Cụ bà 83 tuổi xin thoát nghèo: Chỉ những người tử tế mới làm thế!
VOV.VN -Người tử tế, người có lòng tự trọng thì luôn dựa vào khả năng lao động của mình để kiếm sống, không tham lam những thứ không phải do mình.
Những ngày qua, một video clip đăng tải câu chuyện một cụ bà 83 tuổi ở Thanh Hóa đạp xe lên UBND xã xin được ra khỏi hộ nghèo gây sốt cộng đồng mạng. Đó là cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, trú tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân). Hành động của cụ bà không chỉ khiến mỗi người nghe và chứng kiến câu chuyện nể phục, mà hành động đó còn cho mỗi người chúng ta thêm một bài học về lòng tự trọng, sự tử tế....
Cụ Đỗ Thị Mơ |
Trước hết phải nói rằng, chuyện hộ gia đình trong diện nghèo xin thoát nghèo những năm qua không phải là hiếm. Nhưng trường hợp của bà Đỗ Thị Mơ ở cái tuổi "xưa nay hiếm" lại sống một mình trong căn nhà cấp 4 quyết xin trả lại sổ hộ nghèo thì quả thực là trường hợp hiếm có trong cộng đồng.
Theo cụ bà Đỗ Thị Mơ, trước đây cụ ốm đau thường xuyên, không lao động được, lại ở một mình nên chính quyền địa phương cấp sổ hộ nghèo, cụ đồng ý nhận. Tuy nhiên, hơn năm nay đã khỏe, lại có nhà (dù là nhà cấp 4 ọp ẹp), có đất, cụ tự trồng rau, nuôi gà. Hàng ngày cụ bán rau, bán trứng cũng đủ ăn nên quyết trả lại sổ hộ nghèo. Theo cụ, khi đã tự lao động kiếm tiền nuôi sống được bản thân thì không có lý do gì để tiếp tục nhận trợ cấp từ Nhà nước. Một lý do quyết thoát nghèo hơn nữa, theo cụ Mơ là để làm gương cho một số trường hợp không chịu thoát nghèo nhìn vào để noi theo.
Câu chuyện quyết trả sổ hộ nghèo của cụ bà 83 tuổi khiến nhiều người trân trọng bởi trong thực tế có không ít người đang trong độ tuổi lao động, nhưng vẫn “kiên quyết, kiên trì” nghèo bền vững để mong nhận được sự trợ cấp hàng tháng của Nhà nước.
Có quan chức xã ở tỉnh Quảng Bình, thậm chí cấp huyện ở tỉnh Thanh Hóa, dù nhà 3,4 tầng, nội thất tiện nghi, có của ăn, của để nhưng vẫn không biết xấu hổ khi đưa vợ, con mình vào danh sách hộ nghèo để được hưởng trợ cấp; lại có những cán bộ thôn, xã khi nhận dê giống, bê giống từ các mạnh thường quân để chia cho hộ nghèo trong thôn, trong xã mình thì vẫn “không quên” giữ lại vài con cho gia đình mình. Đến khi báo chí và nhân dân phát hiện thì họ "bao biện" khiến dư luận cười ra nước mắt: rằng dê cho hộ nghèo đi lạc vào nhà cán bộ; rằng vô tình cấp nhầm bê cho lãnh đạo xã.
Đó còn là câu chuyện rất thời sự trong những ngày qua: 12 cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội ăn chặn quà từ thiện được báo chí phanh phui khiến dư luận sốc và căm phẫn. Trong các sự việc này, ngoài nguyên nhân do cơ quan, đơn vị lơi lỏng kiểm tra, giám sát, thì nguyên nhân chính là lòng tham của cán bộ, là sự khuyết tật về nhân cách của một số người.
Quay trở lại chuyện của cụ Mơ xin thoát nghèo, dư luận cho rằng, đó là suy nghĩ chỉ có ở những người tử tế. Bởi người tử tế, người có lòng tự trọng thì luôn dựa vào khả năng lao động của mình để kiếm sống. Họ biết hưởng thụ chừng mực và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có cơ hội. Đó là những người không tham lam những thứ không phải do mình làm ra, kể cả những món quà tặng từ xã hội, người thân.
Ngược lại, người mà lòng tham luôn thường trực trong mình thì chỉ thích suy nghĩ, hành động vì lợi ích của cá nhân, động vào đâu cũng nổi lòng tham; giàu có bao nhiêu cũng vẫn muốn vơ vét, chộp giật, thích bòn rút của công, của chung để làm của riêng, bất chấp thiên hạ và một bộ phận người dân đang còn nghèo đói.
Nếu như mỗi công dân luôn ý thức và có lòng tự trọng như cụ Mơ, thì chắc chắn gánh nặng ngân sách vốn đang rất eo hẹp sẽ được nhẹ bớt; Nếu mỗi quan chức luôn tự trọng, liêm chính, cần, kiệm, không tơ hào của công, hết lòng phục vụ nhân dân thì không chỉ góp phần cho đất nước, xã hội phát triển, mà còn tăng niềm tin của người dân với bộ máy chính quyền./.
Xôn xao cụ bà 83 tuổi đạp xe lên xã xin “thoát nghèo“
Xúc động chuyện đời cơ cực của cụ bà 80 tuổi vẫn leo hái dừa thuê
Cụ bà Quảng Trị 102 tuổi có 12 người con, 176 cháu chắt nội ngoại