Bầu cử Mỹ: Michigan nhận lại 92% phiếu bầu gửi vắng mặt

VOV.VN - Thư ký bang Michigan Jocelyn Benson đăng lên mạng Twitter dòng trạng thái nói rằng 92% trong tổng số phiếu của nhóm cử tri vắng mặt trên khắp bang này đã được gửi trở lại nơi phát đi.

Ông Biden có chiến thắng tượng trưng đầu tiên 

Thị trấn Dixville Notch là nơi đầu tiên trên nước Mỹ mở cửa điểm bỏ phiếu từ nửa đêm, trong khi các điểm bỏ phiếu khác trên toàn quốc thường bắt đầu mở cửa cho cử tri đi bầu từ 7h sáng.

Như thường lệ, điểm bỏ phiếu ở Dixville Notch bắt đầu mở từ 0h ngày 3/11 (giờ địa phương). Kết quả kiểm phiếu nhanh cho thấy, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden giành được 5 phiếu ở thị trấn Dixville Notch, trong khi đương kim Tổng thống Donald Trump không có phiếu bầu nào.

 

Tính đến tối 2/11 theo giờ địa phương (tức sáng 3/11 theo giờ Việt Nam), hơn 98 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm trực tiếp hoặc qua thư. Con số này tương đương 70% tổng số cử tri đi bỏ phiếu cách đây 4 năm. Điều này khiến các quan chức bầu cử, các chiến dịch và dư luận nói chung đang phân vân liệu lưu lượng người đi bỏ phiếu sẽ như thế nào trong ngày 3/11.

Ông Trump chiến thắng ở điểm bỏ phiếu thứ hai tại New Hampshire

Tại thị trấn Millsfield, điểm bỏ phiếu thứ hai ở New Hampshire, cuộc bỏ phiếu đã kết thúc với 21 cử tri đi bầu. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Trump giành được 16 phiếu, ông Biden được 5 phiếu. 

4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ

Nếu như trong các kỳ bầu cử trước, tên của người chiến thắng sẽ được công bố ngay trong đêm bầu cử, thì cuộc bầu cử Tổng thống năm nay sẽ rất khác biệt. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu qua thư gia tăng do đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ kéo dài thời gian công bố kết quả tại nhiều bang quan trọng. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Biden vẫn đang dẫn trước về tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc, nhưng tại các bang chiến địa, khoảng cách giữa hai ứng cử viên ngày càng sít sao hơn. Tổng thống Trump vẫn có cơ hội xoay chuyển tình thế nếu như nhìn lại kết quả cuộc bầu cử 4 năm trước.

14h45

Tổng thống Trump đã kết thúc cuộc vận động tranh cử cuối cùng của năm 2020 vào lúc 1h13 ngày 3/11 (giờ địa phương) tại Grand Rapids, bang Michigan. Tại sự kiện này, ông Trump đã nhắc lại chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử năm 2016 và nói rằng: “Chúng tôi về đến nhà rất muộn và chúng tôi đã chứng kiến một bàn thắng đẹp. Chúng tôi sẽ có một chiến thắng đẹp nữa vào ngày mai”.

Đề phòng khả năng xảy ra biểu tình liên quan đến cuộc bầu cử năm nay, Nhà Trắng đã lắp rào chắn, các cửa hàng kinh doanh ở thủ đô Washington DC đã đóng kín cửa ra vào, cửa sổ bằng ván gỗ để ngăn chặn thiệt hại về tài sản.

 

15h23:

Dự án Bầu cử Mỹ của Đại học Florida cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có số lượng kỷ lục 98,4 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm bằng hình thức trực tiếp hoặc qua bưu điện. Số lượng cử tri bỏ phiếu sớm tại Texas và Hawaii đã vượt số cử tri đi bầu của cả 2 khu vực này năm 2016. Tổng số cử tri đi bầu cử tại Mỹ năm nay có thể cao nhất trong một thế kỷ.

Donald Trump quay về Nhà Trắng, Joe Biden trở lại quê hương

Sau khi kết thúc các cuộc vận động tranh cử, ông Trump quay trở về Nhà Trắng vào lúc 2h35 sáng 3/11 (giờ địa phương). Tổng thống Trump sẽ theo dõi cuộc bầu cử tại Nhà Trắng. Trong khi đó, ứng cử viên Joe Biden dự định lưu lại tại thành phố Scranton, bang Pennsylvania, nơi gắn liền với tuổi thơ của ông và tại thành trì của đảng Dân chủ ở bang Philadelphia trong Ngày Bầu cử.

17h:

Theo số liệu mới nhất từ Dự án bầu cử Mỹ, hơn 99 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử năm nay. Con số này vượt xa tổng số phiếu bầu sớm trong cuộc bầu cử năm 2016.

Giới quan sát cho rằng, sự gia tăng số lượng phiếu bầu cử sớm cho thấy tỷ lệ cử tri đi bầu năm nay sẽ rất cao. Trong các cuộc bầu cử diễn ra thời gian gần đây, tỷ lệ cử tri đi bầu dao động quanh mốc 60%. Năm nay, số lượng phiếu bầu cử sớm cao nhất thuộc về các bang California (12 triệu phiếu), Texas (9,7 triệu phiếu) và Florida (8,9 triệu phiếu). Các cuộc thăm dò cho thấy, số lượng cử tri Dân chủ bỏ phiếu qua thư cao hơn số lượng cử tri Cộng hòa thực hiện điều này, do đó lợi thế có thể nghiêng về ứng cử viên Biden.

17h20:

Các điểm bỏ phiếu tại bang Vermont, ở miền đông nước Mỹ đã mở cửa vào lúc 5h ngày 3/11 (giờ địa phương), tức 17h09 cùng ngày (giờ Việt Nam), khởi động cuộc bỏ phiếu trực tiếp trong cuộc bầu cử Mỹ. Vermont là bang có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ kể từ năm 1992 và đảng này thường giành chiến thắng dễ dàng tại các hạt của bang.

