Các vị Tướng trẻ nhất của Hồng quân

VOV.VN - Trong lịch sử Liên Xô, có những vị Tướng rất trẻ, được thăng quân hàm nhờ lòng trung thành và công trạng..., tuy số phận rất khác nhau.

Vasily Stalin

Cấp Tướng là cấp bậc rất cao trong các lực lượng vũ trang, thông thường không phải chỉ mất một vài năm là có thể có được. Tuy nhiên, trong lịch sử Liên Xô đã có những vị Tướng khá trẻ và một trong số đó là Vasily Iosifovich Stalin - con trai của nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin. Stalin con đã quyết định lựa chọn nghề cho tương lai khá nhanh chóng - sau khi tốt nghiệp lớp chín, vào Trường Không quân Kachinsk mang tên A. F. Miasnikov.

Theo cuốn “Những người ruột thịt bí mật nhất”, sau đó, Vasily Stalin theo học tại Học viện Không quân, và tham gia các khóa bổ túc cho chỉ huy các phi đội, ngay trước chiến tranh. Với cấp bậc Đại úy, Vasily Stalin ra mặt trận ở tuổi hai mươi. Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, viên phi công trẻ đã thực hiện 26 xuất kích khẩn cấp, bắn rơi 2 máy bay địch. Năm 1942, Vasily Stalin được thăng hàm Đại tá và khi chiến tranh kết thúc, là Sư trưởng Sư đoàn Không quân Tiêm kích.

Tướng Vasily Iosifovich Stalin; Nguồn: 24smi.org

Roy Medvedev - tác giả cuốn “Họ vây quanh Stalin” - cho rằng, trong những năm chiến tranh, bộ chỉ huy đã làm mọi cách để Vasily Stalin không tham gia các chiến dịch có độ rủi ro cao. Không những thế, theo Medvedev, ý thức kỷ luật của con trai nhà lãnh đạo không cao; mặc dù đôi khi không làm chủ được mình khi uống rượu, Vasily Stalin là một phi công giỏi. Có lẽ đó là các lý do tại sao người ta không vội vàng thăng quân hàm Tướng cho Vasily.

Theo tác giả của cuốn “Joseph Stalin. Người Cha của nhân dân và các người con của ông”, Vasily Stalin được nhận hàm Thiếu tướng sau ba lần (có tài liệu viết 12 lần) được đề nghị. Nhà lãnh đạo Liên Xô chỉ đồng ý sau khi đàm đạo với Nikolai Bulganin. “Đồng chí thực sự nghĩ rằng cậu ấy xứng đáng?” - Stalin ngạc nhiên, nhưng vẫn ký quyết định. Điều này xảy ra vào năm 1947, khi Vasily chỉ mới 25 tuổi. Vị tướng trẻ trở thành Tư lệnh Không quân Quân khu Moscow, quan tâm đến sự phát triển thể thao và giải trí của giới trẻ, thành lập đội khúc côn cầu không quân, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thể thao Liên Xô.

Vasily Stalin bị cách chức vụ Tư lệnh Không quân năm 1952 theo lệnh của Stalin bố, vì lý do thiếu trinh sát thời tiết trong cuộc diễu hành trên không trong ngày Quốc tế Lao động 1/5, dẫn đến vụ tai nạn và cái chết của phi công máy bay ném bom Il-28.  Năm 1953, sau cái chết của cha mình, Vasily Stalin được điều khỏi Moscow để chỉ huy một Quân khu khác, nhưng không tuân lệnh và bị tước quân hàm.

Grigory Kravchenko

Grigory Panteleevich Kravchenko chỉ hơn Vasily Stalin ba tuổi khi được phong quân hàm Tướng. Là người xuất thân từ một gia đình nông dân bình thường, Kravchenko giống như Vasily Stalin, cũng học bay ở Kachinsk. Sau khi tốt nghiệp, Kravchenko ở lại trường Không quân làm trợ giáo. Về sau, Grigory Kravchenko tham gia nhiều cuộc chiến tranh - chiến đấu chống người Nhật, ở Trung Quốc, ở Khalkhin Gol, và tại các mặt trận của cuộc chiến Liên Xô-Phần Lan.

