Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ đi về đâu?
VOV.VN - Căng thẳng đang bị đẩy lên cao trào mới sau động thái gia tăng sức ép từ Mỹ-Nhật-Hàn và sự đáp trả đầy cứng rắn từ phía Triều Tiên.
Việc Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa vào ngày 29/5 trong bối cảnh Mỹ tuyên bố điều chiếc tàu sân bay thứ 3 tới hội quân tại vùng biển gần Triều Tiên đã khiến nhiều nhà phân tích lo ngại về những kịch bản tồi tệ có thể diễn ra tại khu vực này trong thời gian tới.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (áo trắng) tại bãi thử hệ thống phòng không tuần trước. Ảnh: Reuters. |
Hôm nay (30/5), hãng Thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) tuyên bố nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo “với hệ thống dẫn đường có thể tấn công siêu chính xác”, điều này đã gián tiếp xác nhận thông tin từ Mỹ, Nhật và Hàn Quốc về vụ thử tên lửa mới nhất mà Triều Tiên tiến hành vào sáng qua.
Việc Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa trong thời gian gần đây có lẽ không còn là điều mới lạ, tuy nhiên quả tên lửa thứ 3 trong vòng 9 ngày vừa qua lần này mang theo nhiều thông điệp đáng chú ý.
Giới phân tích cho rằng, vụ thử lần này không phải đề nhằm kiểm tra công nghệ như những lần trước đó mà là hành động cố tình của Triều Tiên nhằm nắn gân Mỹ và đồng minh.
Tuyên bố thử nghiệm thành công của Triều Tiên là sự đe dọa trực tiếp về khả năng đánh trúng các mục tiêu tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các tàu sân bay của Mỹ đang neo đậu trong khu vực. Qua đó, nhằm làm Mỹ “chùn bước” trong các nỗ lực gây sức ép và buộc Hàn Quốc, Nhật Bản phải cân nhắc kỹ càng đối với các hành động chống Triều Tiên. Pháo đài di động mang 90 máy bay của Mỹ tới gần Triều Tiên
Bản thân giới quân sự Hàn Quốc cũng xác định rõ hơn ý đồ của Triều Tiên thông qua vụ thử tên lửa này.
“Việc Triều Tiên phóng tên lửa có thể là một hành động nhằm gây sức ép để buộc Hàn Quốc phải thay đổi chính sách chống Triều Tiên” - Ông Roh Jae-Cheon Người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nhận định.
Triều Tiên đã tiếp tục khẳng định thái độ không nhượng bộ của mình thông qua vụ thử tên lửa này nhằm đáp trả việc Mỹ đang cố gắng gây sức ép và tạo ra mối đe dọa chưa từng có đối với nước này. Quyết định điều 3 trong tổng số 11 hàng không mẫu hạm của Mỹ đến trước “cửa ngõ” Triều Tiên kéo theo cả một kho vũ khí khổng lồ bao gồm 250 máy bay chiến đấu, hơn 20 tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến tranh Iraq năm 1991 Mỹ điều 3 tàu sân bay tập trung trong cùng một khu vực. Điều này khiến dư luận phỏng đoán về sự cương quyết và không ngại dùng vũ lực của chính quyền Mỹ trong giải quyết vấn đề Triều Tiên, thậm chí những kịch bản về một cuộc chiến tranh trên bán đảo này trong thời gian tới đã được nhắc đến.
Sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều có những tuyên bố rất cứng rắn. Trong khi Hàn Quốc họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia và cho biết sẽ đáp trả mạnh tay, thì Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố “tuyệt đối không thể cho phép những hành động khiêu khích của Triều Tiên diễn ra lặp đi lặp lại, phớt lờ cảnh báo của cộng đồng quốc tế”.
“Như chúng tôi đã thống nhất tại Hội nghị G7 vừa qua, vấn đề Triều Tiên là một ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế”, ông Abe nêu rõ. “Để kiềm chế Triều Tiên, chúng tôi sẽ tiến hành các hành động cụ thể cùng với Mỹ”.Các nước lên án vụ phóng tên lửa tầm ngắn mới nhất của Triều Tiên
Một số nhà phân tích cho rằng cả hai phía Mỹ, Nhật, Hàn cũng như Triều Tiên đang quyết tâm lao vào một canh bạc mạo hiểm, có thể dẫn tới kết cục một mất một còn. Tuy nhiên, không bên nào muốn cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh chắc chắn gây ít nhiều thiệt hại cho bản thân mình.
Mỹ đã nhiều lần tăng cường hiện diện quân sự xung quanh bán đảo Triều Tiên và lần này Triều Tiên tin rằng Washington cũng sẽ không dám nổ súng. Thậm chí, Mỹ có thể sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nếu Triều Tiên tiếp tục các hành động khiêu khích.
Mặc dù vậy, chiến tranh cũng không phải là một lựa chọn ưu tiên của Triều Tiên bởi họ thừa hiểu sẽ nhận phải sự đáp trả mạnh mẽ của Mỹ và đồng minh. Với những lý do trên, giới phân tích nhận định tình hình bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục gia tăng căng thẳng trên nhưng khó dẫn tới khả năng xảy ra chiến tranh do sự không mong muốn từ cả hai phía./.