Vermont cũng nằm trong số 13 bang sẽ bầu cử Thống đốc trong thời điểm này. Thống đốc đương nhiệm Phil Scott –thành viên đảng Cộng hòa đang giành được tỷ lệ ủng hộ cao nhất. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tỷ lệ ủng hộ ông thậm chí đạt tới 75%. Tuy nhiên Phil Scott lại là nhân vật luôn chỉ trích Tổng thống Trump và cho biết, ông không có ý định bỏ phiếu cho ông Trump. Đối thủ của Phil Scott là David Zuckerman, người ủng hộ các chính sách cấp tiến, trong đó có việc tăng lương tối thiểu. Ông Zuckerman từng ủng hộ ứng cử viên Bernie Sanders trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay.

Phong cách tranh cử của ông Biden và ông Trump từ những đoạn tweet đầu sáng Ngày bầu cử:

Đầu giờ sáng Ngày bầu cử 3/11 (giờ Mỹ), ứng viên Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối thủ-đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra những dòng trạng thái trên tài khoản Tweet cá nhân, thể hiện những cách tiếp cận khác nhau của hai ông.

Ông Biden: “Tôi đang tranh cử với tư cách là một người Dân chủ đầy tự hào, nhưng tôi sẽ quản lý với tư cách một tổng thống của nước Mỹ. Tôi sẽ làm việc với người của cả phe Dân chủ và phe Cộng hòa, và tôi sẽ làm việc tích cực với cả những ai không ủng hộ tôi tương tự như với những ai ủng hộ tôi. Bởi vì đó là công việc của một tổng thống”.

Trong khi đó ông Trump viết: “Gửi tới tất cả những ai ủng hộ tôi: Lời cảm ơn đến tự đáy lòng tôi. Các bạn đã có mặt ở đây ngay từ đầu, và tôi sẽ không bao giờ để các bạn thất vọng. Hy vọng của quý vị là hy vọng của tôi, giấc mơ của quý vị là giấc mơ của tôi, và tương lai của quý vị chính là điều mà vì nó, tôi đang nỗ lực chiến đấu từng ngày một”.

- 18h: Điểm bỏ phiếu bầu cử Mỹ 2020 ở thành phố New York mở cửa

Cử tri Mỹ đã tới bỏ phiếu ở thành phố New York, một trung tâm kinh tế và chính trị hàng đầu của nước Mỹ.

Nữ ứng viên Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kêu gọi dân Mỹ đeo khẩu trang khi đi bầu cử

Bà Harris đã viết trên trang Twitter như sau: “Ngày Bầu cử đây rồi, và các điểm bầu cử trên khắp đất nước đang bắt đầu mở cửa. Hãy đeo khẩu trang và tìm nơi bỏ phiếu của mình”.

Bà Melania Trump bênh chồng ngay trước ngày bầu cử, chê ông Biden chỉ thấy “mùa đông u ám”

Hôm 2/11, Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Melania Trump phát biểu ủng hộ chồng mình, đương kim Tổng thống Donald Trump trước khi bước vào cuộc bầu cử. Bà Melania chỉ trích ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden là “một chính trị gia với sự nghiệp trong hơn 4 thập kỷ mà không mang đến kết quả gì”, và chỉ muốn thúc đẩy “chương trình nghị sĩ cánh tả”. Tiếp đó, phu nhân Melania khen ngợi ông Trump nhìn tương lai nước Mỹ là “tươi sáng” trong khi đối thủ Biden chỉ thấy một “mùa đông u ám”.

- 18h39: Một số hình ảnh về không khí tại các điểm bỏ phiếu ở Mỹ, rạng sáng 3/11

Nữ ca sĩ đình đám Lady Gaga thể hiện tình cảm với ứng viên Tổng thống Mỹ Joe Biden

Ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga tạo dấu trái tim trên sân khấu của một sự kiện tập hợp lực lượng ủng hộ ứng viên Biden vào đêm 2/11 (giờ Mỹ) ngay trước thời điểm các nơi bỏ phiếu trong bầu cử Mỹ mở cửa.

- 18h53:

Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đăng tải trên Twitter đoạn video sử dụng giai điệu Warriors (những chiến binh) để kêu gọi mọi người hãy ra ngoài và đi bỏ phiếu.

 

Chuyên gia nêu lý do “thực sự” khiến ông Donald Trump rất sợ thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020:

Samer S Shehata, Phó Giáo sư chuyên ngành Trung Đông học tại Đại học Oklahoma (Mỹ) viết thư gửi báo Guardian (Anh) như sau: “Nếu Trump thất cử lần này, có thể sẽ có những lời kêu gọi phải điều tra và truy tố ông ấy về các cáo buộc như cản trở tư pháp, vi phạm Hiến pháp, gian lận thương mại... Công dân Trump khi đó sẽ đối mặt với cuộc điều tra mà không được hưởng “ưu đãi hành pháp”, và không được Bộ trưởng Tư pháp William Bar bảo vệ nữa”.

Người mắc Covid-19 vẫn có thể đi bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người phải cách ly vì dương tính với SARS-CoV-2 vẫn có thể đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Cụ thể, theo chỉ dẫn của CDC, những cử tri có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc có thể đã phơi nhiễm SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 nên tuân theo lời khuyên đeo khẩu trang, cách xa người khác ít nhất 2m và vệ sinh tay trước và sau khi bỏ phiếu.

CDC cũng khuyến cáo những người mắc Covid-19 nên thông báo cho nhân viên phòng phiếu biết về việc mắc bệnh hoặc đang phải cách ly khi đi đến địa điểm bỏ phiếu.

Cử tri ở Florida xếp hàng từ 5h sáng để bỏ phiếu

Khi các điểm bỏ phiếu ở Mỹ vừa mở cửa, đã có khoảng 50 người xếp hàng tại điểm bỏ phiếu tại nhà thờ Grace Episcopal ở West Palm Beach, bang Florida. Một số người cho biết họ đã chờ từ 5h sáng để bỏ phiếu.

Trước câu hỏi tại sao lại đến sớm như vậy?

Một cử tri đáp: “Bởi vì nền dân chủ đang bị đe dọa”.