Tướng Grigory Panteleevich Kravchenko; Nguồn: uznayvse.ru

Trước Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Kravchenko đã hai lần nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô và nhận hàm Trung tướng khi 28 tuổi, vào năm 1940 (A. I. Krikunenko và các tác giả khác của cuốn sách “Chúng tôi là con của Người, Thủ Đô” («Мы сыновья твои, столица»). Là một phi công chiến đấu, chỉ trong hai năm, ông đã từ một Trung úy trở thành một Trung tướng. Tuy nhiên, Kravchenko không sống được cho đến ngày chiến tranh kết thúc.

Theo Vyacheslav Bondarenko - tác giả của “100 giải thưởng vĩ đại của thế giới”, Kravchenko đã hy sinh trong một trận không chiến vào tháng 2/1943. Máy bay La-5 của Grigory Panteleevich bị kẻ thù bắn hạ; vị tướng trẻ kịp thoát khỏi cabin, nhưng vì lý do nào đó chiếc dù không mở. Kravchenko rơi xuống khu vực của Hồng quân, mặc dù được cấp cứu, nhưng không qua được.

Vladislav Achalov

Vladislav Alekseevich Achalov thực sự dành nhiều năm cuộc đời của mình cho Lực lượng Dù - nơi người sĩ quan trẻ được phân về sau khi tốt nghiệp Học viện Thiết giáp. Năm năm sau, Achalov được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn Dù số 7, và 2 năm sau đó, được phong hàm Thiếu tướng, khi mới 34 tuổi. Vào thời điểm đó, Achalov là người trẻ tuổi nhất mang quân hàm Tướng trong Quân đội Liên Xô. Sau khi chỉ huy Sư đoàn dù, Achalov là Tư lệnh Quân đoàn Cận vệ số 8 trên lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Đức và trở thành Tư lệnh Lực lượng Dù năm 1989.

Tướng Vladislav Alekseevich Achalov; Nguồn: wikipedia.org

Theo cuốn “Ủy ban năm 1991. Lịch sử chưa được kể của KGB nước Nga”, người nổi tiếng Achalov hoàn toàn không kinh qua chiến đấu. Trong các sự kiện tháng 8/1991, Achalov đứng đầu Văn phòng phát triển các biện pháp cưỡng chế để hỗ trợ Ủy ban Nhà nước về Tình trạng khẩn cấp (Государственному комитету по чрезвычайному положению - ГКЧП). Đến đêm 21/8, theo kế hoạch, tất cả các đơn vị chiến đấu đều ở trạng thái sẵn sàng. Nhưng Achalov không dám đưa ra mệnh lệnh tấn công vào Nhà Trắng nếu không có lệnh bằng văn bản của các nhà lãnh đạo Ủy ban khẩn cấp Nhà nước.

Mikhail Ivanovich Naumov

Tháng 2/1943, Numov đã chỉ huy du kích dùng ngựa hành quân và mở cuộc đột kích vào hậu phương quân Đức. Với "Cuộc tấn công Thảo nguyên", các du kích quân đã vượt qua hơn 2.379km (qua 18 con sông lớn) trong 65 ngày từ vùng Kursk đến Belarus. Ở hậu phương Đức, họ đã làm nổ tung các cầu đường sắt có ý nghĩa chiến lược, nhiều kho chứa đạn dược và thực phẩm, phá hủy nhiều cơ sở vật chất của quân phát xít. Trong chiến dịch đột kích này, du kích quân đã đánh 47 trận, tiêu diệt 2.770 quân Đức, phá hủy 2 máy bay, 3 xe tăng, 97 xe vận tải, 7 đoàn tàu và 140 toa xe, 4 trung tâm liên lạc, 5 đường cao tốc và 5 cầu đường sắt, 14 km đường dây liên lạc…

Tướng Mikhail Ivanovich Naumov; Nguồn: wikipedia.org

Lon Thiếu tướng được trao cho Mikhail Ivanovich Naumov khi người chỉ huy du kích này 34 tuổi, theo lệnh của đích thân nhà lãnh đạo Stalin. Cấp bậc trước đó của Naumov là Đại úy bộ đội Biên phòng. Naumov trở thành một trong những tướng lĩnh trẻ nhất của Hồng quân Liên Xô, và trường hợp phong tướng vượt cấp cho viên đại úy này được coi là độc nhất vô nhị trong lịch sử quân sự.

