Bài 1: Cần thay đổi thái độ về vấn đề Dân chủ
VOV.VN - Các chuyên gia khẳng định, lịch sử phát triển loài người, dân chủ là xu hướng, là quy luật dù trải qua thời kỳ nào. Tuy nhiên, thái độ về dân chủ của chúng ta còn “có vấn đề”
Lời Tòa soạn:
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem dân chủ là một thiết chế chính trị, là phương thức tồn tại của nhân dân và là sản phẩm của tiến bộ xã hội. Bác đã từng nói, dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Với những ý nghĩa đó, dân chủ có vai trò rất to lớn dân chủ vừa là mục đích, vừa là động lực của sự phát triển xã hội.
Hồ Chí Minh khẳng định, nước ta là một nước dân chủ và là dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó của Bác đã trở thành kim chỉ nam trong đường lối phát triển đất nước. Bác đã tổng kết: "Thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn".
Thấm nhuần lời dạy của Bác, có thể nói, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, dân chủ luôn là vấn đề được Đảng đặc biệt quan tâm. Trong thời kỳ đổi mới đất nước toàn diện và đồng bộ của Đảng, của đất nước, vấn đề dân chủ lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Cũng có lẽ vì thế, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề dân chủ, tiếp tục đưa tinh thần dân chủ lên tầm cao mới với việc thực hiện dân chủ đầy đủ và nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngay trong tiêu đề dự thảo cũng nhấn mạnh đến vấn đề dân chủ “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định…”
Theo nhiều chuyên gia, việc đưa nội dung phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa vào dự tiêu đề dự thảo Văn kiện lần này là một nhận thức rất lớn của Đảng ta về vấn đề dân chủ. Đây cũng là sự cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Trong bối cảnh chúng ta đang cần một sự đoàn kết vững chắc thì lại càng không thể không có dân chủ. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của xã hội.
VOV.VN trân trọng giới thiệu loạt bài viết về vấn đề này với chủ đề: “Tiếp cận vấn đề dân chủ trong giai đoạn mới”
Bài 1: Cần thay đổi thái độ về vấn đề Dân chủ
Bài 2: Đừng 'sợ' internet, nên dân chủ hóa thông tin!
Bài 3: Dân chủ trong công tác cán bộ- Dũng cảm thay thế cán bộ yếu kém
Bài 4: Đấu tranh vì nền dân chủ cần bản lĩnh, chính kiến rõ ràng
Bài 5: Chỉ có đoàn kết thực sự khi có dân chủ và lợi ích hài hòa
Thái độ về dân chủ của chúng ta còn “có vấn đề”?
Quan tâm đến vấn đề dân chủ trong dự thảo Văn kiện, GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam dẫn lại những khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dân chủ, nhân quyền và tự do là xu thế khách quan và cũng là xu thế không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Việt Nam không phải là ngoại lệ và Việt Nam đã thừa nhận xu thế này.
GS.TS Hồ Sỹ Quý cho rằng, những tư tưởng này được đông đảo cán bộ và nhân dân trong nước, kiều bào nước ngoài và bạn bè quốc tế, kể cả những người gần đây thường có tiếng nói trái chiều, đón nhận với tâm trạng tích cực, đánh giá cao, đặt nhiều hy vọng. Vấn đề là thái độ về dân chủ của chúng ta còn “có vấn đề”.
GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, dân chủ hóa xã hội là quá trình làm cho các quan hệ và hoạt động xã hội mang tính dân chủ, là quá trình người dân tham gia và quyết định các mặt của của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ nhằm phục vụ cho lợi ích của chính người dân.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Dự thảo Báo cáo chính trị Văn kiện của Đảng xác định: “Đẩy mạnh dân chủ hoá xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”. Như vậy, dân chủ hóa xã hội là điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tư cách là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng là nơi tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội…
Cần thay đổi thái độ về vấn đề dân chủ
PGS.TS Võ Đại Lược |
Theo PGS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, muốn phát huy dân chủ, thì vấn đề hết sức quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Giám sát và phản biện xã hội là một hoạt động rất phổ biến trong các xã hội hiện đại. Nó đã phổ biến đến mức người ta không thể tưởng tượng được sự tồn tại của xã hội hiện đại sẽ như thế nào nếu không có hoạt động này. Chính hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả. Vấn đề đặt ra là ai giám sát và phản biện, giám sát cái gì và như thế nào và những điều kiện đảm bảo sự thành công của hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
GS.TS Hồ Sỹ Quý cũng khẳng định, khó có một chính sách xã hội nào lại có thể đạt đến tối ưu hay thật sự có hiệu quả nếu bỏ qua sự phản biện, thẩm định về mặt chuyên môn. Nếu không dựa vào cơ chế dân chủ thì không một pháp luật nào, một thứ đạo đức nào hay một loại công cụ nào có thể ngăn chặn hữu hiệu sự thao túng của các nhóm lợi ích, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
“Chỉ có một cách vừa nhân văn vừa bền vững là phải thích ứng và chung sống với tự do, dân chủ. Tất nhiên điều này không dễ nhưng không thể làm ngơ và buộc phải thực hiện. Về lâu dài, chắc chắn là cách hợp lý để đi tới tiến bộ xã hội, điều mà Thủ tướng Chính phủ gọi là xu thế khách quan. Bởi hiện nay, Việt Nam cùng với hơn 162 nước thuộc Liên Hợp quốc đã tự nguyện ký và cam kết thực hiện Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền”- GS.TS Hồ Sỹ Quý phân tích.
Mới giám sát, phản biện được các vấn đề dễ, ít đụng chạm
Tuy nhiên, theo PGS.TS Võ Đại Lược, các tổ chức xã hội hiện nay cũng chỉ tham gia giám sát và phản biện xã hội trên những vấn đề mà dân chúng bức xúc, ít hây hấn, không cần đòi hỏi nhiều hiểu biết về chuyên môn, dễ được các cơ quan Nhà nước chấp nhận như các vấn đề về doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, thuế thu nhập, ô nhiễm môi trường.
“Còn có những vấn đề muốn giám sát, phản biện cần đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu, tốn công sức, thời gian, tài chính mới làm được, nghĩa là vượt quá khả năng của các tổ chức xã hội thì thường họ không làm”- PGS.TS Võ Đại Lược nhấn mạnh.
Để giám sát hiệu quả theo PGS.TS Võ Đại Lược phải có những tổ chức xã hội độc lập thì mới có thể giám sát được những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. PGS.TS Võ Đại Lược kiến nghị cần có luật về giám sát để quy định cơ quan công quyền phải làm gì, tạo điều kiện cho dân chúng được giám sát ra sao, phải cấp kinh phí để các tổ chức họ thực hiện giám sát-phản biện xã hội, Nhà nước phải khuyến khích việc giám sát, phản biện.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, lịch sử phát triển loài người, dân chủ là xu hướng, là quy luật dù trải qua thời kỳ nào. Với mỗi quốc gia, từng khu vực có sự phát huy dân chủ khác nhau, nhưng trong thời đại hiện nay, với xu thế hội nhập toàn cầu thì phát triển dân chủ là điều tất yếu. Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, dân chủ càng có điều kiện để phát huy dù phương thức ở mỗi quốc gia là khác nhau, tuy nhiên việc lợi dụng dân chủ cũng vì thế có nhiều phức tạp hơn.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân việc phòng chống tham nhũng, đó là cuộc đấu tranh của cả hệ thống chính trị, nhưng kết quả chưa như mong đợi khiến nhân dân bức xúc. Mặt trận cũng đã và đang góp phần vào việc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, để phát huy dân chủ, MTTQ Việt Nam đã đẩy mạnh phương châm lắng nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân nghe và làm cho nhân dân tin. Mặt trận đã định kỳ có tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, có tổng hợp, báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri, khiến nhân dân tin tưởng, tới đây cần tiếp tục phát huy./.