Các hãng truyền hình Mỹ sẽ đưa tin kết quả của đêm bầu cử như thế nào

Các mạng lưới truyền hình Mỹ đang chuẩn bị cho một đêm bầu cử không giống bất cứ đêm bâu cử nào trước đây, trong bối cảnh đất nước chia rẽ trong việc lựa chọn tổng thống tiếp theo giứa đại dịch Covid-19, trong khi số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư cao kỷ lục.

Các kênh truyền hình phải đối mặt với sức ép chưa từng thấy trong việc đưa tin kết quả bầu cử một cách chính xác và không gây nên những nghi ngờ không đáng có.

Trong số các thách thức mà nước Mỹ cũng như các hãng truyền thông phải đối mặt là những lo ngại về gian lận phiếu bầu, sự chia rẽ sâu sắc của các khu vực bầu cử cùng với khả năng quá trình kiểm phiếu bị kéo dài. Những yếu tố này dấy lên khả năng xảy ra các cuộc biểu tình, bạo lực và các vụ kiện tụng sau đêm bầu cử. Đây sẽ là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên mà các kênh truyền hình lớn lấy dữ liệu từ các nhà cung cấp khác nhau, làm dấy lên khả năng sẽ có những quan điểm bất đồng về kết quả đêm bầu cử.

Fox News và AP không còn sử dụng phương pháp thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu trực tiếp truyền thống nữa, mà sẽ dựa vào khảo sát trực tuyến và qua điện thoại để tiếp cận các cử tri đi bỏ phiếu sớm cũng như cử tri đi bỏ phiếu trực tiếp trong Ngày Bầu cử. Các hãng tin này sẽ kết hợp dữ liệu khảo sát thời gian thực do AP thực hiện.

CNN, Reuters sẽ dựa vào Công ty Nghiên cứu Edison về các kết quả thăm dò său bỏ phiếu và kết quả từ các khu vực bỏ phiếu. Năm nay, CBS News sẽ phát tin tức Đêm Bầu cử từ Quảng trường Thời đại (New York) lần đầu tiên từ 19h tối (giờ EST). Đây cũng là khoảng thời gian bắt đầu đưa tin kết quả bầu cử của ABC News. Trong khi đó, CNN bắt đầu đưa tin kết quả từ 16h (giờ EST) ngày 3/11. NBC News bắt đầu từ 19h, kéo dài tới 4h sáng hôm sau và có thể kéo dài hơn. NBC News có hơn 100 phóng viên tham gia đưa tin về cuộc bầu cử lần này.

19h28

Ông Joe Biden đi lễ nhà thờ trong buổi sáng Ngày Bầu cử

Luật sư của ông Trump: Ông Biden nếu đắc cử Tổng thống Mỹ thì vẫn bị phe Dân chủ lật đổ

Ông Rudy Giuliani - luật sư riêng của ông Donald Trump, tin rằng nếu ông Joe Biden trúng cử Tổng thống Mỹ 2020 thì đảng Dân chủ cũng sẽ dễ dàng ép ông Biden phải thoái vị. Luật sư Giuliani nói với đài RT của Nga: “Đảng Dân chủ (Mỹ) đã có kế hoạch cho ông Joe Biden rồi. Có 2 kịch bản họ có thể loại ông ấy khỏi chức vụ bất cứ lúc nào. Một là lãnh đạo đảng này ép Tổng thống Biden nghỉ hưu với lý do sức khỏe tâm thần. Hai là họ dùng thông tin về cáo buộc tham nhũng liên quan đến con trai Hunter của ông Biden”.

Ông Trump xuất hiện trong Chương trình "Fox & Friends"

Tổng thống Trump trả lời phỏng vấn Chương trình "Fox & Friends" vào ngày bầu cử, giống như điều ông đã từng làm trong cuộc bầu cử năm 2016. Cuộc phỏng vấn bắt đầu vào lúc 7h sáng 3/11 (giờ địa phương).

19h35

Ủy ban bầu cử liên bang cảnh báo thông tin sai trên mạng

Thành viên Ủy ban Bầu cử Liên bang, bà Ellen Weintraub đã thúc giục cử tri đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình khi đi bỏ phiếu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và chỉ lấy thông tin cử tri của mình từ các nguồn đáng tin cậy.

“Hãy đảm bảo mình được an toàn. Hãy đeo khẩu trang. Nếu bạn vẫn chưa bỏ phiếu, thì bằng mọi cách hãy đi bỏ phiếu”, bà nói.

Liên quan tới việc các cử tri tìm hiểu thông tin trên mạng internet, bà Weintraub cảnh báo “hãy xem xét nguồn tin”. “Trên mạng có một số người đưa ra các thông tin không đúng sự thật. Hãy chắc chắn đó là nguồn tin có uy tín rồi hãy tin và chia sẻ thông tin đó”, bà chia sẻ.

Bà cũng đưa ra 3 nguồn tin đáng tin cậy cho các cử tri. Đó là: các ủy ban bầu cử địa phương, thư ký văn phòng bang và trang vote.org – trang web sẽ có đường dẫn tới các trang thông tin bầu cử của địa phương.

20h12

Hơn 3 triệu cử tri tại bang Michigan đi bỏ phiếu

Quan chức phụ trách vấn đề đối ngoại của bang Michigan cho biết, đã có hơn 3 triệu cử tri tại bang này đi bỏ phiếu khi các địa điểm bỏ phiếu mở cửa vào sáng 3/11.

Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer nói rằng, các cử tri đi bầu cử “đều thể hiện sự lạc quan”. Trong cuộc phỏng vấn với CNN, bà Gretchen Whitmer khuyến khích các cử tri thể hiện sự kiên nhẫn tại hòm phiếu.

“Hôm nay mới chỉ là bắt đầu. Tiến trình này sẽ còn kéo dài. Chúng ta hãy đeo khẩu trang và thể hiện sự kiên nhẫn. Chúng ta sẽ phải mất chút ít thời gian để kiểm phiếu. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng điều quan trọng là chúng ta phải kiên nhẫn để đảm bảo thực hiện công việc một cách đúng đắn”, bà Gretchen Whitmer nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn CNN.

