Tuyên dương 217 học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử
VOV.VN -Hoạt động có ý nghĩa động viên tinh thần, cổ vũ các em học sinh với tinh thần nỗ lực học tập lịch sử một cách thông minh, hiệu quả
Sáng 23/4 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám- HN, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Quỹ phát triển Sử học Việt Nam tổ chức lễ tuyên dương và trao giải cho 217 học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích môn Lịch sử kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia 2014.
GS, NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển sử học Việt Nam phát biểu tại buổi lễ |
GS, NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển sử học Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ: “Môn Lịch sử là môn có vài trò rất quan trọng trong nhà trường phổ thông và trong cuộc sống bởi những giá trị lâu dài, bên vững. Thế nhưng có một thực trạng là hiện nay chất lượng giáo dục môn lịch sử còn nhiều hạn chế, đại đa số học sinh không thích môn lịch sử…Việc vinh danh, biểu dương các em học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi HSG quốc gia có ý nghĩa động viên tinh thần, cổ vũ các em như những tấm gương sáng trong tinh thần nỗ lực học tập một cách thông minh, hiệu quả”.
Đại diện các em học sinh đạt giải cao môn lịch sử kỳ thi HSG Quốc gia lên nhận giải |
Tại buổi lễ, Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận và đánh giá cao kết quả của thầy cô và các em học sinh đạt giải kỳ thi HSG Quốc gia đồng thời nhấn mạnh: “Dạy và học lịch sử trong giáo dục phổ thông có ý nghĩa hết sức quan trọng Giáo dục lịch sử trong nhà trường cần phải tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại… Thành tích học tập của các em là kết quả của quá trình đổi mới dạy và học lịch sử đang bắt đầu trong các nhà trường”.
Em Nguyễn Thị Anh (THPT Mỹ Đức A- Hà Nội)-học sinh đạt giải nhất môn sử kỳ thi HSG Quốc gia cho biết: “Em cảm thấy rất vui và tự hào khi có mặt tại ngôi trường Đại học đầu tiên của đất nước ta để nhận phần thưởng vinh dự này. Theo em, để học tốt môn lịch sử cần có niềm say mê, yêu thích môn học và thầy cô giáo là một trong những nhân tố rất quan trọng để kích thích niềm đam mê đó. Em bắt đầu yêu thích môn sử từ khi học cấp 3, khi nghe cô giáo giảng bài với những câu chuyện, những ví dụ, những hình ảnh rất sinh động. Ngoài ra, việc thực sự yêu thích môn học cũng giúp em nắm bắt các bài học một hệ thống, tìm hiểu thêm những câu chuyện lịch sử qua tư liệu bên ngoài để làm phong phú kiến thức”.
Nguyễn Thị Anh chia sẻ, sau này, em sẽ cố gắng thi vào ĐH Sư Phạm ngành lịch sử, trở thành giáo viên lịch sử, nghiên cứu tìm ra phươngn pháp giảng dạy để có thể truyền niềm đam mê, yêu thích môn sử của mình cho các em học sinh.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2014, tính trên toàn quốc, bộ môn Lịch sử có 217 học sinh đoạt giải, trong đó có 6 giải nhất, 51 giải nhì, 73 giải ba, 87 giải khuyến khích. 6 học sinh đoạt giải nhất đều là học sinh nữ: Nam Định và Vĩnh Phúc đều có 2 học sinh đoạt giải Nhất học sinh giỏi môn Lịch sử; Hà Nội và Hà Nam mỗi tỉnh có 1 học sinh đoạt giải nhất. Đây là lần đầu tiên Thủ đô Hà Nội có học sinh giành thứ hạng cao thi học sinh giỏi môn Lịch sử.
Đây là lần thứ 3 Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam tổ chức trao giải cho học sinh đạt giải cao môn Lịch sử, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2014.
Lễ dâng hương tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trước khi lễ trao giải chính thức diễn ra |
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trao giải cho các em học sinh đạt giải |
6 học sinh đạt giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2014 |
Đại diện các em học sinh đạt giải nhì |