Sergey Prokofyevich Denisov

Với cấp bậc Đại úy, phi công chiến đấu của Liên Xô trở về từ Tây Ban Nha vào năm 1937, chỉ sau hai năm, đã trở thành Đại tá, Lữ đoàn trưởng, và sau đó là Sư đoàn trưởng. Denisov đã tham gia trận chiến Khalkhin Gol, Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan và Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô hai lần, lần đầu vào 21/3/1940, và cuối năm 1940 được thăng hàm Trung tướng Không quân, ở tuổi 30.

Không lâu trước khi bắt đầu Chiến dịch Barbarossa, ông đã trở thành Tư lệnh Không quân Quân khu Transcaucasian vào tháng 4/1940, nhưng đã bị giáng chức chỉ 2 ngày trước khi chiến tranh bắt đầu, do nghiện rượu. Tháng 2/1943, Denisov trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân Tiêm kích số 283, tham gia vào các trận chiến cho Kursk, Chernigov, Pripiyat và Gomel trước khi bị cách chức vào tháng 12 do không duy trì kỷ luật tốt trong đơn vị của mình.

Tướng Sergey Prokofyevich Denisov; Nguồn: wikipedia.org

Sau một lần bị giáng chức khác, cuối cùng Denisov được phân về Cục Huấn luyện Chiến thuật 4 với tư cách là trợ lý cho đến tháng 10/1946. Sau khi tốt nghiệp Học viện Bộ Tổng tham mưu Quân đội vào tháng 9/1947, Denisov được chuyển sang ngạch dự bị vào tháng 11/1947.

Timothy Khryukin

Sau khi gia nhập quân đội năm 1932, Timothy Khryukin được cử đi đào tạo tại Trường phi công quân sự Voroshilovgrad ở Luhansk; 8/1936, đến Tây Ban Nha làm tình nguyện viên cho Không quân Cộng hòa Tây Ban Nha với tư cách là một phi công máy bay ném bom Tupolev SB. Tham gia chiến đấu ở Trung Quốc, Khryukin nhận được danh hiệu Anh hùng Liên Xô ngày 22/2/1939, và từng là Tư lệnh Không quân của Quân đoàn số 14 trong chiến dịch Phần Lan của Quân đội Liên Xô năm 1939-1940 trước khi được bổ nhiệm làm Trợ lý Tổng Thanh tra Không quân năm 1940.

Tháng 5/1940, Khryukin được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng, trở thành Thiếu tướng Không quân ở tuổi 30. Vào thời điểm nhận được danh hiệu Thiếu tướng, Khryukin đã hai lần được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ. Đến đầu Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Khryukin đã có hơn một trăm lần xuất kích - không phải mọi vị tướng chiến đấu đều có số lần xuất kích nhiều như vậy. Khryukin được phong hàm Trung tướng Không quân năm 1943 và Thượng tướng Không quân tháng 5/1944.

Tướng Timothy Khryukin; Nguồn: wikipedia.org

Năng lực chỉ huy của Tướng Khryukin trong Chiến dịch Bagration ở Belorussia được Nguyên soái Liên Xô Vasilevsky ghi nhận là "xuất sắc" trong hồi ký của mình. Khryukin đã chỉ huy Quân đoàn Không quân số 1 đến hết chiến tranh, tham gia trận Königsberg quan trọng trong giai đoạn cuối của cuộc chiến. Danh hiệu Anh hùng Liên Xô thứ hai tướng Khryukin được trao vào ngày 19/4/1945, mười ngày sau chiến thắng của Liên Xô trong cuộc tấn công.