20h15

Bang Illinois điều Vệ binh Quốc gia tới Chicago, “sẵn sàng” đối phó bạo động

Các binh sỹ từ lực lượng vệ binh quốc gia của bang Illinois đã có mặt tại thành phố Chicago trong Ngày bầu cử, Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker cho biết.

Theo ông Pritzker, việc đưa vệ binh quốc gia tới Chicago tương tự như những gì chính quyền bang đã làm hồi tháng 9 sau khi phán quyết gây tranh cãi về cái chết của Breonna Taylor ở Louisville làm dấy lên các cuộc biểu tình. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng lực lượng vệ binh ở trong tình trạng sẵn sàng”, ông Pritzker nói.

 

20h30

Trump tự tin có thể giành được 306 phiếu đại cử tri

Trả lời phỏng vấn chương trình Fox&Friends qua điện thoại sáng Ngày Bầu cử 3/11, Tổng thống Trump dự đoán ông sẽ nhận được 306 phiếu đại cử tri. Ông vẫn bảo vệ cụm từ “bước ngoặt” khi nói về đại dịch Covid-19, dù nước Mỹ vừa ghi nhận con số kỷ lục hơn 100.000 ca Covid-19 mới trong 24 giờ cách đây 2 ngày.

Trump: Bầu cử là cơ hội để chiến thắng

Tổng thống Trump đã đưa ra quan điểm đầy tự tin khi nói về triển vọng tái đắc cử của ông, đồng thời cho biết ông sẽ tuyên bố chiến thắng “chỉ khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử”. Trả lời phỏng vấn chương trình “Fox & Friends", ông Trump khẳng định: “Cuộc bầu cử không phải là một trò chơi. Tôi coi đó như một cơ hội để chiến thắng và đó là một cơ hội rất chắc chắn”.

Tổng thống Trump cho biết, ông có kế hoạch gọi điện cho những người “trung thành” với ông vào cuối ngày hôm nay và mời họ đến thăm trụ sở chiến dịch tranh cử của ông. Nói về cuộc chạy đua nước rút cuối cùng, Tổng thống Trump chia sẻ: “Đó là một chiến dịch chạy đua tuyệt vời, ba tuần đầy kinh ngạc”. Ông cho biết, đây có thể là lần cuối cùng ông trở thành ứng viên tổng thống.

20h48

Một số điểm bỏ phiếu ở Pennsylvania bị trì hoãn giờ mở cửa

Amie Downs, Giám đốc truyền thông của hạt Allegheny, của bang Pennsylvania cho biết, đến thời điểm này có 3 quận bầu cử vẫn chưa mở cửa. 3 quận bầu cử này gồm Monroeville, McKeesport và Pittsburgh.

Cập nhật thông tin về quy trình xử lý phiếu bầu qua thư và phiếu bầu vắng mặt, bà Downs cho biết, 25% trong tổng số hơn 334.000 phiếu bầu “đang được xử lý”. “Hơn 13.500 phiếu bầu qua thư tại hạt Allegheny đã được mở phong bì và bỏ dấu niêm phong”, bà Downs nói.

20h52

Trump: Đối phó với đảng Dân chủ còn khó khăn hơn với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên

Tổng thống Trump nhận định hôm 3/11 rằng trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của ông, việc đối phó với một số chính trị gia đảng Dân chủ, những người mà ông gọi là "những kẻ tồi tệ", còn khó khăn hơn việc đối phó với các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.

Bình luận này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Fox News ngày 3/11. Khi được hỏi liệu có yêu thích việc trở thành Tổng thống không, ông Trump đã quay sang chỉ trích một số quan chức hàng đầu của đảng Dân chủ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Charles E. Schumer và Hạ nghị sĩ Adam B. Schiff, một người đi đầu trong cuộc luận tội ông Trump năm 2019.

Ông Trump đã gọi các quan chức đảng Dân chủ này là "những kẻ tồi tệ" và "vô cùng dối trá". Ông Trump cho biết có những người bạn cũ đã hỏi ông: "Quốc gia nào khó đối phó nhất? Nga? Trung Quốc hay là Triều Tiên?" Tổng thống đã trả lời những người bạn của ông rằng: "Tới nay, quốc gia khó đối phó nhất là nước Mỹ". "Tất cả họ đều nói: 'Ông đang đùa ư' và tôi đã nói rằng: 'Không, tôi thực sự không hề đùa'. Chúng ta đang thấy những kẻ rất dối trá. Tôi nghĩ họ thực sự tồi tệ theo một cách nào đó, giống như Adam Schiff vậy. Tôi nghĩ Adam Schiff là một kẻ tồi tệ và chúng ta phải đối phó với họ, chỉ với họ thôi. Đó là một sự xấu hổ", ông Trump cho hay.

21h24

Tổng thống Brazil Bolsonaro tin tưởng ông Trump tái đắc cử

Trả lời phỏng vấn CNN tiếng Brazil, Tổng thống Brazil Jair Bolssonaro bày tỏ tin tưởng Tổng thống Trump sẽ giành chiến thắng và điều này sẽ là kết quả tích cực đối với mối quan hệ ngoại giao và thương mại giữa 2 nước. Thất bại của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử lần này sẽ là một “đòn mạnh” đối với chính phủ của Tổng thống Bolsonaro – người vốn có nhiều quan điểm với ông chủ Nhà Trắng, thậm chí còn được gọi là “Trump xứ nhiệt đới”. Mặc dù có một số thông tin cho rằng Bộ Ngoại giao Brazil tin tưởng vào chiến thắng áp đảo đối với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, nhưng ông Bolsonaro vẫn công khai ủng hộ ông Trump.

