới sẽ không phân biệt bất kỳ Đảng phái chính trị nào. Tuy nhiên, ông Abadi cho rằng Iraq vẫn đang cần một người đứng đầu để thành lập chính phủ mới.

Sau cuộc gặp trên, ông al-Sadr cũng đã có cuộc gặp với thủ lĩnh lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi của người Shiite, đại diện Liên minh Chinh phục (al-Fath), ông Hadi al-Ameri có 47 ghế trong Quốc hội mới. Tại cuộc gặp, ông al-Sadr khẳng định, quá trình hình thành chính phủ là một quyết định quốc gia quan trọng, phải bao gồm sự tham gia của tất cả các Đảng phái giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua. Ông al-Ameri là một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Iraq, đứng đầu một lực lượng các nhóm bán quân sự và có mối quan hệ chặt chẽ với Iran trong nhiều thập kỷ.

Trải qua nhiều năm chống khủng bố “gian nan”, đất nước Iraq đang hướng tới một tương lai tươi sáng với cuộc bầu cử “không hề dễ dàng” vừa qua. Nhiều vấn đề tồn đọng của quốc gia đang chờ Chính phủ mới Iraq ở phía trước, như quá trình tái thiết đất nước thời kỳ hậu xung đột “tốn kém tiền của”, vấn nạn tham nhũng và chia rẽ sắc tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ tố Iran mưu đồ can thiệp bầu cử Iraq để gây ảnh hưởng ở Trung Đông
Mỹ tố Iran mưu đồ can thiệp bầu cử Iraq để gây ảnh hưởng ở Trung Đông

VOV.VN - Với cáo buộc mới nhất này, Mỹ đã nối dài danh sách các nước mà Iran muốn can thiệp nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông.

Mỹ tố Iran mưu đồ can thiệp bầu cử Iraq để gây ảnh hưởng ở Trung Đông

Mỹ tố Iran mưu đồ can thiệp bầu cử Iraq để gây ảnh hưởng ở Trung Đông

VOV.VN - Với cáo buộc mới nhất này, Mỹ đã nối dài danh sách các nước mà Iran muốn can thiệp nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông.

Bầu cử Iraq: Lực lượng an ninh bỏ phiếu sớm
Bầu cử Iraq: Lực lượng an ninh bỏ phiếu sớm

VOV.VN - Lực lượng an ninh Iraq ngày 10/5 đã tham gia bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử Quốc hội của nước này.

Bầu cử Iraq: Lực lượng an ninh bỏ phiếu sớm

Bầu cử Iraq: Lực lượng an ninh bỏ phiếu sớm

VOV.VN - Lực lượng an ninh Iraq ngày 10/5 đã tham gia bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử Quốc hội của nước này.

Bầu cử Iraq: Cái “khó” ngay từ khâu đầu tiên
Bầu cử Iraq: Cái “khó” ngay từ khâu đầu tiên

VOV.VN - Tỷ lệ cử tri Iraq đi bỏ phiếu là 44,52%, mức thấp nhất tại quốc gia Trung Đông này kể từ năm 2005.

Bầu cử Iraq: Cái “khó” ngay từ khâu đầu tiên

Bầu cử Iraq: Cái “khó” ngay từ khâu đầu tiên

VOV.VN - Tỷ lệ cử tri Iraq đi bỏ phiếu là 44,52%, mức thấp nhất tại quốc gia Trung Đông này kể từ năm 2005.