Bài 4: Đấu tranh vì nền dân chủ thực sự cần bản lĩnh, chính kiến
VOV.VN - Theo các chuyên gia, thực hiện quyền dân chủ, đấu tranh vì nền dân chủ thực sự rất cần bản lĩnh, chính kiến rõ ràng. Chính mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần phát huy quyền dân chủ của mình
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII nhận định “Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được nâng cao”. Đồng thời Dự thảo Báo cáo chính trị cũng chỉ ra hạn chế “Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ”.
Nhìn lại 30 năm đổi mới, Dự thảo Báo cáo chính trị rút ra bài học: Đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Trong mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới cũng có nội dung “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Một trong 12 nhiệm vụ tổng quát của giai đoạn 2016- 2020 cũng nhấn mạnh nội dung “Hoàn thiện, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”.
Vấn đề Dân chủ được khắc họa rõ nét trong Văn kiện
GS.TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, trong các phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới, Dự thảo Báo cáo chính trị có đưa ra phương hướng, nhiệm vụ đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; bảo đảm quyền tự do, dân chủ trong hoạt động kinh tế của người dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội trong xây dựng và giám sát việc thực hiện thể chế kinh tế và phát triển kinh tế- xã hội.
GS.TS Phạm Hữu Nghị |
“Trong Dự thảo các báo cáo tại Đại hội XII của Đảng, vấn đề dân chủ, giám sát và phản biện xã hội dành được sự quan tâm rất lớn và được khắc họa khá rõ nét”- GS.TS Phạm Hữu Nghị nhận xét.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng nhận định, trong đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm Đổi mới, dự thảo Báo cáo chính trị đã ghi nhận thành tựu và hạn chế trong phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phát huy dân chủ và vai trò làm chủ của nhân dân là một trong những kinh nghiệm trong lãnh đạo của Đảng được rút ra trong dự thảo Báo cáo chính trị.
“Phát huy dân chủ XHCN được dự thảo Báo cáo chính trị xác định là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát cần thực hiện trong 5 năm tới. Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu ra phương hướng, nhiệm vụ phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa nói chung và định hướng, nhiệm vụ phát huy dân chủ trong một số lĩnh vực cụ thể”- PGS.TS Nguyễn Đức Minh nhận định.
Phần đông chưa biết phát huy quyền dân chủ của mình
Tuy nhiên, PGS.TS. Phạm Quang Hoan, Viện trưởng Viện Dân tộc, Viện KHXH Việt Nam thì cho rằng, phần đánh giá nội dung “phát huy dân chủ XHCN, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân” còn dài, chưa đúc kết được những thành tựu nổi bật trong 5 năm qua như người dân có quyền chất vấn trực tiếp, giám sát công khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cấp chính quyền đã có trách nhiệm hơn trong giải trình xã hội. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã được tăng cường hơn trong giám sát và phản biện xã hội… “Việc giải trình xã hội vẫn còn mang tính hình thức, dân chủ ở cơ sở chưa thực sự có chất lượng và hiệu quả. Còn nhiều yếu tố chủ quan, dân chủ có tính hình thức dẫn tới dễ bị lợi dụng gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ…”
Dự thảo Báo cáo chính trị nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương pháp luật trong xây dựng và thực hiện dân chủ còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức.
“Ở nước ta, không phải đến các dự thảo văn kiện Đại hội XII vấn đề dân chủ và thực thi dân chủ mới được quan tâm mà trong các nghị quyết của Đảng trong nhiều thời kỳ đều rất quan tâm đến vấn đề dân chủ. Đảng ta nêu nêu rõ mục tiêu phấn đấu là xây dựng nước ta thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”- GS.TS Phạm Hữu Nghị nhấn mạnh.
Theo GS.TS Phạm Hữu Nghị, ở nước ta hiện nay, dân chủ trở thành mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới. Vấn đề dân chủ ngày càng có tầm quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những thành tựu của quá trình dân chủ hóa đang góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Dân chủ cần được hiểu là dân chủ trong Đảng và dân chủ toàn xã hội, dân chủ ngay trong các cộng đồng dân cư, dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thế nhưng, có một thực tế phải thừa nhận là phần đông trong xã hội, từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng lao động đều chưa thực sự biết sử dụng và phát huy quyền dân chủ của mình”.
Để phát huy dân chủ, mọi quyền lực nhà nước thuộc về dân
Hiện nay có một thực trạng xã hội đáng buồn, con người ta ít người quan tâm đến việc phát huy quyền dân chủ, mà nặng chú ý những gì có lợi trực tiếp cho bản thân. Cán bộ có chức có quyền do động cơ, do vun vén lợi ích cá nhân mà vi phạm dân chủ, dọa nạt, ức hiếp, trù dập, trả thù những người dân tố cáo sai phạm. Những cán bộ này rất sợ dân chủ, tìm cách né tránh dân chủ.
Theo GS.TS Phạm Hữu Nghị, “trong nhân dân, đáng buồn là trong cả giới trẻ có những người chỉ biết lo cho cái tôi bé nhỏ, từ đó co lại, trùm chăn an phận, sống theo kiểu “mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Từ đây, nảy sinh hiện tượng lối sống vô cảm. Tâm lý sợ bị trù dập, sợ trả thù, hoặc tâm lý tự ti không dám lên tiếng phê bình, khiếu nại, tố cáo khá phổ biến trong xã hội”.
GS.TS Phạm Hữu Nghị cho rằng, thực hiện quyền dân chủ, đấu tranh vì nền dân chủ thực sự rất cần bản lĩnh, dũng khí, chính kiến rõ ràng. Chính mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần phát huy quyền dân chủ của mình. Vô cảm trước những đau khổ, thiệt thòi, oan khốc của người khác; không dám đấu tranh với các vi phạm dân chủ một cách trắng trợn, tưởng như được an toàn cho bản thân, gia đình, nhưng đến lúc nào đó cái oan khổ, cái hại sẽ đến với chính mình. Nếu như mọi cán bộ, đảng viên và người dân biết hưởng quyền dân chủ đã được Hiến pháp thừa nhận và bảo vệ, biết và dám sử dụng quyền dân chủ, có bản lĩnh, ý chí đấu tranh chống mọi sự bất công thì sẽ tạo sức mạnh tổng hợp toàn xã hội để vươn tới xây dựng được một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo GS.TS Phạm Hữu Nghị, để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ thực sự trong Đảng là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Mọi chủ trương, đường lối về phát triển đất nước phải được bàn bạc, trao đổi rộng rãi trong toàn Đảng.
Cùng với đó, thực hiện đúng nguyên tắc pháp quyền trong đời sống xã hội, Hiến pháp và các đạo luật có vai trò tối thượng trong đời sống xã hội. Dân chủ gắn bó mật thiết với pháp luật. “Một khi pháp luật chưa thực sự được coi trọng trong xã hội, trong hoạt động quản lý của Nhà nước thì tình trạng xâm hại các quyền tự do dân chủ của công dân luôn có nguy cơ rất lớn”.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, bảo đảm quan trọng nhất cho dân chủ không phải là chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng mà là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, trong nhà nước đó tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. “Dân chủ vẫn tồn tại trong chế độ chính trị một Đảng lãnh đạo, nếu ở đó tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Như vậy, vấn đề mấu chốt và điều kiện quan trọng nhất để thực hành và phát huy dân chủ là phải đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”./.