21h38

Hơn 9 triệu cử tri đã bỏ phiếu ở Florida

Gần 9,1 triệu cử tri ở bang chiến địa Florida đã bỏ phiếu, theo dữ liệu cập nhật của bang này vào sáng 3/11. Số lượng cử tri ủng hộ đảng Dân chủ nhiều hơn số lượng cử tri đảng Cộng hòa khoảng 115.000 phiếu. Con số này tăng 7.000 phiếu so với ngày 2/11, điều này đồng nghĩa với việc đảng Dân chủ đã gia tăng cách biệt với đảng Cộng hòa 2 ngày liên tiếp sau 2 tuần đảng Cộng hòa chiếm ưu thế từ những người đi bỏ phiếu sớm trực tiếp. Gần 2 triệu cử tri không đăng ký theo đảng nào cũng đã đi bỏ phiếu bầu tổng thống năm nay. Các điểm bỏ phiếu tại bang Florida sẽ đóng cửa lúc 19h tối 3/11 theo giờ địa phương. Bang Florida được xem là bang chiến địa “phải thắng” đối với cả 2 ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và Joe Biden.

21h50

Ông Biden tới Pennsylvania

Ứng cử viên Joe Biden đã trở lại thị trấn quê nhà Scranton ở bang Pennsylvania, một trong những bang chiến địa quan trọng đóng vai trò chủ chốt trong cuộc bầu cử năm nay. Ông Biden phát biểu tại một sự kiện nhỏ tại đây trước một nhóm người ủng hộ.

Trước đó, ông Biden cùng vợ và 2 người cháu đã đi thăm nhà thờ St. Joshep ở Brandywine, Delaware, thăm mộ người con trai Beau qua đời năm 2015. Ông Biden dự kiến sẽ dành Đêm Bầu cử tại tư dinh ở Wilmington, Delaware. Các trợ lý cho biết, ông Biden có thể sẽ có bài phát biểu từ đây vào tối 3/11 theo giờ địa phương.

21h58

Georgia gặp sự cố kỹ thuật với máy bỏ phiếu

Hạt Spalding, bang Georgia đã thông báo trên Facebook về vấn đề hệ thống đối với các máy bỏ phiếu, và tạm thời, các lá phiếu giấy đang được gửi tới các điểm bỏ phiếu.

“Chúng tôi đã nắm được thông tin về vấn đề kỹ thuật của máy bỏ phiếu ở tất cả các điểm bỏ phiếu của hạt. Tạm thời các lá phiếu đang được đưa đến tất cả các điểm bỏ phiếu này. Cử tri có thể sẽ phải xếp hàng dài chờ đợi cho đến khi vấn đề được xử lý xong”, trang Facebook của hạt Spalding cho biết.

Năm 2016, ông Trump thắng ở hạt Spalding với 15.636 phiếu, trong khi bà Hillary Clinton chỉ giành được 9.347 phiếu.

22h21

Các điểm bỏ phiếu bị hoãn giờ ở Pennsylvania đã mở cửa

Các quận bỏ phiếu Monroeville, McKeesport và Pittsburgh của hạt Allegheny, bang Pennsylvania đã mở cửa sau khi bị trì hoãn trước đó. Bang Pennsylvania cũng đã bắt đầu quy trình xử lý các phiếu bầu qua thư, nhưng chưa bắt đầu kiểm phiếu.

22h26

91% phiếu bầu vắng mặt đã được gửi trở lại ở Nebraska

Tới nay, đã có 510.076 phiếu bầu qua thư phát đi ở bang Nebrasaka đã được gửi lại. Con số này chiếm 91% tổng số phiếu bầu vắng mặt và hiện vẫn còn 48.382 phiếu bầu vắng mặt chưa được gửi đến nơi nhận.

Các phiếu bầu vắng mặt cần phải được gửi qua thư hoặc các thùng phiếu trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào lúc 20h tối 3/11 theo giờ địa phương. Các lá phiếu vắng mặt sẽ được kiểm trước tiên và kết quả dự kiến sẽ được công bố không lâu sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.

22h42

Cử tri xếp hàng dài từ sớm để bỏ phiếu ở Arizona

Cử tri nhanh chóng xếp thành hàng dài ở các điểm bỏ phiếu tại hạt Maricopa, bang Arizona. Các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 7h sáng và đến 7h30 đã có những cử tri xếp hàng chờ đợi tới 45 phút ở các khu vực có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa như Glendale, Chandler, Gilbert và Surprise.

Gần 2,7 triệu cử tri Arizona đã bỏ phiếu sớm qua thư hoặc trực tiếp, chiếm 62,4% số lượng cử tri đăng ký ở bang này.

22h54

Đệ nhất phu nhân Melania Trump bỏ phiếu trực tiếp ở Palm Beach, Florida

Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã đi bỏ phiếu trực tiếp ở Palm Beach, bang Florida. Trước đó, bà Melania vắng mặt tại điểm bỏ phiếu Palm Beach khi Tổng thống Donald Trump đi bỏ phiếu sớm ở bang chiến địa quan trọng này ngày 24/10.

23h17

Joe Biden ký tên lên bức tường của ngôi nhà thời thơ ấu

Ông Biden đã thăm lại ngôi nhà nơi ông sống thuở nhỏ ở Scranton, Pennsylvania sáng 3/11. Ông đã viết và ký tên lên bức tường phòng khách. “Từ ngôi nhà này tới Nhà Trắng với ơn huệ của Chúa. Joe Biden 3/11/2020”, ông viết.

23h46

Thư ký bang Pennsylvania Kathy Boockvar nhắc nhở các cử tri phải kiên nhẫn và không phải tất cả các cuộc kiểm phiếu đều kết thúc vào Ngày Bầu cử.

“Việc kiểm phiếu không bao giờ kết thúc vào Ngày bầu cử và nếu chúng ta ngừng kiểm phiếu vào Ngày bầu cử, chúng ta sẽ tước quyền của những người phục vụ đất nước, những cử tri quân nhân và dân sự ở nước ngoài mà lá phiếu theo luật phải được chấp nhận vài ngày sau cuộc bầu cử", bà Kathy Boockvar nói.

“Tôi biết rằng không ai trong chúng ta muốn tước quyền các cử tri quân đội và cử tri ở nước ngoài cũng như hàng triệu cử tri Pennsylvania khác đã thực hiện quyền bầu cử cơ bản của họ”, bà nói thêm.