Khryukin làm Tư lệnh Quân đoàn Không quân số 1 cho đến tháng 7/1946 trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh phụ trách Huấn luyện của Không quân Liên Xô từ năm 1946 đến 1947; sau đó - Tư lệnh Quân đoàn Không quân số 7. Năm 1950, Tướng Khryukin tốt nghiệp Học viện Voroshilov thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô. Sức khỏe của ông bị suy yếu nghiêm trọng do tai nạn xe hơi sau chiến tranh và qua đời do viêm thận cấp vào tháng 7/1953.

Pavel Vasilievich Rychagov

Một Trung tướng Không quân nổi tiếng khác là Pavel Vasilievich Rychagov - người đã nhận được quân hàm này ở tuổi 30, vào năm 1940, trước khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại bắt đầu. Năm 1938, Rychagov được nhận vào Đảng Cộng sản Liên Xô mà không qua thời gian dự bị, theo khuyến nghị của nhà lãnh đạo Stalin và Nguyên soái Voroshilov. Năm 1940, ở tuổi 29, Rychagov được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Không quân Hồng quân, từ tháng 7 - Phó Tư lệnh thứ nhất Không quân, từ tháng 8/1940 Tư lệnh Không quân và từ tháng 2-4/1941, là Phó Chính ủy Không quân.

Ngày 12/4/1941 Rychagov bị cách chức vì vô kỷ luật và không thể đáp ứng nhiệm vụ của người đứng đầu Không quân, khi cố gắng che giấu Chính phủ một thảm họa nghiêm trọng - một trung đoàn không quân trong khi chuyển quân đã có sự vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản, hậu quả là 3 máy bay bị rơi, 2 máy bay bị tai nạn, 12 quân nhân thiệt mạng và 4 thành viên phi hành đoàn bị thương.

Tướng Pavel Vasilievich Rychagov; Nguồn: wikipedia.org

Sau khi bị bãi nhiệm, Rychagov được cử đi học tại Học viện Quân sự của Bộ Tổng tham mưu. Các vụ bắt giữ sớm bắt đầu trong số những người chỉ huy Không quân với cáo buộc tham gia vào một tổ chức quân sự, thực hiện các hoạt động thù địch gây thiệt hại cho Cộng hòa Tây Ban Nha, làm giảm chất lượng huấn luyện chiến đấu và tăng tỷ lệ tai nạn trong Không quân Hồng quân…

Ngày 24/6/1941, Rychagov đã bị người của Bộ Nội vụ bắt giữ ngay nhà ga Kursk, sau khi trở về sớm do chiến tranh từ chuyến đi nghỉ mát ở Sochi. Maria Nesterenko - vợ Rychagov, Thiếu tá phi công, Trung đoàn phó Trung đoàn Không quân Đặc nhiệm - bị bắt tại sân bay trung tâm hai ngày sau đó. Trong quá trình điều tra, họ đã bị người của Cục Điều tra của Bộ Nội vụ Liên Xô đánh đập và tra tấn. Cuộc điều tra kéo dài và vì mối đe dọa của người Đức đang tiến gần đến Moscow, nhiều người trong số những người bị bắt đã được sơ tán.

Ngày 28/10/1941, tại làng Barbysh gần Kuibyshev, theo lệnh của L. P. Beria, một nhóm sĩ quan bị bắt đã bị bắn mà không cần xét xử, trong đó có Rychagov và vợ. Người nữ Trung đoàn phó Trung đoàn Không quân đặc nhiệm đặc biệt đã bị bắn, bị buộc tội về thực tế rằng đó là vợ của Rychagov, mà không hề biết về các “hành động phản bội” của chồng mình. Vụ án Pavel Vasilyevich Rychagov sau đó được Văn phòng Công tố Liên Xô hủy do không có chứng cứ phạm tội. Năm 1954, Pavel Rychagov được xóa án, danh hiệu Anh hùng Liên Xô được hoàn trả năm 1969. Năm 1975, một con đường ở phía bắc Moscow, nơi có ngôi nhà của viên tướng bị oan, được đặt theo tên Rychagov./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên