Cần coi kinh tế tư nhân là trụ cột
VOV.VN - Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường phải coi kinh tế tư nhân phải là trụ cột phát triển.
Về phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dự thảo Văn kiện Đại hội XII nêu rõ: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Xóa sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tỉnh Thanh Hóa |
Về sự bình đẳng của giữa các thành phần kinh tế, dự thảo văn kiện Đại hội XII xác định: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, đây là quan điểm hoàn toàn xóa đi sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Đệ hy vọng sự xác định rõ ràng như vậy sẽ tránh được tình trạng phân biệt đối xử hiện nay giữa khối doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp Nhà nước. Đó là tình trạng khối doanh nghiệp tư nhân đang không được đánh giá đúng, trong khi đó, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 40% GDP. “Trong văn kiện cần chỉ rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân, khẳng định sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước. Văn kiện cần chỉ rõ, trừ những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng thì ưu tiên doanh nghiệp Nhà nước, còn lại tất cả phải được bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước vì chúng ta đang hướng đến phát triển kinh tế thị trường”- ông Đệ đề nghị.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, cần bỏ khái niệm doanh nghiệp ngoài Nhà nước, vì mọi cống hiến, đóng góp của doanh nhân là vì đất nước, nhân dân. “Doanh nhân chúng tôi không phải từ trên trời rơi xuống, không phải là nằm ngoài Nhà nước này. Vì vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn trong xã hội, trong sự phát triển đất nước, lực lượng hùng hậu, vì vậy cần bổ sung lực lượng này vào liên minh khối đại đoàn kết dân tộc, thành liên minh công-nông-trí-doanh”.
Kinh tế tư nhân phải là trụ cột phát triển kinh tế
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhận định: “Cần đề cao hơn vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân. Coi khu vực này là “một động lực quan trọng” là chưa đủ. Kinh tế tư nhân phải là trụ cột phát triển kinh tế, trục chính là các tập đoàn kinh tế tư nhân, bởi kinh nghiệm thế giới cho thấy, muốn có một nền kinh tế lớn thì phải có những Tập đoàn tư nhân lớn”- PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Cần đề cao hơn vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân (ảnh: KT) |
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, trong lịch sử cách mạng chúng ta hiểu rằng, đẩy thuyền, lật thuyền cũng là dân. “Tại sao trong công cuộc phát triển kinh tế lại không thấy vai trò của dân. Khẳng định vai trò khu vực kinh tế tư nhân. Chừng nào chúng ta phát động được toàn dân làm kinh tế, thì lúc đó chúng ta mới có đất nước mạnh giàu”.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, phải có môi trường tốt đảm bảo tự do kinh doanh, công bằng, an toàn, sáng tạo. Nguồn lực của nhà nước là có hạn, nhưng nguồn lực và trí tuệ của dân là vô hạn và trong Đại hội tới phải có một bước đột phá khẳng định Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, điều tiết nhưng trong đó nền kinh tế tư nhân là quan trọng. Nền kinh tế của toàn dân phải là động lực./.