Biểu tình Iraq lan rộng - một “Mùa xuân Arab mới” đang xảy ra?
VOV.VN-Thiếu điện, nước sinh hoạt, thất nghiệp và quan ngại vấn nạn tham nhũng, người dân Iraq đã xuống đường biểu tình trong tuần vừa qua.
Nhiều cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình đã xảy ra và con số thương vong đang tăng lên từng ngày. Nhiều người biểu tình Iraq đang nghĩ rằng, một cuộc nổi dậy “Mùa xuân Arab” mới đang diễn ra.
Lực lượng an ninh Iraq làm thành lá chắn sống ngăn người biểu tình. (Ảnh: Getty Images)
Bất chấp việc Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã đưa ra cam kết tăng tiền hỗ trợ cho các dịch vụ điện nước quốc gia tại nhiều khu vực, nhằm đối phó với tình trạng thời tiết nắng nóng của mùa hè, người dân Iraq vẫn xuống đường biểu tình nhằm phản đối các chính sách công và vấn nạn tham nhũng đang diễn ra tại nước này.
Người biểu tình đã dựng trại tại một số khu vực, xông vào các tòa nhà chính phủ, đốt phá xe cộ và không ngại đụng độ với lực lượng an ninh. Hiện sân bay thành phố Najaf và khu biên giới với Kuwait đã bị người biểu tình Iraq phong tỏa, những tuyến đường dẫn tới các mỏ dầu lớn của Iraq cũng đã bị người biểu tình chặn lại. Căn cứ quân sự của lực lượng bán quân sự Kata’ib, thân Iran đã bị đốt cháy.
Trước làn sóng biểu tình lan rộng, chính phủ Iraq ngày 14/7 đã buộc phải cắt đứt mạng Internet và ngừng cho phép truy cập các trang mạng xã hội, nhằm tránh để người dân sử dụng với mục đích kêu gọi biểu tình. Các đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ nhất của Iraq, mà Mỹ từng đào tạo, cũng đã được triển khai tới một số điểm nóng.
Cảnh sát đã buộc phải sử dụng vòi rồng và đạn hơi cay để giải tán một số cuộc biểu tình “quá khích”. Theo các hãng truyền thông khác nhau, số người biểu tình thương vong tại các khu vực như Najaf, Basra, Amara đã lên đến hàng chục người tại mỗi khu vực.
Chỉ riêng tại Basra trong ngày 15/7, hãng tin Reuters cho biết, có 48 người biểu tình đã bị thương khi cảnh sát ngăn chặn một đám đông hàng trăm người cố gắng xông vào một tòa nhà chính quyền tỉnh và tiến tới các mỏ khai thác dầu lớn tại phía Bắc và Tây của Basra.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Iraq, 28 cảnh sát cũng đã bị thương trong các vụ đụng độ. Hiện chưa có báo cáo chi tiết về số người thiệt mạng, tuy nhiên theo thông tin được các trang mạng xã hội lan truyền, con số này đã lên tới hàng chục người.
Đầu tuần trước, các cuộc biểu tình chỉ xảy ra tại một số khu vực miền Nam Iraq khi mà người dân tức giận vì không có điện nước sinh hoạt trong điều kiện thời tiết nắng nóng của mùa hè. Sau đó, các cuộc biểu tình đã lan tới miền Trung quốc gia Trung Đông này khi người dân tại đây tỏ ra bất mãn về các vụ tấn công khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thời gian gần đây, cho rằng chính phủ yếu kém trong vấn đề đảm bảo an ninh.
Vấn nạn tham nhũng và tình trạng thất nghiệp đã khiến cuộc biểu tình phản đối chính phủ lan rộng ra toàn Iraq. Jerusalem Post ngày 15/7 dẫn lời một số người biểu tình Iraq cho rằng, người dân nước này đang tiến hành một “Mùa xuân Arab mới”, giống với những gì đã xảy ra tại Trung Đông những năm 2010, 2011. Thủ tướng Iraq thành lập liên minh chính trị với giáo sĩ Sadr
Theo các quan chức chính phủ Iraq, người dân có quyền biểu tình trong hòa bình, nhằm thể hiện tiếng nói và nguyện vọng của mình. Song hiện chính phủ Iraq vẫn cần có thêm thời gian để “hoàn thiện” khi mà nhiều năm qua họ miệt mài chống khủng bố.
7 tháng, sau khi tuyên bố giành chiến thắng hoàn toàn trước IS vào tháng 12 năm ngoái, là quãng thời gian “quá ngắn” để chính phủ Iraq giải quyết tất cả các vấn đề của đất nước. IS vẫn còn khả năng hồi sinh, chính phủ thì thiếu tiền để tái thiết đất nước trong khi cơ sở hạ tầng dân sinh, y tế, giáo dục cũng như điện, nước của Iraq bị tàn phá nặng nề. Đời sống người dân không dễ gì được cải thiện ngay ngoài sự tự do.
Thêm vào đó, sau hơn 2 tháng bầu cử, đến nay Iraq vẫn chưa thể có một chính phủ liên minh mới, bất chấp việc các Đảng phái nước này tỏ ra đoàn kết để có thể tiến tới thành lập một chính phủ mới.
Hiện Liên minh Hướng tới cải cách của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr lực lượng dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội Iraq đã tiến hành đối thoại với hai liên minh có nhiều ghế thứ 2 và thứ 3 trong quốc hội mới. Đó là Liên minh Chinh phục (al-Fath) của ông Hadi al-Ameri - thủ lĩnh một lực lượng bán quân sự của người Shiite, có quan điểm thân Iran và Liên minh Chiến thắng của Thủ tướng Haider al-Abadi. Hiện các bên đã đạt được một thỏa thuận cơ bản.
“Thực tế, Liên minh hướng tới Cải cách đã nói chuyện với nhiều đảng phái chính trị và các bên đã đạt được thỏa thuận. Chúng tôi không chỉ đạt được thỏa thuận, mà còn hình thành liên minh thực sự được hỗ trợ bởi một hiệp ước chính trị gồm tám điểm” - một thành viên của Liên minh chiến thắng cho biết. Theo đó, một chính phủ mới của Iraq sẽ sớm được thành lập để giúp người dân giải quyết các mối lo ngại.
Vậy vì sao người dân Iraq lại có thể tiến hành “một mùa xuân Arab” chống chính phủ vào thời điểm này?
Nhiều kênh truyền thông Nhà nước Iraq cho rằng, có thể đã có sự kích động từ bên ngoài vào các cuộc biểu tình tại nước này nhằm gây hỗn loạn đất nước. Bởi vẫn là “quá sớm” để người dân nước này tiến hành một nổi dậy khi mà Chính phủ vừa đã thành công trong cuộc chiến chống khủng bố “đầy vất vả” của mình để đem lại nền hòa bình cho người dân quốc gia Trung Đông này./. Ảnh: Chiến dịch “Tự do Iraq” của Mỹ lật đổ Tổng thống Saddam Hussein