Bà Boockvar nói: “Chúng ta là những người có thể thực sự tuyên bố kết quả của một cuộc bầu cử hoặc một cuộc bầu cử đã kết thúc: “Mọi người nên có sự kiên nhẫn”.

Trước đó, bà Kathy Boockvar thông báo rằng, hơn 2,5 triệu phiếu bầu qua thư và phiếu bầu vắng mặt đã bị trả lại, tương đương 81% số phiếu đã được gửi đi.

23h57

Tiệc đêm bầu cử Nhà Trắng giảm xuống chỉ còn 250 người tham dự

Số người dự tiệc đêm bầu cử Nhà Trắng hôm nay đã giảm xuống còn 250 người, theo một nguồn tin thân cận với CNN.

Nguồn tin này bổ sung thêm rằng tất cả các vị khách sẽ được kiểm tra nhanh về Covid-19. Mỗi khách sẽ được đeo một vòng kiểm tra. Trước đó CNN thông báo rằng có tới 400 người dự.

0h13

“Tất cả 173 điểm bỏ phiếu ở thành phố Miwaukee đã mở cửa thành công”

Giới chức thành phố Milwaukee, Wisconsin, cho hay, họ chưa nhận được báo cáo về bất cứ vấn đề nào phát sinh cả tại nơi bỏ phiếu lẫn trung tâm kiểm phiếu dành cho những người bỏ phiếu vắng mặt.

Các tình nguyện viên tại trung tâm kiểm phiếu vắng mặt đã đếm được 175.000 phiếu. Thị trưởng Milwaukee cho biết số phiếu bầu vắng mặt “phá vỡ mọi kỷ lục” trong các cuộc bầu cử trước đó.

0h31

Lãnh đạo phe Dân chủ tin sẽ giành được đa số ghế trong Hạ viện trong đêm 3/11 (giờ Mỹ)

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Chủ tịch Ủy ban Chiến dịch Quốc hội phe Dân chủ Cheri Bustos, bày tỏ tin tưởng rằng phe Dân chủ sẽ mở rộng đa số trong Hạ viện trong đêm bầu cử.

Trong một cuộc họp trực tuyến qua mang Zoom với phóng viên, bà Bustos cho hay: “Chúng tôi đã xây được nền tảng thành công, tôi tin là chúng tôi sẽ giữ được đa số”.

Bà Bustos cho biết thêm, lãnh đạo phe Dân chủ đang chuẩn bị cho khả năng “kiểm phiếu mở rộng và có thể cả khả năng kiểm phiếu lại” sau ngày bầu cử.

Bà Pelosi nói bà tin rằng ông Joe Biden sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm sau.

1h07

Cảnh sát Mỹ điều tra vụ sơn tên của ông Trump lên các bia mộ người Do Thái

Ngay trước thềm bầu cử, vào ngày 2/11 (giờ Mỹ), cảnh sát thành phố Grand Rapids (bang Michigan) phát hiện 6 bia mộ tại Nghĩa trang Ahavas Israel bị xịt sơn đỏ với dùng chữ TRUMP.

Dòng chữ được xác định là khá mới. Hiện cảnh sát chưa phát hiện được bằng chứng nào bỏ lại tại hiện trường. Cộng đồng Do Thái trong đảng Dân chủ ở địa phương cho biết họ rất phẫn nộ về sự báng bổ này và cho rằng hành động phá hoại này là nhằm gửi “thông điệp hăm dọa tới các đối thủ của Tổng thống”.

1h33

Trên 100 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Theo US elections project, đã có 100.611.070 người Mỹ bỏ phiếu sớm. Con số này được cập nhật đến ngày 1/11.

Cụ thể trong số này có 35.901.138 người bầu trực tiếp, 64.709.932 phiếu bầu vắng mặt đã được gửi trở lại, 27.364.521 phiếu chưa nhận được. Về phương diện đăng ký bỏ phiếu theo đảng, ước tính hơn 22 triệu đảng viên Dân chủ đã bỏ phiếu và chỉ dưới 15 triệu đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu.

Phe Dân chủ có xu hướng bỏ phiếu bằng thư tín nhiều hơn. Các cử tri Mỹ năm nay đã thả được số phiếu bằng 73% tổng số phiếu được kiểm trong cuộc bầu cử năm 2016.

2h31

Tỷ lệ bỏ phiếu ở bang Connecticut rất cao, đã đạt gần 75%

Thư ký bang Connecticutm, Denise Merrill, cho hay, bang này có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu ở mức rất cao.

Merrill cho biết, đến giữa trưa (giờ Mỹ) số người đến thả phiếu trực tiếp đã tiến gần mức 50% số cử tri đăng ký đi bầu. Trong khi đó số người bỏ phiếu vắng mặt chiếm 25% cử tri, nên tổng số cử tri tham gia bầu là 75%.

Thư ký Merril bổ sung thêm thông tin: Việc bỏ phiếu lúc sáng 3/11 (giờ Mỹ) có bị trì hoãn chút xíu do mất điện tại vài điểm bỏ phiếu sau khi có giông tố trong đêm nhưng điện đã được khôi phục nhanh chóng.

2h45

Bí mật những người giám sát của 2 đảng “kè kè” tại các điểm bỏ phiếu

Tại các điểm bầu cử Mỹ có những người “giám sát bỏ phiếu”. Họ gồm người của cả hai đảng lớn ở Mỹ - Dân chủ và Cộng hòa. Nhiệm vụ của họ là bảo đảm đảng của mình có cơ hội chiến thắng.

Các theo dõi viên này không thể can thiệp vào bản thân quá trình bỏ phiếu nhưng họ có quyền giám sát gắt gao việc tổ chức bầu cử để bảo đảm phiếu được đếm chính xác. Tại một số bang của Mỹ, các giám sát viên bầu cử có thể thách thức quyền của một cá nhân được bỏ phiếu.

Tuy nhiên các giám sát viên này phải thực hiện sự thách thức đó thông qua các nhân viên bầu cử chính thức chứ không thể tùy tiện ngừng hoặc can thiệp vào hành vi bầu cử của ai đó.

3h03

Giám đốc Tình báo Nga dự báo ảm đạm về bầu cử Mỹ và khủng hoảng xã hội Mỹ

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergei Naryshkin vừa nói với hãng thông tấn Nga Sputnik rằng, khủng hoảng xã hội Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi bất chấp ai lên làm tổng thống Mỹ trong 4 năm tới.

Ông Naryshkin nói: “Đánh giá của chúng tôi như sau: Khủng hoảng xã hội sẽ trở nên sâu sắc bất kể ai giành chiến thắng. Rõ ràng bên thua sẽ bất đồng với kết quả bầu cử, và điều này sẽ càng khuyến khích các phần tử cực đoạn đổ ra đường. Đấy là khi chúng tôi dự kiến quá trình bầu cử này kéo dài. Trước nhất, vì những lý do thuần kỹ thuật, quá trình kiểm phiếu có khả năng bị chậm lại, do có lượng lớn người bỏ phiếu sớm qua thư tín. Việc đếm những thứ này sẽ mất một thời gian.

Giám đốc Tình báo Đối ngoại Nga còn bổ sung thêm rằng, nhiều khả năng theo sau Ngày Bầu cử Mỹ là các tranh chấp và thậm chí cả hoạt động kiện tụng pháp lý.

3h17

Đội ngũ tranh cử của ứng viên Biden tin tưởng ông sẽ chiến thắng

Quản lý của đội ngũ tranh cử cho ông Biden, Jen O'Malley Dillon, đã truyền đi sự lạc quan về thắng lợi của Biden trong cuộc bầu cử lần này.

Trong một cuộc gọi thông báo vào ngày Bầu cử này, đội ngũ tranh cử của ông Biden nhấn mạnh nhiều lần rằng kể cả khi thất bại ở bang Florida và Pennsylvania, họ vẫn có những cách khác để giành được thắng lợi chung cuộc. Dillon công khai rằng chiến dịch vận động của ông Biden đã gửi 32 triệu tin nhắn và gõ hơn 1,3 triệu cánh cửa…

3h49 ngày 4/11

“Phòng tác chiến” tranh cử của ông Trump bố trí tại Nhà Trắng do ai chi trả phí?

Quan chức tranh cử của phe Trump lên tiếng khẳng định “phòng tác chiến” của họ được đặt bên trong Nhà Trắng là hoàn toàn do chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump trả phí.

Giám đốc truyền thông Tim Murtaugh nói rằng căn phòng này cần đặt bên trong Tòa nhà Văn phòng hành pháp Eisenhower cận kề với Tổng thống và người đóng thuế của Mỹ không phải trả một đồng nào cho hoạt động của căn phòng này.

Tim Murtaugh hùng hồn nói: “Mọi thiết bị, kết cả WiFi và máy vi tính, đều do chiến dịch chi trả. Không dính líu đến bất cứ nhân viên Nhà Trắng nào. Việc bố trí văn phòng như vậy cũng đã được Nhà Trắng thông qua”.

4h10 ngày 4/11

FBI điều tra các cuộc gọi điện tự động hối thúc cử tri “ở nhà”

Một quan chức cấp cao thuộc cơ quan An ninh mạng và An ninh cơ sở hạ tầng Mỹ cho hay, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang điều tra các cuộc gọi điện tự động (cuộc gọi robo) xảy ra vào ngày Bầu cử (3/11, giờ Mỹ) với nội dung hối thúc các cử tri hãy “ở nhà và giữ an toàn”.

Quan chức nói trên cho biết, các cuộc gọi kiểu này xuất hiện trong mọi cuộc bầu cử. Vị quan chức này hối thúc người dân Mỹ hãy bình tĩnh và tiếp tục việc bỏ phiếu, dù vẫn phải cảnh giác với những người hăm dọa mình.

Bỏ phiếu ở Michigan (Mỹ) suôn sẻ, đã nhận lại được 92% số phiếu bầu gửi vắng mặt

Thư ký bang Michigan Jocelyn Benson vào chiều 3/11 (giờ Mỹ) đã đăng lên mạng Twitter dòng trạng thái nói rằng 92% trong tổng số phiếu của nhóm cử tri vắng mặt trên khắp bang này đã được gửi trở lại nơi phát đi.

Bà này lưu ý: Việc kiểm phiếu của các cử tri vắng mặt diễn ra “suôn sẻ và rất hiệu quả”. Theo bà, các khu bầu cử cứ như các hòn đảo yên bình vậy. Người dân bang Michigan trong vòng 4 tiếng đồng hồ nữa vẫn có thể thả phiếu bầu cho nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ khóa tới.

4h53 ngày 4/11

Nhiều cử tri Mỹ thích tự tay bỏ phiếu hơn

Việc bỏ phiếu bầu thông qua dịch vụ bưu điện đang rất phổ biến trong bầu cử Mỹ 2020. Nhưng có những cử tri tỏ ra nghi ngại về cách bỏ phiếu này.

Phóng viên báo Guardian đưa tin từ Philadephia (Mỹ) cho hay, gần như mọi cử tri mà anh này hỏi chuyện ở đây đều đích thân đi thả phiếu vào hòm để đảm bảo phiếu được tính. Họ tỏ ra lo ngại về độ tin cậy của dịch vụ thư tín, và chia sẻ rằng mình cảm thấy thoái mái khi thực sự tự đi tới nơi bầu cử và bỏ phiếu.

Cử tri Shofolahan Da-Silva nói rằng anh đã nghe đồn về tiêu cực trong vấn đề phiếu gửi qua bưu điện, còn bản thân mình muốn được tận tay bỏ phiếu dù có phải xếp hàng đợi.

5h20 ngày 4/11

Ứng viên tranh cử tổng thống Kayne West tự bỏ phiếu cho chính mình

Kanye West, một nghệ sĩ hip-hop và là một nhà thiết kế thời trang, người khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống độc lập hồi đầu năm nay, đã tự bỏ phiếu cho chính mình trong Ngày Bầu cử.

Nam nghệ sĩ 43 tuổi đã viết tên của mình và liên danh tranh cử của mình là Michelle Tidball trên lá phiếu ở bang Wyoming và chia sẻ trải nghiệm này lên mạng xã hội. "Ngày hôm nay, lần đầu tiên trong cuộc đời mình tôi bỏ phiếu cho tổng thống Mỹ và đó là người mà tôi thực tự tin tưởng... chính là tôi", Kanye West viết trên Twitter. "HÃY TIẾP TỤC TIN TƯỞNG KAYNE 2020, Cảm ơn Chúa".

Vợ của Kayne, Kim Kardashian và các chị em của cô, Kourtney and Khloe cũng đăng tải trên mạng xã hội việc họ đi bỏ phiếu song không công khai danh tính ứng viên mà họ đã bầu.

PV Phạm Huân/VOV-Washington cho biết, ngày cuối cùng để bỏ phiếu bầu cử năm 2020 tại Mỹ là ngày 3/11 và bình thường kết quả sẽ được biết ngay trong đêm 3/11 hoặc sáng sớm ngày 4/11, tuy nhiên, hiện đang có lo ngại rằng phiếu bầu năm nay có thể sẽ không được kiểm hết sau mốc này vài ngày, thậm chí là vài tuần.

Do số lượng bỏ phiếu qua thư năm nay tăng kỷ lục, cộng với việc quá trình kiểm phiếu sẽ không thể bắt đầu trước Ngày Bầu cử ở hầu hết các bang, các quan chức bầu cử trên khắp nước Mỹ có thể bị quá tải và kết quả cuối cùng có thể được công bố muộn hơn thường lệ. Bên cạnh đó, vấn đề về thời hạn chót nhận phiếu bầu qua đường bưu điện cũng gặp nhiều thách thức pháp lý.

Quy trình kiểm phiếu ở các bang cũng khác nhau và đôi khi khác nhau ở các hạt trong bang. Phần lớn các bang sẽ bắt đầu kiểm phiếu sớm nhất là từ buổi sáng Ngày Bầu cử, hoặc đợi tới sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa mới bắt đầu công việc này. Do đại dịch Covid-19, một số bang đã thay đổi quy định, cho phép quy trình xử lý diễn ra sớm hơn để có thể xử lý khối lượng lớn các lá phiếu vắng mặt trong mùa bầu cử năm nay. Ví dụ như bang chiến địa Michigan sẽ bắt đầu xử lý phiếu bầu vào ngày trước Ngày Bầu cử, tức là ngày 2/11 năm nay ở các thành phố có trên 25.000 dân. Một khi các lá phiếu được thu thập, chúng sẽ được kiểm đếm, xác minh, sau đó ghi nhận chính thức vào bảng kê để đưa ra kết quả cuối cùng.

Các bang cũng đặt ra những thời hạn cho việc ghi nhận và chứng nhận kết quả bầu cử. Những quy định này cũng sẽ khác nhau giữa các địa phương. Theo Ballotpedia, có 6 bang sẽ phải xác nhận kết quả bầu cử trong vòng 1 tuần kể từ Ngày Bầu cử, 26 bang và thủ đô Washington có thời hạn chót là từ 10-30/11; 14 bang có thời hạn chót là tháng 12, và 4 bang không quy định về thời hạn chót trong luật của bang mình.

Ngày cuối cùng để các bang giải quyết mọi tranh cãi liên quan đến kết quả bầu cử là ngày 8/12, và cử tri đoàn sẽ tập trung lại ở mỗi bang vào ngày 14/12 để chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những mốc thời gian quan trọng của cuộc bầu cử Mỹ năm 2020
Những mốc thời gian quan trọng của cuộc bầu cử Mỹ năm 2020

VOV.VN - Dưới đây là những mốc thời gian quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Những mốc thời gian quan trọng của cuộc bầu cử Mỹ năm 2020

Những mốc thời gian quan trọng của cuộc bầu cử Mỹ năm 2020

VOV.VN - Dưới đây là những mốc thời gian quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Tranh cãi pháp lý hậu bầu cử: Cuộc chiến không hồi kết của Trump-Biden?
Tranh cãi pháp lý hậu bầu cử: Cuộc chiến không hồi kết của Trump-Biden?

VOV.VN - Chiến dịch tranh cử của cả hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden đều đang chuẩn bị cho các tranh cãi về mặt pháp lý hậu bầu cử.

Tranh cãi pháp lý hậu bầu cử: Cuộc chiến không hồi kết của Trump-Biden?

Tranh cãi pháp lý hậu bầu cử: Cuộc chiến không hồi kết của Trump-Biden?

VOV.VN - Chiến dịch tranh cử của cả hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden đều đang chuẩn bị cho các tranh cãi về mặt pháp lý hậu bầu cử.

Bầu cử Mỹ trước giờ G: Biden tiếp tục dẫn trước, Trump tự tin sẽ giành chiến thắng
Bầu cử Mỹ trước giờ G: Biden tiếp tục dẫn trước, Trump tự tin sẽ giành chiến thắng

VOV.VN - Trước thềm ngày bầu cử Mỹ năm 2020, ông Biden tiếp tục dẫn trước tại các cuộc thăm dò trên toàn quốc và ở hầu hết các bang chiến địa, tuy nhiên Tổng thống Trump vẫn khẳng định sẽ chiến thắng một lần nữa.

Bầu cử Mỹ trước giờ G: Biden tiếp tục dẫn trước, Trump tự tin sẽ giành chiến thắng

Bầu cử Mỹ trước giờ G: Biden tiếp tục dẫn trước, Trump tự tin sẽ giành chiến thắng

VOV.VN - Trước thềm ngày bầu cử Mỹ năm 2020, ông Biden tiếp tục dẫn trước tại các cuộc thăm dò trên toàn quốc và ở hầu hết các bang chiến địa, tuy nhiên Tổng thống Trump vẫn khẳng định sẽ chiến thắng một lần nữa.